Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương Trần Văn Chính, nguyên nhân chủ yếu khiến Bình Dương trở thành 1 trong 18 địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm của cả nước là do tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát triển nhanh chóng về kinh tế, văn hóa, xã hội, số lượng dân nhập cư đông, giáp ranh với các địa phương có dân cư đông, phát triển mạnh như TPHCM, tỉnh Đồng Nai, nên các đối tượng hình sự, băng nhóm tội phạm thường lợi dụng địa bàn tỉnh đề ẩn náu, lẩn trốn và hoạt động phạm tội...
Qua thống kê, từ năm 2014 - 2020, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra hơn 6.300 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 1.276 vụ giết người, cố ý gây thương tích khiến 323 người chết, 1.298 người bị thương; tập trung chủ yếu ở các địa bàn các thành phố Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên.
Nguyên nhân xảy ra các vụ giết người, cố ý gây thương tích chủ yếu do nguyên nhân xã hội mang tính bộc phát cá nhân, mâu thuẫn về lời nói, văn hóa, do ghen tuông, tình ái, tranh chấp tài sản, va chạm khi tham gia giao thông...
Về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, toàn tỉnh đã tiếp nhận, điều tra xử lý 282 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan xâm hại tình dục trẻ em. Nguyên nhân do ảnh hướng của văn hóa phẩm độc hại, lối sống buông thả suy đồi đạo đức, ham muốn dục vọng cá nhân, thiếu quan tâm, chăm sóc và quản lý của cha mẹ, chưa nâng cao kiến thức về giới tính, tâm sinh lý, văn hóa.
Hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em không có nhân chứng. Việc bảo vệ hiện trường, thu thập dấu vết, vật chứng gặp nhiều khó khăn. Có trường hợp vụ việc xảy ra thời gian dài, bị hại và gia đình mới tố giác tội phạm. Khi vụ việc được trình báo, việc lấy lời khai bị hại rất khó khăn, dễ dẫn đến bị tổn thương về tinh thần.
Phần lớn bị hại còn nhỏ tuổi; ngoài ra, do nhận thức chưa đầy đủ nên không thể nhớ chính xác những vấn đề liên quan như thời gian, địa điểm, diễn biến vụ việc, dẫn đến bị hại không cung cấp được thông tin chính xác, gây khó khăn trong quá trình điều tra của cơ quan chức năng, khó có căn cứ khởi tố bị can.
Thực tế cho thấy, sau lần đầu bị xâm hại, các em thường không trình báo sự việc mà chấp nhận tiếp tục là nạn nhân của những hành vị đó. Mặt khác, đối tượng thường uy hiếp, đe dọa tinh thần, khiến các em chỉ biết chọn cách im lặng và chịu đựng…
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống các loại tội phạm trên trong thời gian tới.
Theo đó, các cơ quan chức năng cần tiến hành khám phá, điều tra, xử lý kịp thời các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, xâm hại tình dục trẻ em nhất là các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm đối tượng phạm tội nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm tỉnh (Ban Chỉ đạo 138) cần nâng cao hiệu quả công tác dự báo tình hình tội phạm, chủ động tham mưu xây dựng, triển khai kế hoạch, biện pháp quyết liệt đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm. Các tổ chức chính trị, đoàn thể, địa phương cần cụ thể hóa trong công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ để nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia phòng, chống tội phạm trong các tầng lớp nhân dân, giữ vững an ninh trật tự ngay từ cơ sở...