Nhiều đại học lớn dồn dập mở rộng cơ sở về các tỉnh giáp Hà Nội

Hàng loạt đại học lớn như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Y Hà Nội,... đang mở rộng cơ sở/phân hiệu về các tỉnh giáp Hà Nội như Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Tỉnh Nam

Đại học Kinh tế Quốc dân đang khẩn trương thúc đẩy các thủ tục và quy trình cần thiết để triển khai nghiên cứu cơ hội đầu tư xây dựng Phân hiệu 2 tại Khu Đại học Nam Cao, tỉnh Hà Nam. Tại buổi làm việc với đoàn công tác Đại học Kinh tế Quốc dân ngày 25.3, tỉnh Hà Nam đã thống nhất chủ trương sẽ dành cho Đại học này 40 ha đất sạch trong Khu đại học Nam Cao và trích từ nguồn ngân sách của địa phương 800 tỷ đồng để hỗ trợ Đại học Kinh tế Quốc dân xây dựng Phân hiệu 2 tại tỉnh.

Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu được lựa chọn, Phân hiệu 2 của Đại học sẽ là cơ hội để thầy và trò có môi trường tốt học tập và nghiên cứu; là cơ hội để sinh viên được trải nghiệm từ nghiên cứu trong nhà trường đến thực tế ở các nhà máy đang sản xuất tại tỉnh.

3-9.jpg
Đoàn công tác của Đại học Kinh tế Quốc dân làm việc tại tỉnh Hà Nam về việc xây dựng Phân hiệu 2 tại Khu Đại học Nam Cao

Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy ngày 19.3, lãnh đạo Trường Đại học Giao thông Vận tải cũng đề xuất triển khai dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Giao thông Vận tải cơ sở Hà Nam với diện tích khoảng 30 ha tại Khu Đại học Nam Cao. Tỉnh Hà Nam cho biết cam kết đồng hành, thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư để Dự án nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục theo quy định, triển khai xây dựng theo kế hoạch.

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, thực hành cho nguồn nhân lực y tế, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai mới đây cũng đề xuất xây dựng Trường Đại học Y Dược Bạch Mai tại Hà Nam, tiến tới mô hình trường đại học sức khoẻ đa lĩnh vực đào tạo chuyên sâu với quy mô khoảng 28 ha tại Khu Đại học Nam Cao, thu hút từ 5.000 - 7.000 sinh viên học tập.

Dự án đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo thực nghiệm của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tại Khu Đại học Nam Cao đang được triển khai. Hiện nay, nhà trường đã hoàn thành giải phóng mặt bằng diện tích trên 24 ha. Các hạng mục công trình đã hoàn thành thi công, nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng là: san nền giai đoạn I, thoát nước tạm, đường tạm và hàng rào tạm, ký túc xá, giảng đường, nhà điều hành trạm xử lý nước thải khu vực ký túc xá; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với công trình ký túc xá và giảng đường.

Lãnh đạo Trường Đại học Xây dựng Hà Nội bày tỏ mong muốn, tỉnh Hà Nam tiếp tục tạo điều kiện để trường phát triển phân hiệu mới tại tỉnh, làm tiền đề thu hút sinh viên học tập. Cơ sở đào tạo của nhà trường tại Hà Nam dự kiến tập trung đào tạo các ngành công nghệ, kỹ thuật với dự kiến khoảng 5.000 sinh viên.

Tỉnh Bắc Ninh

Đầu tháng 3.2025, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã làm việc với Trường Đại học Y Hà Nội về việc triển khai Dự án xây dựng cơ sở Trường Đại học Y Hà Nội tại tỉnh này. Dự án có diện tích khoảng 30 ha, thuộc khu đào tạo nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Bắc Ninh (Phân khu số 12, khu đô thị Lim mở rộng, huyện Tiên Du).

3zv5a2421.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức (ngoài cùng bên phải) cùng lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội làm việc với tỉnh Bắc Ninh

Dự án có mục tiêu phát triển nguồn nhân lực y tế đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, là tiền đề để đưa Trường Đại học Y Hà Nội trở thành đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu châu Á về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Quy mô đầu tư gồm: Xây dựng khu đào tạo, bệnh viện và các viện nghiên cứu ứng dụng y học kỹ thuật cao với tổng mức đầu tư dự kiến là 3.150 tỷ đồng. Trong đó, quy mô sinh viên khoảng 3.000 người; quy mô bệnh viện thực hành khoảng 1.000 giường; quy mô viện nghiên cứu.

Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Trường Đại học Dược Hà Nội tại phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh có tổng kinh phí hơn 1.357 tỷ đồng. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt cho khoảng 5.000 sinh viên, chuẩn bị hạ tầng cơ bản để có thể mở rộng quy mô trong tương lai.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đánh giá, dự án góp phần xây dựng Trường Đại học Dược Hà Nội trở thành một trường Đại học chuyên ngành trọng điểm quốc gia, một trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực dược hiện đại, ngang tầm với khu vực.

truong-dh-duoc.jpg
Phối cảnh cơ sở 2 của Trường Đại học Dược Hà Nội tại phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh

Dự án cơ sở 2 của Trường Đại học Luật Hà Nội được xây dựng tại thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh với tổng diện tích gần 28ha, mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án được khởi công từ tháng 1 năm 2019, các công trình dự kiến hoàn thành trong quý IV năm 2025.

Trường Đại học Ngoại thương cơ sở Bắc Ninh được lập quy hoạch tại phường Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn - cách cơ sở chính Hà Nội của trường khoảng 30km. Giai đoạn 1 từ năm 2026 - 2030, tổng chỉ tiêu đào tạo khoảng 5.500 sinh viên. Đến giai đoạn 2 từ năm 2030 - 2040, tổng chỉ tiêu đào tạo tăng lên, đạt khoảng 12.000 sinh viên (không bao gồm cán bộ và giảng viên hơn 800 người).

Dự kiến Trường Đại học Ngoại thương cơ sở Bắc Ninh có đầy đủ các hạng mục như khu hành chính - hiệu bộ, giảng đường, thư viện, ký túc xá, hội trường, trung tâm thể dục thể thao ngoài trường, nhà đa năng, công viên…

Tỉnh Hưng Yên

Phó Thủ tướng Lê Thành Long mới đây đã ký Quyết định 663/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp được Quyết định đưa ra là mở rộng không gian Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất ngang tầm khu vực. Cụ thể, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở 2, mở rộng diện tích và không gian phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội tại tỉnh Hưng Yên.

Hiện đại hóa, nâng cấp cơ sở vật chất và các phòng thí nghiệm tại trụ sở chính của Đại học Bách khoa Hà Nội trong Thành phố Hà Nội phục vụ đào tạo và nghiên cứu các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ trọng điểm, then chốt. Đầu tư xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội và phát triển thành Trung tâm đổi mới sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.

Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Đại học Bách khoa Hà Nội đầu tư xây dựng cơ sở 2, mở rộng không gian phát triển trên địa bàn huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bảo đảm phù hợp với các quy hoạch có liên quan.

Giáo dục

Phải đảm bảo công bằng trong tuyển sinh để học sinh yên tâm học tập và thi tốt
Giáo dục

Phải đảm bảo công bằng trong tuyển sinh để học sinh yên tâm học tập và thi tốt

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các Sở GD-ĐT, các đại học, cao đẳng khẩn trương cùng phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, hiệu quả, với tinh thần "những gì khó khăn, Bộ GD-ĐT và các trường sẽ khắc phục tốt nhất cho thí sinh", để các em yên tâm học tập và thi tốt, đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.

Khai mạc hội thảo “Thắp lửa cùng tiến lên 2025”: Hội tụ sức mạnh mới
Giáo dục

Khai mạc hội thảo “Thắp lửa cùng tiến lên 2025”: Hội tụ sức mạnh mới

Ngày 29.3, tại Quảng Ninh, đã khai mạc Hội thảo “Thắp Lửa Cùng Tiến Lên 2025” với sự tham dự của hơn 240 đại biểu là nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia giáo dục trên khắp cả nước với một điểm chung là: “làm sao để giáo dục Việt Nam tiến lên – mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn và nhân văn hơn”.

Nhiều doanh nghiệp săn đón sinh viên ngay tại Ngày hội việc làm của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội
Giáo dục

Nhiều doanh nghiệp săn đón sinh viên ngay tại Ngày hội việc làm của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

Ngày 29.3, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Ngày hội việc làm năm 2025, với sự tham gia của gần 70 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như thiết kế vi mạch bán dẫn, gia công cơ khí chính xác, hạ tầng viễn thông và xây dựng dân dụng, sản xuất linh kiện ô tô, dệt, nhuộm vải,… 

Các tính điểm trúng tuyển đại học năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi (Ảnh: Quốc Việt)
Giáo dục

Nhiều địa phương lúng túng trong triển khai Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm

Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay vẫn còn địa phương chậm ban hành văn bản hướng dẫn, ban hành quy định tại địa phương, dẫn tới lúng túng trong triển khai; sự phối hợp giữa các sở, ngành trong triển khai các quy định về dạy thêm ngoài nhà trường có nơi chưa kịp thời nên một bộ phận giáo viên có nhu cầu dạy thêm hoang mang, lo lắng.

Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải ký kết hợp tác toàn diện với Công ty Cổ phần vận tải Đường sắt Việt Nam
Giáo dục

Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải ký kết hợp tác toàn diện với Công ty Cổ phần vận tải Đường sắt Việt Nam

Ngày 27.3, tại Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải (UTT) đã diễn ra lễ ký kết thoả thuận hợp tác với Công ty Cổ phần vận tải Đường sắt Việt Nam (TRV), mở ra hướng đi mới trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành đường sắt, đặc biệt là lĩnh vực đường sắt tốc độ cao.