Nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở miền núi

Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) huyện Na Hang bác sĩ Trần Tuấn Bình cho biết, để triển khai tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh  vẫn còn nhiều khó khăn mà huyện phải đối mặt, trong đó nhân lực và kinh phí là 2 vấn đề trọng tâm nhất.

Thành quả từ nỗ lực tuyên truyền, vận động của đội ngũ y tế

Hưởng ứng tuần lễ “Làm mẹ an toàn năm 2023", hai xã Sơn Phú và Đà Vị huyện Na Hang tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức buổi truyền thông về dinh dưỡng, khám sức khỏe sinh sản và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ từ 15 đến 60 tuổi.

Gác lại công việc nương rẫy, chị Hà Thị Nở (dân tộc Tày) tay bế tay bồng hai con cùng xuống trạm y tế xã Sơn Phú để tham gia buổi thăm khám, tư vấn dinh dưỡng định kỳ của các y sĩ. 

Lần đầu mang thai và chăm con sơ sinh, mọi hiểu biết của chị về giữ an toàn thai sản chỉ bằng truyền miệng, theo kinh nghiệm học từ người lớn trong bản. Vì vậy chị đã không có chế độ dinh dưỡng đủ tốt cho mẹ và con. Chị cho bé cai sữa sớm, chưa biết kết hợp những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng trong các bữa ăn, vậy nên cháu bị suy dinh dưỡng khá nặng. 

"Rút kinh nghiệm từ lần mang bầu trước, lần thứ 2 em đã chú ý lời các bác sĩ tư vấn, lúc mang thai cần phải ăn uống đủ chất, vệ sinh, để con hấp thu tốt. Con em đẻ được 2,6 kg, cho con bú sữa mẹ tới tháng thứ 17, và định kỳ mùng 10 hàng tháng đưa con đi tiêm chủng " - Chị Hà Thị Nở chia sẻ.

Y sĩ Quan Trung Sỹ (dân tộc Tày), trạm trưởng trạm y tế xã Sơn Phú cho biết, Sơn Phú hiện có hơn 3.225 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Tày, Kinh, Dao, H’Mông. 8 thôn của xã Sơn Phú đều có cán bộ y tế thôn. Trạm trưởng thường xuyên cùng đội ngũ này tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn cho các bà mẹ về tầm quan trọng của sữa mẹ, nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách.

Bên cạnh đó, các bác sĩ của trạm cũng chia sẻ cách chế biến những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng thông qua các mô hình phục hồi dinh dưỡng được triển khai tại các thôn, bản và các buổi tiêm chủng tại trạm.

Mỗi tháng, nhân viên y tế thôn, bản sẽ đến các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động bà mẹ thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản; động viên phụ nữ mang thai và gia đình tới khám thai định kỳ; tư vấn về ăn uống đủ chất cho trẻ em và phụ nữ có thai bằng các sản phẩm sẵn có tại gia đình…

Kết quả từ những nỗ lực đó là 9 tháng đầu 2023, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng của trẻ em của xã Sơn Phú đã giảm còn 15,2%; tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao là 23,92%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai trong ba thời kỳ của thai đạt 95%; tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván đạt 91%...

Phó trưởng Khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang, bác sĩ Đỗ Thị Lệ Quyên cho biết, để bà con thay đổi cách nuôi con, chăm sóc mẹ bầu đã thành "lối mòn", Trung tâm đã triển khai kế hoạch xuống tận huyện, sau đó cho các xã. Chủ chốt là công tác tuyên truyền cho các bà mẹ ở vùng sâu, vùng xa có thể đến trạm y tế để thăm khám, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường thì có thể chuyển tuyến lên tuyến huyện.  Khi tuyến huyện không đảm bảo được thì chuyển lên tuyến tỉnh Trung ương. 

Theo Bác sĩ Quyên, Trung tâm và các trạm y tế đã thực hiện tuyên truyền tại tổ xóm, tại trạm y tế, trên loa đài truyền thông, tờ rơi áp phích để bà con hiểu rõ ràng hơn. 

"Lực lượng cán bộ y tế thôn bản là đầu mối tuyên truyền hiệu quả nhất vì họ trực tiếp tiếp xúc với người dân và hiểu tập quán của họ." Bác sĩ Quyên nhận định. 

