Nhiều kinh nghiệm hay, giải pháp cụ thể

- Thứ Bảy, 26/12/2020, 06:57 - Chia sẻ
Trong phần phát biểu đề dẫn hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Túy đã nhấn mạnh đến việc tiếp tục duy trì đổi mới hình thức tổ chức hội nghị khu vực, đó là việc tổ chức buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động của các Ban và Văn phòng HĐND (trước ngày diễn ra hội nghị). Qua đó, đã có nhiều kinh nghiệm hay, giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra, giám sát của các Ban HĐND; tham mưu, giúp việc của Văn phòng HĐND và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Chủ động phát huy triệt để những quy định hiện có

Tại buổi tọa đàm, tham luận của các Ban HĐND tập trung vào 2 hoạt động chính là thẩm tra và giám sát chuyên đề. Để khắc phục một vấn đề nhiều địa phương đã kiến nghị nhiều lần, đó là việc thiếu quy định về chế tài đối với chủ thể chịu giám sát, theo các Ban HĐND tỉnh Bắc Giang, trong khi chờ Trung ương hoàn thiện quy định, cần chủ động phát huy triệt để những quy định hiện có, trong phạm vi thẩm quyền đã được pháp luật giao để tạo ra những tác động nhất định đến chủ thể chịu sự giám sát, liên quan đến việc thực hiện kiến nghị sau giám sát.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh chủ trì tọa đàm

Đơn cử như: Tác động đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm (trước kỳ lấy phiếu, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện kiến nghị gửi cho các đại biểu để xem xét, thêm thông tin đánh giá mức độ tín nhiệm); tác động đến việc xếp loại thi đua, khen thưởng, xếp loại người đứng đầu (trước kỳ xếp loại, tổng hợp, gửi đến cơ quan có thẩm quyền cung cấp thêm thông tin tham khảo trước khi quyết định xếp loại - thông qua xây dựng quy chế phối hợp với cơ quan liên quan); hoặc cao hơn, tham mưu cấp ủy, tạo cơ chế cung cấp, bổ sung thông tin, kết quả giám sát cho cơ quan quản lý cán bộ công chức tham khảo trước khi bổ nhiệm, điều động.

Hay đối với hoạt động thẩm tra, các Ban của HĐND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh lưu ý: Các cơ quan soạn thảo hầu như chưa đánh giá tác động, ảnh hưởng của chính sách đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đến các đối tượng điều chỉnh; hoặc thiếu cơ sở pháp lý, chưa phù hợp với tình hình thực tế địa phương… Do đó khi tham gia ý kiến, cần nghiên cứu sâu các quy định của pháp luật và thực tế địa phương để trả lời được các câu hỏi: Khi HĐND ban hành nghị quyết sẽ có tác động như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mang lại những lợi ích gì? Ngân sách sẽ phải chi bao nhiêu?... Các Ban HĐND tỉnh Điện Biên cũng nhấn mạnh 2 yêu cầu cần được bảo đảm chất lượng hoạt động thẩm tra là: Tài liệu phải chuẩn bị kỹ, các thành viên của Ban phải được nghiên cứu tài liệu trước.

Tạo nguồn lãnh đạo chuyên trách các Ban bảo đảm trình độ, năng lực

Cùng với các ban, tham luận của Văn phòng HĐND các địa phương trong khu vực đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm tiếp tục đổi mới, nâng cao, chất lượng công tác tham mưu, phục vụ góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động của HĐND.

Từ thực tế những bất cập trong hoạt động, nhất là về yếu tố nhân sự, các văn phòng tiếp tục kiến nghị việc quan tâm quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm công chức có trình độ chuyên môn sâu, có tư duy đổi mới và sáng tạo. Tiếp nhận, bố trí công chức về công tác tại văn phòng là những người có kinh nghiệm, bản lĩnh, bao quát được mọi công việc, có trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn, có tinh thần trách nhiệm, năng lực phân tích, tổng hợp ở lĩnh vực được phân công nhằm đáp ứng nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cần có sự quan tâm thường xuyên của Đảng Đoàn, Thường trực HĐND tỉnh trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm đội ngũ công chức văn phòng, gắn với công tác quy hoạch cán bộ chung của tỉnh để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo chuyên trách các Ban của HĐND tỉnh bảo đảm trình độ, năng lực.

Một vấn đề cũng cần được quan tâm nữa là việc triển khai thực hiện quy định tại Khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 1004/ 2020/UBTVQH14 ngày 18.9.2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Để Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công, đề nghị Đề án xây dựng bộ máy bảo đảm đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn, năng lực hoạt động thực tiễn phục vụ tốt nhất hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức cho cán bộ, công chức văn phòng, nhất là bồi dưỡng kỹ năng thu thập, xử lý, kiểm tra thông tin; tham mưu xây dựng các văn bản...

BẢO TRÂM