Nhiều lỗ hổng dẫn đến thất thoát lớn
Mặc dù có một lượng lớn quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước cho thuê nhưng kết quả làm việc tại một số địa phương và ngành chức năng của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội bước đầu cho thấy: nhiều “lỗ hổng” về quản lý dẫn đến thất thoát lớn cho ngân sách thành phố.
Quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố bao gồm: quỹ nhà cho thuê sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ và các mục đích khác không phải để ở (quỹ nhà chuyên dùng); cho thuê sử dụng làm trụ sở làm việc tại Cung Trí thức Thành phố; cho thuê làm trụ sở, kinh doanh, dịch vụ công cộng tại tầng 1 hoặc tầng 2 các nhà chung cư tái định cư; quỹ nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách dành cho công nhân lao động ở các KCN thuê, cho các hộ gia đình khó khăn về nhà ở thuê. 2 nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là những bất cập xung quanh việc quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng và quỹ nhà cho thuê làm trụ sở, kinh doanh, dịch vụ công cộng tại tầng 1 hoặc tầng 2 các nhà chung cư tái định cư, gây thất thoát không nhỏ cho ngân sách thành phố.
Tổng quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn thành phố hiện Công ty TNHH 1TV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý là 1.075 địa điểm cho 892 đơn vị, tổ chức thuê sử dụng với diện tích nhà là 189.354m2, diện tích đất là 183.019m2. Quỹ nhà chuyên dùng có nguồn gốc là nhà cải tạo, công tư hợp doanh hình thành trong thời kỳ cải tạo XHCN, một phần được tạo lập từ nguồn vốn ngân sách nhà nước xây dựng tại tầng 1 các khu tập thể từ những năm 1960; phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, nguyên là nhà ở, vị trí xen kẽ với nhà ở của dân, phía trong hoặc phía trên là nhà ở của chủ cải tạo, phía ngoài mặt phố là nhà chuyên dùng, tập trung phần lớn ở 2 quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Các tổ chức thuê nhà chuyên dùng được bố trí từ thời bao cấp, hiện cơ quan hành chính sử dụng 284 địa điểm, doanh nghiệp nhà nước sử dụng 286 địa điểm, các thành phần kinh tế khác sử dụng 505 địa điểm.
Thực tế thời gian qua, nhiều đơn vị thuê đã vi phạm hợp đồng thuê nhà: chuyển nhượng nhà thuê, liên doanh liên kết, thực chất là cho thuê lại nhà, giao khoán nhà cho cá nhân sử dụng, chuyển làm nhà ở, không trả tiền thuê nhà… Những vi phạm này tập trung ở các đơn vị như tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp nhà nước đã có thay đổi về tổ chức như: tách, nhập doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình HTX thành doanh nghiệp tư nhân. Hiện có 342 địa điểm chưa ký lại hợp đồng thuê nhà do đơn vị đã chuyển nhượng nhà, chuyển sang làm nhà ở, bị chiếm dụng, có tranh chấp khiếu kiện, thay đổi pháp nhân… 91 địa điểm do cơ quan hành chính sử dụng có vi phạm như: sai mục đích, cho thuê lại… cần phải giải quyết trước khi bàn giao nhà cho đơn vị quản lý, sử dụng theo quy định.
Để xử lý những tồn tại trong công tác quản lý quỹ nhà chuyên dùng, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền địa phương tổ chức các đợt kiểm tra, rà soát quỹ nhà chuyên dùng. Kết thúc các đợt kiểm tra, Liên ngành đều có báo cáo kết quả và đề xuất phương án xử lý nhưng chưa được kết luận chỉ đạo nên kết quả các đợt kiểm tra, rà soát chỉ dừng lại ở mức tổng hợp báo cáo, lập biên bản ghi nhận hiện trạng, hồ sơ vi phạm yêu cầu đơn vị khắc phục. Do đó, các sai phạm trong quản lý, sử dụng nhà chuyên dùng tồn đọng từ nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Mặt khác, các văn bản pháp luật mới ban hành quy định về quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước là công sở, trụ sở, nhà làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp khi vận dụng để quản lý với quỹ nhà chuyên dùng. Các quy định về quản lý nhà phân tán ở nhiều văn bản pháp luật, một số văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính còn chồìng chéo, thiếu thống nhất, gây khó khăn trong việc thực hiện.
