Đây là sự kiện thường niên của ngành lao động được tổ chức 3 năm một lần, hội giảng năm nay mang tới thông điệp “Nhà giáo GDNN: Gương mẫu, sáng tạo, số hóa, hội nhập - Động lực phát triển GDNN mở, linh hoạt, hiện đại, bao trùm”. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức 4 ngày (từ ngày 10.11.2024).
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương chia sẻ nhiều điểm mới trong Hội giảng năm nay. Theo đó, Hội giảng có số lượng nhà giáo tham gia trình giảng và số lượng đoàn tham dự lớn nhất từ trước đến nay với 462 nhà giáo đến từ 68 đoàn thuộc 61 địa phương và 7 Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội.
Hội giảng năm nay có số lượng bài trình giảng thực hành và tích hợp nhiều nhất từ trước đến nay (416/462 bài, chiếm hơn 90% tổng số bài tham gia Hội giảng). Điều này cho thấy, nhà giáo GDNN không chỉ tài năng về sư phạm mà còn xuất sắc về kỹ năng nghề, phù hợp với đặc thù của GDNN là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Hội giảng cũng có số lượng ngành, nghề trình giảng đa dạng rất: 462 bài trình giảng thuộc 116 ngành, nghề khác nhau, trong đó có nhiều ngành, nghề có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Đồng thời, có nhiều bài trình giảng ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, thiết kế, sử dụng học liệu số nhằm tăng cường tương tác với người học - là minh chứng sống động nhất cho quá trình chuyển đổi số trong GDNN, thể hiện sự nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy của nhà giáo, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong GDNN.
Ngoài ra, cũng có nhiều bài trình giảng liên quan đến ngành, nghề mới, kỹ năng mới; nội dung bài trình giảng chú trọng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
Đây cũng là lần đầu tiên Ban tổ chức ứng dụng công nghệ lựa chọn số ngẫu nhiên để tổ chức bốc thăm chọn bài trình giảng chính thức đồng thời với việc chọn thứ tự bài trình giảng để đảm bảo thuận lợi nhất cho công tác chuẩn bị tham gia Hội giảng của các đoàn. Việc bốc thăm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với sự chứng kiến của đại diện một số bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của đại diện lãnh đạo 68 đoàn tham gia Hội giảng theo hình thức trực tuyến.
Công tác đánh giá bài trình giảng được đặc biệt chú trọng để đảm bảo “Khách quan - Công bằng - Chính xác” từ việc xây dựng phiếu đánh giá bài trình giảng, công tác lựa chọn giám khảo và đặc biệt Ban tổ chức Hội giảng sẽ tổ chức bốc thăm giám khảo sư phạm và giám khảo chuyên môn đối với đối với các ngành, nghề có nhiều nhà giáo tham gia trình giảng được phân thành nhiều tiểu ban trước mỗi buổi trình giảng. Điểm đánh giá bài trình giảng được công bố ngay sau khi kết thúc phần bình giảng bài trình giảng của giám khảo.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương, Hội giảng chính là cơ hội tốt để đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy tốt, đổi mới phương pháp giảng dạy, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các cơ sở GDNN; tạo cơ hội cho nhà giáo học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy.
Đồng thời, thu hút sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội; tạo động lực phát triển GDNN của mỗi bộ, ngành, địa phương; góp phần củng cố niềm tin của xã hội, đặc biệt là của người học về chất lượng của hệ thống GDNN.
Về cơ cấu giải thưởng sẽ có 150 giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích. Đây cũng là năm đầu tiên Hội giảng trao giải thưởng ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, có bằng khen của Bộ trưởng cho những bài giảng ứng dụng công nghệ hiệu quả, hợp lý. Thêm vào đó, Hội giảng cũng trao giải thưởng dành cho các nhà giáo sử dụng thiết bị tự làm hiệu quả nhằm khuyến khích tính đổi mới, sáng tạo của nhà giáo. Hội giảng cũng sẽ cơ cấu tới 25 giải dành cho nhà giáo trẻ tiêu biểu.