Nhiều địa phương tỉnh Quảng Trị vẫn ngập sâu trong nước

- Thứ Tư, 14/10/2020, 23:12 - Chia sẻ
Lũ rút chậm khiến tình trạng ngập lụt vẫn diễn ra trên diện rộng ở nhiều địa phương tỉnh Quảng Trị, nhất là vùng “rốn lũ” Triệu Phong, Thị xã Quảng Trị và Hải Lăng…

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, từ ngày 6-14.10, trên địa bàn tỉnh có mưa với cường suất lớn trên diện rộng, tập trung trong thời gian ngắn theo từng đợt, lũ trên các sông lên rất nhanh gây ngập lụt sâu, trên diện rộng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt đã xuất hiện đỉnh lũ vượt lũ lịch sử trên lưu vực sông Hiếu năm 1983, đỉnh lũ trên sông Ô Lâu đã vượt đỉnh lũ năm 2009; vùng biển tỉnh Quảng Trị đã có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8 và sóng lớn từ 2 đến 4m. Từ 6.10 đến sáng 13.10, lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phổ biến từ 800 - 1.200mm.

Lực lượng chức năng huyện Hải Lăng tổ chức tiếp nhận và chuyển hàng cứu trợ đến người dân vùng lũ
Lực lượng chức năng huyện Hải Lăng tổ chức tiếp nhận và chuyển hàng cứu trợ đến người dân vùng lũ

Theo ghi nhận, nước ở các xã trên toàn huyện Hải Lăng lên nhanh từ đêm 12.10 đến nay. Trước đó, nhiều bà con đã trở lại nhà, đến sáng hôm sau đã phải cấp tập chạy lũ đợt hai như tại các xã Hải Lâm, Hải Thượng... Đại diện lãnh đạo UBND huyện Hải Lăng cho biết nước lên quá nhanh và rút chậm, một số chỗ canô không đến được phải đưa xuồng máy tiếp cận. UBND huyện này cũng vừa phát đi công điện khẩn triển khai phương án khẩn cấp ứng cứu nhân dân trước tình hình mưa lũ phức tạp.

Chính quyền địa phương cùng các tổ chức, cá nhân tập trung cứu trợ người dân ở những địa bàn bị cô lập, trong đó ưu tiên cho công tác di dời, cấp phát mì ăn liền và nước uống đóng chai.

Được biết, toàn tỉnh có gần 41.000 hộ với trên 125.000 người ở hầu khắp các huyện, thị và thành phố bị ảnh hưởng do ngập lụt. Lũ lớn khiến tỉnh phải di dời trên 8.200 hộ với hơn 25.000 người ở vùng ngập sâu, có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Về nông nghiệp, có gần 800 ha ao hồ nuôi thủy sản, trên 1.200 ha rau màu bị ngập lụt hầu như mất trắng. Hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi.

Hiện nay, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ trong những ngày qua, trong đó tập trung cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị thiếu đói, hộ còn bị ngập, cô lập, chia cắt, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách, không để người dân bị đói, khát; đồng thời tiếp tục triển khai cụ thể hóa các phương án ứng phó với diễn biễn mưa lũ, ngập lụt hiện đang xảy ra trên địa bàn tỉnh và sẵn sàng các nguồn lực để chủ động ứng phó với các đợt bão, mưa lũ tiếp theo.

Công tác khắc phục sạt lở trên nhiều tuyến đường ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa cũng được thực hiện với tinh thần khẩn trương nhất. Mưa lớn những ngày qua khiến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua huyện miền núi Đakrông bị sạt lở tại Km252, Km255, Km267, Km273.

Đặc biệt, tuyến đường Quốc lộ 9 bị sạt lở, sụt lún nhiều vị trí, trong đó nghiêm trọng nhất là tại Km50+150 bị sạt lở với khối lượng đất đá lớn, gây tắc giao thông từ thành phố Đông Hà đi các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Lực lượng chức năng đã huy động nhiều phương tiện để khắc phục sạt lở trong thời gian sớm nhất, đồng thời ứng trực 24/24 giờ, cảnh báo người và phương tiện không qua lại để đảm bảo an toàn.

Trong một diễn biến khác, hôm nay 14.10, căn cứ vào tình hình diễn biến mưa lũ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh về việc tổ chức dạy học.

Theo đó, những cơ sở giáo dục không bị ảnh hưởng của lũ lụt hoặc đã khắc phục xong hậu quả của lũ lụt thì tiến hành tổ chức dạy học trở lại, bắt đầu từ ngày 15.10.

Đối với những cơ sở giáo dục chưa khắc phục xong hậu quả lũ lụt, tiếp tục cho học sinh nghỉ học để triển khai các phương án khắc phục và giao trách nhiệm cho thủ trưởng cơ sở giáo dục chủ động quyết định việc cho học sinh đi học trở lại khi đảm bảo các điều kiện an toàn cho học sinh và giáo viên.

Lê Tùng