Đặc biệt, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là việc cho thuê quỹ nhà chuyên dùng hiện vẫn mang tính bao cấp, giá cho thuê nhà thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường và thực hiện theo quyết định của UBND thành phố. (Giá cho thuê nhà chuyên dùng hiện vẫn là 80.000 đồng/m2). Về vấn đề này, đại diện Sở Tài chính cho biết: Sở Tài chính đã phối hợp với các ngành tham mưu cho thành phố điều chỉnh giá thuê nhà, theo vị trí từ mức 80.000 - 220.000 đồng/m2, tùy theo mức giá đất. Tuy nhiên, theo Quyết định 26 của UBND thành phố về giá nhà chuyên dùng, các đơn vị đã được ký hợp đồng 5 năm nên đến hết 2013 mới điều chỉnh giá thuê. Không được thay đổi giá hàng năm, cào bằng vị trí, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất thoát. Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam bức xúc: doanh nghiệp thuê của Nhà nước với giá rất thấp, nhưng cho thuê kinh doanh với giá cao hơn nhiều lần, thất thoát rất lớn ngân sách nhà nước vào tay doanh nghiệp. Phải rà soát lại, những diện tích sử dụng không đúng mục đích ban đầu phải thu hồi. Những đơn vị không còn kinh doanh phục vụ như thời bao cấp, mà kinh doanh dịch vụ thị trường phải có cơ chế khác để tránh thất thoát cho ngân sách thành phố.
Vấn đề đáng chú ý nữa là cơ chế quản lý, Công ty TNHH 1TV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội là đơn vị quản lý tài sản, nhưng chỉ có trách nhiệm giúp UBND thành phố quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước, nên khi xảy ra những vấn đề về mặt tranh chấp, phát hiện những đơn vị cho thuê vi phạm đơn vị không thể xử lý được vì không có chế tài. Ở góc độ địa phương – UBND quận Hoàn Kiếm - địa bàn có quỹ nhà chuyên dùng lớn nhất trên địa bàn cũng khẳng định: địa phương không được giao quản lý nên không thể xử lý hoặc kiến nghị xử lý những bất cập liên quan đến việc quản lý, sử dụng quỹ nhà này.
Tổng số nhà chung cư tái định cư hiện Công ty TNHH 1TV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã tiếp nhận và đang quản lý là 142 tòa nhà tại 22 khu đô thị, khu nhà ở. Trong đó có 15 khu có diện tích cho thuê làm trụ sở, kinh doanh, dịch vụ công cộng tại tầng 1 hoặc tầng 2 các nhà chung cư tái định cư với diện tích 51.748m2. Công tác quản lý quỹ nhà cho thuê sử dụng vào mục đích làm trụ sở, kinh doanh, dịch vụ công cộng tại tầng 1 hoặc tầng 2 các nhà chung cư tái định cư hiện cũng còn nhiều bất cập. Quyết định 3833 ngày 26.9.2007 của UBND thành phố ban hành đơn giá cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ chưa bao hàm toàn bộ các khu đô thị, khu nhà ở có nhà chung cư tái định cư nên việc xác định giá cần phải được Sở Tài chính thẩm định và tham gia quản lý để bảo đảm tận thu cho thành phố. Việc thu hồi nợ đọng trong lĩnh vực này cũng rất khó vì không có chế tài, có những lúc Công ty TNHH 1TV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phải nhờ đến sự giúp đỡ của Phòng Cảnh sát Kinh tế mới đòi được một phần. Đại diện công ty đề xuất quỹ nhà này nên ưu tiên phục vụ sinh hoạt cộng đồng, diện tích còn lại cho đấu giá quyền sử dụng đất để thu tiền cho ngân sách thành phố.
Nhấn mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước cho thuê, nhất là với diện tích cho thuê để kinh doanh đang tồn tại nhiều vấn đề nổi cộm: giá còn bất cập, nhất là cơ chế quản lý và kinh doanh (yếu tố kinh doanh chưa được chú trọng, chưa phân định rõ mô hình kinh doanh, dịch vụ hay công ích) gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước. Thừa nhận một phần nguyên nhân do yếu tố lịch sử để lại (sự đa dạng, phức tạp của quỹ nhà cho thuê, nhất là quỹ nhà chuyên dùng), Phó chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt nhấn mạnh đến yếu tốë pháp lý: các văn bản pháp lý, cơ chế hiện chưa rõ ràng. Đặc biệt, phương thức quản lý hiện nay chưa theo kịp yêu cầu quản lý tài sản nhà nước trong nền kinh tế thị trường, không tạo được động lực cho đơn vị quản lý. Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ cơ chế, mô hình quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước cho thuê trên địa bàn theo hướng minh bạch, phù hợp với nền kinh tế thị trường, có cơ chế tài chính rõ ràng để khuyến khích doanh nghiệp. Yêu cầu Sở Xây dựng rà soát lại toàn bộ, nghiên cứu mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Công ty TNHH 1TV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội để hoạt động hiệu quả hơn. Đối với Công ty: nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị mô hình tổ chức và cơ chế vận hành; nắm chắc quỹ nhà cần xử lý; báo tiền thuê nợ đọng và số nợ đọng điển hình để có biện pháp xử lý, tránh thất thoát cho ngân sách thành phố.