Thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012

Nhiều chính sách chưa vào cuộc sống

- Thứ Năm, 29/04/2021, 06:57 - Chia sẻ
Sau hơn 7 năm tổ chức thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, đến nay đa số hợp tác xã ở nước ta vẫn có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu liên kết, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị trước yêu cầu hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Tỷ trọng đóng góp của hợp tác xã vào GDP còn thấp. Ngoài nguyên nhân khách quan do quy mô sản xuất của kinh tế hộ nhỏ lẻ, tâm lý kỳ thị hợp tác xã kiểu cũ còn đeo bám dai dẳng... Nguyên nhân chủ quan được chỉ ra là do thiếu nguồn lực, hệ thống quản lý nhà nước về hợp tác xã còn thiếu và yếu nên nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống.

Có chính sách đến năm 2019 mới được thực hiện

Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21.11.2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã và Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15.12.2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020 đã đề ra 11 chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hợp tác xã. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chính sách này đi vào cuộc sống chưa nhiều. Có chính sách đến năm 2019 mới thực hiện được như hỗ trợ về kết cấu hạ tầng. Một số chính sách thực hiện chưa hiệu quả như ưu đãi tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm.

	Nhiều chính sách dành cho hợp tác xã chậm đi vào cuộc sống Nguồn: ITN
Nhiều chính sách dành cho hợp tác xã chậm đi vào cuộc sống
Nguồn: ITN

Đại diện Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho biết thêm, chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, hỗ trợ xúc tiến thương mại gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn nhà nước còn hạn chế. Việc tiếp cận vốn đối với các hợp tác xã đạt tỷ lệ thấp do nhiều hợp tác xã chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng, không có tài sản thế chấp, năng lực điều hành, quản trị, hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Bên cạnh đó, mặc dù đã có những quy định ưu đãi về đất đai nhưng việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, số hợp tác xã được thụ hưởng chính sách này không nhiều do thiếu quỹ đất công.

Báo cáo sơ kết 3 năm thi hành Luật cũng cho thấy, chỉ có 8 - 10% số hợp tác xã tiếp cận được chính sách hỗ trợ đất đai làm trụ sở, nhà xưởng; 18% hợp tác xã có nhu cầu vay vốn tín dụng được vay vốn. TS. Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, đối với chính sách đất đai, cần quy định các điều kiện để hợp tác xã có thể tiếp cận và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đầu tư bến bãi, kho tàng nhà xưởng chế biến nông sản phục vụ cộng đồng, người dân. Đồng thời bổ sung các quy định về cấp chứng nhận sử dụng đất cho hợp tác xã trong trường hợp các thành viên góp đất, góp vốn mua đất để sử dụng theo mục đích chung phục vụ cộng đồng thành viên.

Củng cố công tác quản lý

Đến cuối năm 2016, mới chỉ có hai bộ là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành lập được đơn vị chuyên trách thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Các bộ, ngành khác giao cho đơn vị thuộc bộ thực hiện kiêm nhiệm. Đa số UBND các cấp chưa tổ chức được bộ máy quản lý nhà nước mà chỉ bố trí một cán bộ chuyên trách (hoặc kiêm nhiệm) theo dõi về kinh tế tập thể.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện chuyển đổi từ hợp tác xã cũ sang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn chậm. Một số hợp tác xã thực hiện đăng ký lại còn hình thức, phương thức hoạt động không thay đổi, còn lúng túng trong định hướng hoạt động, hoạt động cầm chừng, chưa phát huy được vai trò hỗ trợ thành viên của hợp tác xã, chưa đáp ứng được các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Vẫn còn hợp tác xã đã ngưng hoạt động, không tồn tại nhưng không giải thể được do vướng nợ thuế, nợ các tổ chức tín dụng…

Đến nay, chỉ có hơn 20/63 tỉnh, thành phố thành lập phòng Doanh nghiệp, kinh tế tập thể và tư nhân thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhưng đa số chưa có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này mà chủ yếu vẫn kiêm nhiệm do hạn chế về biên chế, số lượng cán bộ. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành lập Chi cục hợp tác xã và Phát triển nông thôn, nhưng thực tế chỉ có số ít cán bộ được phân công theo dõi về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Các sở, ngành còn lại không có các phòng nghiệp vụ mà chỉ bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm công tác kinh tế tập thể. Ở cấp huyện, phòng Tài chính - Kế hoạch là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế tập thể nhưng đa phần mới chỉ bố trí được cán bộ kiêm nhiệm, rất ít nơi có cán bộ chuyên trách theo dõi. Theo đại diện Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, thực trạng này cho thấy hệ thống quản lý nhà nước về hợp tác xã nói riêng, kinh tế tập thể nói chung vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, hỗ trợ hợp tác xã phát triển.

Đồng tình với nhận định này, đại diện Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, chức năng quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã tại địa phương đang dàn trải ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau; chưa có tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên trách thống nhất từ Trung ương tới địa phương để tập trung trí tuệ, sức lực triển khai thực hiện các nghị quyết, chính sách và pháp luật về kinh tế tập thể. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức về hợp tác xã.

Từ thực tế này, thời gian tới cần chấn chỉnh và củng cố công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, đặc biệt là xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, hướng ngành kế hoạch và đầu tư giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước chung về kinh tế tập thể. Các bộ, ngành, địa phương bố trí đơn vị, cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ được giao quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 70-KL/TW ngày 9.3.2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Hoàng Tuấn