Tiếp nối thành công của Hội nghị lần thứ nhất (tháng 9.2023), Hội nghị lần thứ hai được tổ chức theo hình thức trực tiếp (tại Nhà Quốc hội) kết hợp với trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với sự tham dự của khoảng 1.147 đại biểu, trong đó có 130 đại biểu tại điểm cầu Trung ương và hơn 1.000 đại biểu từ các điểm cầu địa phương. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ hai được tổ chức sớm hơn, diễn ra ngay đầu năm thay vì tháng 9 như năm ngoái, và chưa đầy 2 tháng sau khi Kỳ họp bất thường lần thứ Năm bế mạc. Điều đó cho thấy quy mô và sức hút của Hội nghị triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội nói riêng cũng như vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác thực thi pháp luật nói chung.
“Cẩm nang” cho công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội
Là Hội nghị thường niên lần thứ hai, tuy nhiên mục đích, ý nghĩa đều nhất quán và xuyên suốt, nhằm thực hiện kết luận của Hội nghị lần thứ nhất, đồng thời tiếp tục thực hiện yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” (theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam) cũng như thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu biên soạn, xuất bản sách “Luật Đất đai - Hỏi và Đáp” nhằm đáp ứng yêu cầu phổ biến, tuyên tuyền pháp luật. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ bằng các hình thức phù hợp cho đội ngũ công chức được giao tổ chức thi hành, nhất là đối với các luật chuyên ngành có nhiều nội dung mới, phức tạp như Luật Đất đai, Luật Viễn thông, Luật Căn cước, Luật Các tổ chức tín dụng…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức. Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Tuy số lượng luật, nghị quyết triển khai tại Hội nghị lần này không nhiều như Hội nghị lần thứ nhất (với 52 luật và nghị quyết, trong đó có 15 luật, 21 nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến trước Kỳ họp thứ Năm và 8 luật, 8 nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ Năm), nhưng 9 luật và 10 nghị quyết (được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm) đều là những nội dung rất quan trọng, không chỉ giải quyết kịp thời một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn, hay có ý nghĩa đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024, mà còn rất căn cơ, chiến lược, lâu dài, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới. Trong đó, chỉ với việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ này.
Do vậy, việc tổ chức Hội nghị toàn quốc để quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu, nhiệm vụ chủ yếu của 9 luật và 10 nghị quyết ngay sau khi Quốc hội thông qua là rất kịp thời, góp phần đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành, nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương trong việc đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực thi hành.
Xét về lượng, thì số luật, nghị quyết được triển khai tại Hội nghị lần này không nhiều, nhưng nếu tính về độ khó và phức tạp, thì 9 luật và 10 nghị quyết được triển khai lần này cao hơn rất nhiều, với khoảng 400 nội dung cần xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đơn cử, chỉ tính riêng với việc triển khai Luật Đất đai, đã có 104 nội dung Luật giao Chính phủ, các Bộ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Chưa kể số lượng khá lớn các văn bản dưới luật khác có liên quan cần rà soát để sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai năm 2024 và 8 luật được sửa đổi, bổ sung tại Mục 1 Chương XVI của Luật Đất đai 2024 (gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp).
Khó và phức tạp như thế, nên việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức sớm Hội nghị triển khai các luật, nghị quyết này chính là tiếp tục tinh thần chủ động, “từ sớm”, “từ xa” - khởi nguồn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV và đang được thực tiễn chứng minh là có hiệu quả - trong việc nâng cao chất lượng, hiệu lực các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội. Như nhận định của Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, đó là “Quốc hội đã và đang hành động rất nhanh…”. Song hành với đó, quyết tâm đưa các văn bản hướng dẫn về đích “đúng hẹn” của Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ cho thấy, tinh thần khẩn trương, chủ động của Quốc hội đã lan tỏa mạnh mẽ trong hệ thống chính trị, đặc biệt là ở các cấp thực thi, qua đó, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ.
Trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2024), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả việc thực thi pháp luật. Theo đó, “cần tập trung ưu tiên ban hành đồng bộ và có chất lượng hệ thống pháp luật, các quy định, quy chế, quy trình công tác để thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị”.
Trên cơ sở thành công của Hội nghị lần thứ Nhất và Hội nghị lần này, chúng ta cần nỗ lực cao hơn nữa, quyết tâm lớn hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa nhằm sớm đưa các quyết sách của Quốc hội đi vào cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Tinh thần khẩn trương, chủ động đó được thể hiện ngay trong hai báo cáo trung tâm (của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ) được trình bày tại Hội nghị, và nhận được sự đồng tình, đánh giá rất cao của các đại biểu tham dự. Trong đó, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm) được xây dựng rất kỳ công, thống kê cụ thể khoảng 400 nội dung chi tiết gắn với từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và thời hạn cần hoàn thành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của từng luật và nghị quyết. Báo cáo này được các bộ, ngành ví như “cẩm nang” cho công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội cũng như tăng cường đôn đốc việc thực thi pháp luật, mà nếu như không đọc thì có khi các cơ quan tham mưu của Bộ chưa chắc đã biết để liệt kê hết văn bản cần xây dựng và ban hành của mình là gì.
