Nhiều kỳ vọng trước thềm Hội thảo Du lịch năm 2021 tại Nghệ An

- Thứ Sáu, 24/12/2021, 05:52 - Chia sẻ
Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm Hội thảo Du lịch năm 2021 diễn ra ngày mai, 25.12, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch nhiều địa phương nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo tiếp tục khẳng định tinh thần chủ động đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời bày tỏ kỳ vọng, hội thảo sẽ thu được các đề xuất cụ thể, thiết thực về thể chế, các chính sách ưu tiên để hỗ trợ ngành du lịch phục hồi và phát triển trong tình hình mới.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên NGUYỄN THỊ MAI:
Đồng hành để doanh nghiệp vượt khó

Đại dịch Covid-19 đã từng đặt ngành du lịch vào thế “tiến thoái lưỡng nan” giữa đóng và mở cửa. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19 giống như một “tấm vé thông hành” để du lịch từng bước phục hồi. Nắm bắt nhanh chóng tinh thần của nghị quyết, nhiều địa phương trong cả nước đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để sớm mở cửa đón khách trở lại. Ngày 3.12.2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 233/KH-UBND về việc triển khai các biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành trên địa bàn. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch cộng đồng; tích cực thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch để đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.

Trong một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp du lịch nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để ngành du lịch sớm phục hồi, tôi cho rằng cần triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách như: Hỗ trợ về tài chính, tín dụng, việc làm và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch để nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch; kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm giá điện, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; tiếp tục kéo dài chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế của doanh nghiệp đến hết năm 2023. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các địa phương, đơn vị tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch bảo đảm an toàn trong dịch bệnh nhưng vẫn phải đủ sức hấp dẫn.  

Tại Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển” diễn ra ngày mai, 25.12, tôi mong rằng các đại biểu sẽ có những đánh giá sát thực về tình hình du lịch ở nước ta hiện nay, đưa ra định hướng và giải pháp trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ sẽ sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn và quyết định những chính sách đột phá để đồng hành với ngành du lịch sớm phục hồi và phát triển.

Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh PHẠM NGỌC THỦY:
Cấp bách thống nhất các giải pháp trên toàn quốc

Du lịch là lĩnh vực có tính chất liên vùng, liên ngành rất cao. Bởi vậy, việc phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cần được tiến hành đồng bộ ở nhiều cấp, ngành với phạm vi toàn quốc, rộng hơn là cả khu vực. Thực tiễn cũng cho thấy, việc thúc đẩy phát triển du lịch gắn với công tác phòng, chống dịch đang là một nội dung mới. Quá trình thực hiện song song hai mục tiêu này sẽ không tránh khỏi các mâu thuẫn phát sinh; làm sao để giải các mâu thuẫn này là bài toán cần đi tìm lời giải. Vì lẽ đó, việc tổ chức một Hội thảo mang tầm vóc quốc gia nhằm thống nhất các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch trên phạm vi toàn quốc hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay.

Tham dự Hội thảo Du lịch năm 2021 từ điểm cầu tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi mong muốn được tiếp nhận thông tin về các giải pháp: Phát triển du lịch gắn với phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho du khách và cộng đồng; cách thức thay đổi hành vi, thói quen cũ của du khách cũng như cộng đồng để bảo đảm mục tiêu phát triển và an toàn trước dịch bệnh; tăng cường liên kết giữa các địa phương, liên kết vùng để tạo chuỗi sản phẩm an toàn… Bên cạnh đó, là phương pháp quản lý điểm đến trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; công tác quảng bá, xúc tiến, phát triển nhân lực…

Thông qua Hội thảo, chúng tôi mong muốn: Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sẽ có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn trước mắt, tạo đột phá về lâu dài để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Trong đó, cần có chính sách phù hợp về giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất... Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm tham mưu cho Chính phủ xây dựng cơ chế tăng cường nguồn lực cho hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch cả nước và các địa phương. Đặc biệt, Luật Du lịch và tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề cập đến việc ưu đãi đầu tư trong hoạt động du lịch. Vì vậy, các bộ, ngành cần sớm đưa: Đầu tư xây dựng khu du lịch Quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh; đầu tư xây dựng điểm du lịch; đầu tư các loại hình du lịch chuyên đề; đầu tư các loại hình du lịch sinh thái vào danh mục những ngành, nghề được ưu đãi đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An LÊ HỒNG VINH:
Tiếp tục khẳng định tinh thần chủ động đồng hành với Chính phủ

Đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp và khó lường đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh chung ấy, ngành du lịch Nghệ An cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, không tránh khỏi vòng xoáy của những khó khăn và khủng hoảng. Là một trong những địa phương được đánh giá thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, thời gian qua, Nghệ An đã nỗ lực nối lại hoạt động du lịch nội tỉnh của một số địa phương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và bắt đầu lên kế hoạch khôi phục hoạt động. Hàng loạt giải pháp kích cầu được ban hành. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 614/KH-UBND ngày 26.10.2021 về khôi phục hoạt động du lịch Nghệ An trong trạng thái bình thường mới đến năm 2022…

Được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, trong đó điểm cầu chính tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), cùng điểm cầu tại 20 tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, việc tổ chức Hội thảo “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển” đã thể hiện sự đổi mới hoạt động của Quốc hội, chủ động đồng hành với Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là với du lịch - lĩnh vực có tác động lớn tới nhiều ngành khác…

Tôi kỳ vọng, thông qua Hội thảo sẽ thu được nhiều ý kiến chất lượng, cụ thể, làm căn cứ đề xuất với Quốc hội, Chính phủ ban hành các nhóm giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá đưa du lịch phục hồi và phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị. Đối với Nghệ An, Hội thảo cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch, các dự án thu hút đầu tư vào du lịch, dịch vụ đến với các nhà khoa học, chuyên gia, nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước. Đồng thời, tạo cơ hội để các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch của Nghệ An mở rộng gặp gỡ, quảng bá, giao thương trong điều kiện bình thường mới.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình BÙI THỊ NIỀM:
Xây dựng lộ trình phục hồi, phát triển du lịch bền vững

Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam khi chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đây cũng là dịp để trao đổi, thảo luận về định hướng, giải pháp phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới. Thông qua hội thảo, tôi kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ sẽ có những giải pháp hợp lý, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời điểm hiện tại; hoàn chỉnh kế hoạch, lộ trình phục hồi, phát triển du lịch bền vững; từng bước đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đối với ngành du lịch Hòa Bình, chúng tôi xác định, để phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới cần tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL và Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tiếp tục có giải pháp giúp đỡ các tổ chức và cá nhân kinh doanh hoạt động du lịch được nhận hỗ trợ theo chính sách, chế độ quy định của Nhà nước. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ xây dựng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch, kết nối du lịch với các tỉnh, thành là thị trường lớn và tiềm năng; xây dựng các chương trình du lịch theo tuyến đặc trưng, sản phẩm du lịch kết nối giữa các điểm đến xanh của địa phương để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch có thương hiệu “Du lịch an toàn”.

Tỉnh cũng ưu tiên, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch các địa phương trong cả nước đưa khách đến Hòa Bình tham quan, du lịch bảo đảm thuận lợi về giao thông, chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Xây dựng các phương án xử lý các sự cố xảy ra đối với các đoàn khách khi tham quan nhằm bảo đảm thông suốt chương trình cho du khách cũng như bảo vệ các khu, điểm du lịch luôn là điểm đến an toàn. 

D. ANH – M. TUÂN - Đ. CẢNH – T. TÂM thực hiện