Nhiều kết quả tích cực trong quản lý tài nguyên nước
Trong Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến giám sát chuyên đề, chất vấn với lĩnh vực tài nguyên và môi trường gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu này, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu rõ những kết quả đạt được trong quản lý tài nguyên nước, như lập quy hoạch, quản lý ô nhiễm, khắc phục tình trạng sạt lở…
Lần đầu tiên có quy hoạch tài nguyên nước
Đối với nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với sự tích cực triển khai của các cơ quan, ban ngành, đến tháng 12.2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được lập trong lĩnh vực tài nguyên nước. Đồng thời cũng là văn bản có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng điều hòa, phân bổ tài nguyên nước đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) và là một trong những cơ sở quan trọng cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng nước, bảo đảm an ninh nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ và địa phương tập trung rà soát quy hoạch, nhất là quy hoạch liên quan đến tài nguyên nước, thủy lợi, cấp nước, giao thông thủy, hoàn thiện quy hoạch vùng… Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình vận hành hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn; ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT quy định việc giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Trong quy định tại Thông tư 17 đã buộc các chủ hồ phải lắp đặt thiết bị, camera giám sát, truyền thông tin, dữ liệu hồ chứa để cung cấp kịp thời thông tin, số liệu vận hành phục vụ công tác quản lý, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Đã xây dựng hệ thống theo dõi, quản lý diễn biến nguồn nước
Thông tư 17/2021/TT-BTNMT về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng thay thế cho Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ban hành trước đó. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng hệ thống theo dõi và quản lý diễn biến nguồn nước mặt, nước dưới đất và hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước phục vụ giám sát việc tuân thủ giấy phép tài nguyên nước và công tác chỉ đạo điều hành”. Nhờ vậy, đến nay, hệ thống đã cập nhật được hơn 2.000 giấy phép về tài nguyên nước các loại; đăng ký cho khoảng 700 công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước; đã có 50 Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh kết nối thông tin của giấy phép tài nguyên nước địa phương vào cơ sở dữ liệu về thông tin giấy phép tài nguyên nước dùng chung của Trung ương.
Song song với công tác cấp phép tài nguyên nước, Bộ cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước vi phạm quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước khác, như: rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước, trong đó đã trình được 7 quy hoạch liên quan; chủ động cấp nước cho vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu…
Kiểm soát chặt chẽ nước thải từ các khu công nghiệp
Về công tác kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thời gian qua, Bộ đã tập trung nguồn lực kiểm soát chặt chẽ nước thải đặc biệt là nước thải từ các khu công nghiệp. Hiện nay, trên phạm vi cả nước, có 234/263 khu công nghiệp đã được xác nhận hoàn thành hoặc đang vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường, chiếm khoảng 89%, và 239/263 khu công nghiệp có hệ thống quan trắc nước thải tự động, chiếm khoảng 91%. Bộ cũng đang triển khai thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường nước của 13 lưu vực sông để làm cơ sở phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường và thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ chất lượng các nguồn nước.
Việc quản lý sạt lở lòng, bờ, bãi sông đang là vấn đề được cử tri, người dân quan tâm và được Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tăng cường thực hiện. Bởi, tình hình sạt lở lòng, bờ, bãi sông không những xảy ra vào mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, từ các tuyến sông chính đến các hệ thống kênh rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng ven sông.
Trước thực tế này, để quản lý vấn đề sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Thời gian qua, Bộ đã có các văn bản gửi UBND cấp tỉnh đề nghị triển khai, đôn đốc thực hiện đầy đủ các quy định của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, đồng thời đôn đốc các tỉnh khẩn trương rà soát, ban hành danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước.
Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai, đưa các chính sách vào cuộc sống còn chậm và thiếu đồng bộ giữa Trung ương với địa phương cũng như giữa các địa phương. Một số chính sách đã được ban hành nhiều năm, nhưng chưa được triển khai thực hiện có hiệu quả. Các vấn đề mang tính liên ngành, liên tỉnh, địa phương, như: quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý tài nguyên nước với các cơ quan, bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh.
Cùng với nguyên nhân do công tác thực thi, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn có nguyên nhân do những tồn tại về mặt chính sách, trong đó sau hơn 10 năm thi hành Luật Tài nguyên nước 2012 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Do vậy, Bộ đã chủ trì tham mưu với Chính phủ xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); phối hợp thực hiện tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu này. Bộ cũng tiếp tục triển thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế đã thấy rõ.