Cùng với 2 báo cáo trung tâm, Hội nghị đã nghe 12 báo cáo và tham luận của các cơ quan, đơn vị, địa phương, vừa “minh họa” thêm cho báo cáo trung tâm, đồng thời từng báo cáo, tham luận đều đưa ra những kiến nghị giải pháp rất cụ thể, hữu ích, để các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình giám sát cũng như xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Đặc biệt, trong các báo cáo, tham luận, phát biểu của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa phương tại Hội nghị đều đánh giá cao chất lượng các luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành, đồng thời nêu rõ, các luật, nghị quyết này bước đầu đang nhận được sự đồng thuận của cử tri, Nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. “Đây là điều hết sức vui mừng”.
Vui mừng bởi lẽ, ngay trước khi thông qua, không ít luật, nghị quyết còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, và có lúc tưởng chừng khó có thể thông qua, như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)… Nhưng “bằng tất cả sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, chúng ta đã thông qua được!”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chính quyền Trung ương và địa phương cũng “hài lòng” và thấy rằng “Luật tiến bộ, dễ áp dụng, dễ khả thi, minh bạch”; Nhân dân trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp “rất đồng tình” và “kỳ vọng” vào các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi).
Tập trung, nỗ lực, quyết tâm lớn, ban hành đồng bộ các văn bản chi tiết
Thời gian vừa qua, nhất là sau thành công của Hội nghị lần thứ nhất, đã cho thấy những chuyển biến rất tích cực trong công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội. Các cơ quan đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt khắc phục mọi khó khăn, thách thức, nhất là sức ép về mặt tiến độ, phạm vi, khối lượng công việc, để nỗ lực khẩn trương triển khai công tác thi hành, đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực. Tuy chưa có tổng kết, nhưng theo dõi sơ bộ cho thấy, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đã “kịp thời hơn”, tình trạng nợ đọng văn bản cũng “ít hơn rất nhiều”. Đáng chú ý, chất lượng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã bám sát thực tiễn và các nội dung quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, đi vào cuộc sống nhanh hơn.
Ghi nhận các kết quả triển khai thi hành luật, nghị quyết thời gian qua, song với cái nhìn biện chứng và thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn chỉ rõ, đây là “bước đầu”, còn trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản chi tiết và tổ chức thực thi “mới đánh giá hết được chất lượng của luật”.
Và thực tế, khối lượng công việc cần tiếp tục triển khai để có thể đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống là rất lớn, đặc biệt, nhiều luật được Quốc hội thông qua tại hai kỳ họp gần đây nhất có số lượng điều luật, nội dung giao Chính phủ, các cơ quan quy định chi tiết “vừa nhiều”, khoảng 400 nội dung, “lại vừa khó” (như các nội dung về sandbox - cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong Luật Viễn thông, Luật Các tổ chức tín dụng…), “vừa đòi hỏi cao về tiến độ” (có những nội dung của Luật Đất đai đặt ra thời điểm áp dụng ngay từ ngày 1.4.2024…). Điều này đòi hỏi tất cả các văn bản quy định chi tiết phải được ban hành đồng bộ. Chưa kể, các Luật, Nghị quyết Quốc hội vừa thông qua cũng quy định rất nhiều chính sách mới, cơ chế đặc thù cũng như các nhiệm vụ, quyền hạn mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan, cơ sở.
Với nhiều thử thách như vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, việc triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội đòi hỏi “sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm rất lớn” của các cơ quan trong hệ thống chính trị, từ các cơ quan của Quốc hội trong vai trò giám sát, đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, các địa phương.
Trong quá trình đó, một trong những lưu ý của Người đứng đầu cơ quan lập pháp, đó là việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết cần tuân thủ đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 56 văn bản quy định chi tiết (gồm 29 nghị định, 5 quyết định, 22 thông tư), bảo đảm tiến độ, chất lượng để kịp thời có hiệu lực cùng với các luật, nghị quyết. Và, “tuyệt đối không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định trong tổ chức thực hiện”. Đồng thời, chú ý các chính sách, quy định mới, có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai đối với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý. Tiếp tục rà soát các văn bản dưới luật có liên quan đến các quy định mới của luật, nghị quyết để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành theo thẩm quyền, bảo đảm phù hợp và đồng bộ với các luật, nghị quyết được thông qua.
Với tinh thần làm việc chủ động, khoa học, khẩn trương và trách nhiệm như vậy, chắc chắn mong muốn và gửi gắm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị sẽ biến thành hiện thực sinh động. Theo đó, những vấn đề được trao đổi tại Hội nghị lần này sẽ trở thành bài học, kinh nghiệm quý, những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thi hành luật, nghị quyết sẽ có phương án giải quyết phù hợp. Qua đó, để công tác triển khai thi hành pháp luật ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, cùng với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm góp phần xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vững mạnh.
Đặc biệt, từ kết quả cụ thể của Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội cùng với thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ Năm ngay đầu năm nay cho thấy, Quốc hội đã, đang và chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy tinh thần có hiệu quả “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”, đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024 và các nhiệm vụ quan trọng khác trong cả giai đoạn 2021-2025