Nhiều cơ quan cùng có trách nhiệm quản lý chất lượng mũ bảo hiểm

Vũ Dũng - Hồ Điệp thực hiện 25/03/2012 07:54

Để kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm, cơ quan quản lý đã đề xuất xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm không có tem CR hợp chuẩn. Nhưng dư luận xã hội chưa đồng tình với giải pháp này, vì xử lý người đội mũ bảo hiểm mới chỉ là phần ngọn của tình trạng. Gốc của vấn đề là xử lý các cơ sở sản xuất hoặc cơ sở phân phối mũ bảo hiểm giả, không bảo đảm chất lượng CỤC PHÓ CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG, BỘ CÔNG THƯƠNG ĐỖ THANH LAM cho rằng, nhiều cơ quan cùng có trách nhiệm quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, cũng như kiểm soát tình trạng lưu hành mũ kém chất lượng, mũ giả, chứ không chỉ là việc của Cục Quản lý thị trường.

Khó thống kê được số lượng mũ bảo hiểm kém chất lượng

Nhiều cơ quan cùng có trách nhiệm quản lý chất lượng mũ bảo hiểm ảnh 1
Nguồn: vietbao.vn

Tình trạng buôn bán mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng đang diễn ra ở nhiều địa phương và chưa có một cơ quan chức năng nào kiểm soát, cơ quan quản lý đã có những điều tra hay nghiên cứu nào về thực tế này, thưa ông?

- Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông, người đi xe môtô đã được ban hành năm 2008. Đến nay, tỷ lệ người đội mũ bảo hiểm rất cao, cho thấy nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, các lực lượng trong công tác tuyên truyền vận động người dân sử dụng mũ bảo hiểm. Nó cũng cho thấy việc xử phạt nghiêm minh của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, số lượng người bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, kể cả trong trường hợp đã đội mũ bảo hiểm vẫn không giảm do chất lượng mũ bảo hiểm chưa được quản lý chặt chẽ. Thực tế vẫn có nhiều người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng. Trên thị trường, đang có rất nhiều loại mũ cấu tạo khác nhau, theo kiểu thời trang, mũ cho người đi bộ, cho người chơi thể thao… Thậm chí còn có loại mũ ghi rõ là không sử dụng cho người đi mô tô, xe máy, không được kiểm soát, giá thành rất rẻ. Theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2008, thì mũ bảo hiểm hợp quy là mũ có gắn tem bảo hiểm CR do Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp. Khó khăn trong việc đánh giá chất lượng mũ bảo hiểm ngoài kinh phí, mà còn mất thời gian do phải gửi mẫu cho các trung tâm giám định tiêu chuẩn để kiểm tra chất lượng, đánh giá về độ xuyên thấu, thấp thụ xung động… Khi có kết quả giám định mới biết được loại mũ này có đủ chất lượng hay không? Và thời gian giám định mất tới mất ngày. Để kiểm soát mũ bảo hiểm kém chất lượng, liên bộ Khoa học và Công nghệ, Công an, Giao thông, Công thương đang xây dựng dự thảo 1 thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu và sử dụng mũ bảo hiểm.

Thưa ông, với tình trạng hiện nay, Bộ Công thương đang chỉ đạo các địa phương ngành dọc như thế nào. Làm sao tính toán được số lượng mũ bảo hiểm con số thực như thế nào?

- Bộ Công thương không phải là cơ quan thống kê về lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo ước tính của chúng tôi thì tỷ lệ xử phạt các trường hợp vi phạm trong thời gian qua rất cao.

Có một thực tế là Chi cục Quản lý thị trường ở nhiều nơi, trong đó có thành phố Hà Nội khá lỏng lẻo trong xử lý tình trạng bán mũ bảo hiểm giả. Để tình trạng này xảy ra thì trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

- Bộ Khoa học và Công nghệ được giao là cơ quan chủ trì trong việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, công tác này và xử lý các hành vi vi phạm có liên quan đến nhiều cơ quan khác. Nhưng vai trò chính trong kiểm tra, thanh tra chất lượng mũ bảo hiểm là của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ.

Một nghịch lý khiến dư luận bức xúc là trong khi mũ bảo hiểm kém chất lượng tràn lan, thì dự thảo thông tư liên bộ dự kiến sẽ xử phạt người đội mũ bảo hiểm. Có ý kiến cho rằng như thế chẳng khác gì chuyện phạt người đi xe máy, ô tô, bị cháy xe vì mua phải xăng giả. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Dự thảo Thông tư quy định đối tượng áp dụng là những tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và người đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông bằng mô tô xe máy. Như vậy, không thể nói là cái này chỉ diễn ra đối với người tiêu dùng.

Mức chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm ra sao?

