Nhiều điểm nghẽn trong thu hút vốn tư nhân cho khoa học và công nghệ

- Chủ Nhật, 18/10/2020, 05:47 - Chia sẻ
Khi điều tra doanh nghiệp ở thành phố Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy, số vốn trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ ở doanh nghiệp tại địa bàn này trong năm 2019, 2020 bằng tổng vốn đầu tư của ngân sách thành phố cho công tác khoa học, công nghệ trong 5 năm. Từ ví dụ thực tế này, nhiều thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, nếu khơi thông được những điểm nghẽn trong thu hút vốn đầu tư của tư nhân cho khoa học và công nghệ sẽ tạo thay đổi lớn.

Một số địa phương giao vốn cao hơn dự toán

Năm 2020, ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khoa học và công nghệ (chưa tính kinh phí dành cho an ninh - quốc phòng, chi dự phòng và chi đầu tư phát triển dành cho khoa học và công nghệ) khoảng 12.800 tỷ đồng, chiếm 0,73% tổng chi ngân sách. Điểm khác biệt trong phân bổ vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2020 là lượng vốn giao cho địa phương tăng 35% so với năm 2019 (giao 3.180 tỷ đồng), trong khi giao vốn cho các cơ quan Trung ương giảm. Tính đến tháng 9.2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ giao dự toán và hướng dẫn cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện 90% dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ (KH - CN) trong năm 2020. Số kinh phí này được phân bổ hiệu quả đến các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy quá trình đổi mới, nâng cao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Bùi Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: Thanh Hải 

Thị trường KH - CN phát triển còn chậm, đổi mới KH - CN chưa trở thành nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp do quy mô nhỏ và hạn chế về năng lực tài chính. Nhu cầu vốn đầu tư cho KH - CN lớn, song đầu tư công cho lĩnh vực này mới chỉ đáp ứng 35% nhu cầu. Do vậy, để phát huy hiệu quả việc đổi mới, sáng tạo KH - CN, thúc đẩy sự phát triển và hội nhập tại các vùng, miền, địa phương, các bộ, ngành, địa phương cần có cơ chế ưu tiên nguồn lực để thực hiện; không bố trí nhiều nhiệm vụ gây dàn trải, lãnh phí, kém hiệu quả; thực hiện phương châm đầu tư nhiệm vụ nào, hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ ấy.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh

Không chỉ giao vốn ngân sách nhà nước cho địa phương thực hiện sự nghiệp KH - CN cao hơn, đại diện Bộ Tài chính xác nhận, nhiều địa phương đã giao vốn cao hơn so với dự toán. Trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giao dự toán cao hơn khoảng 30%, thậm chí tỉnh Quảng Ninh giao gấp đôi dự toán. Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, việc giao kinh phí sự nghiệp KH - CN trong năm 2020 đã bảo đảm mức chi 2% tổng chi ngân sách, cũng như gắn với trách nhiệm từng bộ trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc phân bổ dự toán mới chỉ đạt 90% liên tục, còn lại 10% phân bổ rải rác nên chưa bảo đảm tính kịp thời. Bên cạnh đó, dù vốn cấp từ ngân sách trong Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH - CN quốc gia xác định là vốn "mồi", song việc huy động vốn của xã hội còn gặp nhiều khó khăn nên vẫn lấy ngân sách bảo đảm chi thường xuyên, không bảo đảm quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Số vốn giao sự nghiệp KH - CN chưa thống nhất giữa báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Tài chính khiến nhiều thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường còn băn khoăn, chưa yên tâm. Song, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nhận thấy, "bức tranh" KH - CN năm 2020 khởi sắc so với năm trước, đặc biệt là mảng nghiên cứu khoa học của doanh nghiệp, phong trào đổi mới sáng tạo. Tỷ lệ đóng góp kinh phí cho hoạt động khoa học, công nghệ trong những năm trước luôn ở tỷ lệ 7 - 3, tức 70% kinh phí nghiên cứu khoa học từ ngân sách nhà nước, rất vất vả mới huy động được kinh phí từ khu vực ngoài Nhà nước. Nhưng hai năm gần đây, tỷ lệ đóng góp đã xấp xỉ 50 - 50. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp cho hoạt động KH - CN đã tăng 80% so với thời gian trước. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đầu tư cho KH - CN, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới. “Nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, trí thức trong thời gian qua đã góp phần tạo bước chuyển cho KH - CN nước nhà, rất cần được khuyến khích bằng cơ chế, pháp luật”, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh.

Chưa biết số vốn đầu tư của tư nhân cho KH - CN

Tuy nhiên, số kinh phí đầu tư sự nghiệp KH - CN từ khu vực tư nhân tăng lên trong hai năm gần đây chỉ là ước đoán ban đầu. Một thực tế khiến nhiều thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chưa yên tâm là Chính phủ mới báo cáo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội số ngân sách nhà nước phân bổ cho sự nghiệp KH - CN. Một số lượng vốn đầu tư cho KH - CN được cho rằng sẽ rất lớn từ khu vực ngoài Nhà nước chưa được thống kê nên không rõ tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho công tác này là bao nhiêu.

Không chỉ số vốn đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước cho phát triển KH - CN chưa thống kê được, nhiều thành viên Ủy ban, đại diện một số đơn vị, cơ quan đã chỉ ra không ít điểm nghẽn thu hút vốn từ doanh nghiệp cho công tác này. Một trong những điểm nghẽn đó, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) là, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế lập Quỹ phát triển KH - CN tại mỗi đơn vị. Nhưng, cá nhân nào duyệt chi và công nhận việc cấp kinh phí cho phát triển KH - CN chưa được xác định rõ trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật và là một nguyên nhân khiến chưa nhiều doanh nghiệp lập quỹ này.

Để thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, các Quỹ phát triển KH - CN, Quỹ đổi mới công nghệ cấp quốc gia, địa phương và doanh nghiệp đã được thành lập. Nhưng đại biểu thành phố Hà Nội cho rằng, số trích lập Quỹ phát triển KH - CN ở doanh nghiệp thấp, việc sử dụng cũng rất hạn chế. Lý do là bởi, thủ tục chi phức tạp, buộc doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch sử dụng từ đầu năm, sau đó trình các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính rồi đến Cục Thuế phê duyệt. “Những thủ tục này rất khó thực hiện được nên doanh nghiệp thà tự đi mua, tự làm còn hơn là trình xin duyệt thủ tục”. Từ thực tế nêu trên, đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng, các cơ quan chức năng phải thực sự thay đổi tư duy và cơ chế, chính sách mới tạo sự thay đổi nhanh chóng cho khoa học, công nghệ.

Hiện nay, trừ các tập đoàn, tổng công ty lớn mới thành lập viện nghiên cứu riêng, với doanh nghiệp có doanh thu ở mức trung bình, để bảo đảm hiệu quả hoạt động thường chọn liên kết với nhà trường, viện nghiên cứu để ứng dụng công nghệ mới. Nhưng các viện nghiên cứu, trường đại học cũng gặp không ít vướng mắc trong thực hiện công tác này. Lý do, như chia sẻ của đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội, một dự án nghiên cứu khoa học thường gồm bốn giai đoạn (nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu triển khai, nghiên cứu thử nghiệm và vận hành kết quả nghiên cứu), nhưng dù Thông tư số 27/2015 hướng dẫn khoán chi cho sự nghiệp KH - CN đã phân biệt theo các giai đoạn, thì khi áp dụng bộ phận kế toán không cho phép thực hiện. Quy định tại Thông tư 27 đã rõ vấn đề, chỉ là thực thi như thế nào. Vấn đề này cần được ngành tài chính hướng dẫn thực hiện trong ngành dọc của mình, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị.

Một vướng mắc khác trong triển khai các dự án nghiên cứu KH - CN là việc xử lý tài sản hình thành từ những dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội, do chưa xử lý được tài sản hình thành từ dự án nghiên cứu sử dụng vốn từ ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nên khó thu hút doanh nghiệp tham gia. Quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đề cập đến việc giao tài sản cho đơn vị đặt hàng, trong khi các nhiệm vụ nghiên cứu đều từ đặt hàng của chính quyền địa phương hay doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ chế chuyển thành tích nghiên cứu, phân chia lợi nhuận giữa nhà nước và doanh nghiệp chưa được quy định rõ ràng tại các nghị định liên quan cũng làm tăng thêm rào chắn đưa các kết quả nghiên cứu KH - CN của viện nghiên cứu, trường đại học vào sản xuất, kinh doanh.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, khi điều tra doanh nghiệp ở thành phố Hà Nội đã nhận thấy, số vốn trích lập quỹ phát triển KH - CN ở doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong năm 2019 và 2020 bằng tổng vốn đầu tư của ngân sách địa phương cho công tác này trong 5 năm. Ví dụ này đã minh chứng nguồn lực của khu vực ngoài Nhà nước, cũng như vai trò quan trọng của nguồn vốn này với sự phát triển KH - CN ở nước ta. Nhưng để khơi thông được nguồn vốn này, các cơ quan chức năng phải tích cực tháo gỡ các điểm nghẽn từ chính sách, pháp luật và cả việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật hiện hành.

Lê Bình