Khó khăn về kinh phí và nhân lực

Theo Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) huyện Na Hang bác sĩ Trần Tuấn Bình, để thực hiện mục tiêu cải thiện sức khỏe của người dân trên địa bàn, huyện Na Hang đã triển khai mô hình tư vấn tiền hôn nhân, mô hình “chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời”, trong đó chú trọng đẩy mạnh hoạt động truyền thông tới xã, thôn, bản, cung cấp viên sắt, viên đa vi chất cho phụ nữ có thai.

Tuy nhiên để triển khai tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh  vẫn còn nhiều khó khăn mà huyện và cả tỉnh Tuyên Quang phải đối mặt. Trong đó nhân lực và kinh phí là 2 vấn đề trọng tâm nhất.

Bác sĩ Trần Tuấn Bình nêu thực tế, huyện có 12 xã, 1 thị trấn nhưng có 3 xã chưa có bác sĩ. Có 6 xã bác sĩ làm việc và ở tại chỗ, những xã còn lại bác sĩ làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần tại trạm. Bên cạnh đó để một bác sĩ chấp nhận rời thành phố về cấp xã là rất khó, kể cả là bác sĩ mới tra trường. Vậy nên năm vừa qua dù Trung Tâm có tổ chức tuyển nhưng không tuyển được bác sĩ nào.

Bác sĩ Đỗ Thị Lệ Quyên chia sẻ thêm: "Khó khăn nhất bây giờ là kinh phí vì chăm sóc từ 7 đến 42 ngày đầu sau sinh chỉ có ở dự án 7. Các cán bộ sản và y tế thôn bản hoặc đỡ đẻ tại nhà sản phụ rồi đến chăm sóc tại chỗ 7 đến 42 ngày đầu.

Tuy nhiên việc thực hiện theo dự án này chỉ có ở vùng đặc biệt khó khăn, không những vậy kinh phí không nhiều nên thực hiện không được tốt. Nếu có kinh phí cán bộ y tế chúng tôi sẽ triển khai chăm sóc sức khỏe bà mẹ được tốt hơn..."

Từ ngày 1.10 -7.10 tại 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ Y tế triển khai Tuần lễ làm mẹ an toàn, có chủ đề “Làm mẹ an toàn-Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé”. 

Thời gian diễn ra tuần lễ, mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn; cung cấp thông tin về làm mẹ an toàn cho 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương; ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã; ít nhất 30% số gia đình, nhất là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã…

Sức khỏe

Thực hiện thành công ca phẫu thuật tái tạo lồng ngực bằng Titan ứng dụng công nghệ in 3D đầu tiên ở Đông Nam Á
Sức khỏe

Thực hiện thành công ca phẫu thuật tái tạo lồng ngực bằng Titan ứng dụng công nghệ in 3D đầu tiên ở Đông Nam Á

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City và các kỹ sư từ Trung tâm công nghệ 3D trong y học, Đại học VinUni đã thực hiện thành công ca phẫu thuật triệt căn khối u trung thất với kích thước 11,5 cm và tái tạo lồng ngực cho bệnh nhân bằng vật liệu Titan.

VNVC chủ lực tiêm nhiều vắc xin sởi nhất trong ngày đầu tham gia chiến dịch của TP. Hồ Chí Minh
Sức khỏe

VNVC chủ lực tiêm nhiều vắc xin sởi nhất trong ngày đầu tham gia chiến dịch của TP. Hồ Chí Minh

Với lợi thế dây chuyền khám và tiêm hiện đại, chuyên nghiệp, đồng bộ trên cả nước và tại 39 trung tâm tại TP. Hồ Chí Minh, cùng gần 2.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, hệ thống tiêm chủng VNVC đã triển tiêm hơn 1.200 mũi vắc xin các loại trong ngày đầu chiến dịch tăng cường, trong đó có gần 200 mũi vắc xin sởi miễn phí.

FPT Long Châu “thần tốc” điều động 10 tấn thuốc, phối hợp các đơn vị hỗ trợ người dân vùng bão lũ
Sức khỏe

FPT Long Châu “thần tốc” điều động 10 tấn thuốc, phối hợp các đơn vị hỗ trợ người dân vùng bão lũ

Ngay sau cơn bão số 3 - Yagi vừa qua, FPT Long Châu đã nhanh chóng phối hợp với Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam, các cơ quan quản lý y tế địa phương và các cơ quan báo chí để thực hiện hỗ trợ ứng cứu sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân vùng lũ.