- Việc xử lý người sản xuất kinh doanh đã được quy định tại Nghị định số 54 CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ngoài ra, còn quy định tại Nghị định số 06/2008 của CP; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại. Người đi xe máy bị xử phạt tại NĐ 34 của Chính phủ.

Dễ thấy người tiêu dùng vẫn mua mũ bảo hiểm kém chất lượng dù biết rõ đâu là mũ có chất lượng, đâu là mũ giả, kém chất lượng. Vậy có phải người tiêu dùng chỉ đội mũ để đối phó, và vẫn còn tâm lý chủ quan coi thường tính mạng của mình, thưa ông?

- Đúng là có hiện tượng này. Một bộ phận người tiêu dùng không ý thức được việc đội mũ bảo đảm chất lượng cần thiết như thế nào. Trong điều kiện khó khăn, cứ giá rẻ là họ mua. Ngoài ra có tình trạng người bán hàng có chủ ý trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả vào để thu lợi bất chính, không quan tâm đến sự an toàn của người sử dụng.

Vậy thưa ông, trong trường hợp này, trách nhiệm quản lý thuộc về cơ quan nào?

- Vấn đề kiểm tra kiểm soát các hành vi vi phạm trong vấn đề sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm được nhiều người quan tâm. Như tôi nói ở trên, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, để làm vấn đề này, không phải lúc nào chúng ta cũng muốn là được. Bản thân việc kiểm tra xác định mũ bảo hiểm thật, mũ bảo hiểm giả cũng là 1 quá trình mất rất tiền bạc, và cả thời gian. Do phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng rất tinh vi, thậm chí có cả sự móc ngoặc với nước ngoài. Do vậy, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng gặp rất nhiều khó khăn.

Lực lượng kiểm tra còn mỏng nên không làm xuể

Trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có nhiều điểm bán mũ bảo hiểm công khai, và không khó phát hiện. Vậy, tại sao chúng ta lại không thể kiểm soát ngăn chặn tình trạng này?

- Mũ bảo hiểm được bán trên vỉa hè cho nhiều loại đối tượng khác nhau. Chúng tôi cũng phải xem xét họ bán cho ai, cho đối tượng nào. Có đối tượng đi xe máy, họ bán cho người đi xe máy. Đối tượng đi bộ, họ bán cho người đi bộ. Nó không có ranh giới rõ ràng, do vậy người dân hay nhầm lẫn. Mặt khác, do việc tố giác hành vi vi phạm với các cơ quan chức năng chưa tốt. Tôi đề nghị nếu phát hiện đối tượng như anh đã nói, phải báo ngay cho Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng. Tại địa phương, người dân có thể báo cho lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn.

Thưa ông, để ngăn chặn tình trạng sản xuất và bán mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng, chúng ta nên thực hiện việc kiểm soát thường xuyên đúng không?

- Kiểm tra, kiểm soát thị trường là công việc thường ngày của chúng tôi. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, ít nên nhiều lúc không thể kiểm tra hết. Hôm nay, chúng tôi kiểm tra chỗ này, xóa được chỗ này. Mai, nó lại mọc ra chỗ khác.

Đối với việc sản xuất, ông có đề xuất nào để kiểm soát được việc sản xuất mũ giả, kém chất lượng?

- Việc kiểm tra, kiểm soát phụ thuộc vào quy trình luật pháp quy định. Nhữäng cở sở sản xuất đầu tiên phải có đăng ký kinh doanh, sau đó chất lượng hàng hóa phải được công bố theo quy định. Ngoài ra, phải có sự giám sát của chính quyền địa phương, của các cơ quan chức năng khác.

Nhưng hiện có tình trạng mũ giả cũng dán tem chuẩn CR. Vậy, làm sao phân biệt được mũ thật, mũ giả?

- Để làm được loại tem giả này, phải có máy móc nhất định. Tuy nhiên, hiện nay, kỹ thuật làm giả rất tinh vi nên người tiêu dùng rất khó phân biệt thật giả.

So sánh mũ giả, mũ thật là một công việc khó khăn. Vậy, vai trò của cơ quan quản lý thế nào thưa ông?

- Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương chưa thống kê số lượng được mũ giả, mũ thật. Vì rất nhiều khó khăn. Chúng tôi còn phải làm nhiều việc khác nữa. Nhưng tôi nghĩ, sắp tới các cơ quan chức năng cần có điều tra chính thức về vấn đề này để xử lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng đã và đang ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tham gia giao thông. Vậy, đến khi nào cơ quan quản lý sẽ công bố cho người tiêu dùng số lượng các loại mũ này đang lưu hành trên thị trường, thưa Ông?

- Cục Quản lý thị trường sẽ sớm xây dựng chuyên đề về kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm về sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xin cám ơn Ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhiều cơ quan cùng có trách nhiệm quản lý chất lượng mũ bảo hiểm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO