Nhiều chiến tích nhỏ làm nên thành công lớn

- Thứ Bảy, 07/08/2021, 05:58 - Chia sẻ
Olympic Tokyo 2020 sẽ bế mạc vào ngày 8.8. Những nội dung thi đấu quan trọng gần như đã hoàn thành, trừ trận chung kết bóng đá nam (Brazil - Tây Ban Nha) sẽ diễn ra vào 18h30 hôm nay, 7.8. Người xem ngày càng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của Thế vận hội mùa hè lần thứ 32, như một thắng lợi quan trọng của nhân loại trước đại dịch Covid-19.

Bứt phá cùng công nghệ

Thế vận hội mùa hè 2020 đánh dấu sự chuyển mình của thể thao hiện đại. Sự kiện diễn ra tại Tokyo, trung tâm của khoa học - công nghệ, là cơ hội không thể tuyệt vời hơn để khán giả được chứng kiến sự kết hợp giữa con người và kỹ thuật trong công cuộc khai phá và mở rộng tiềm năng thể chất ở mỗi cá nhân. Những thành tích ấn tượng nhất, đặc biệt tại các môn thể thao Olympics, đều có ít nhiều đóng góp của khoa học - kỹ thuật.

Điền kinh là một trong những bộ môn chịu ảnh hưởng nhiều nhất, cũng là minh chứng rõ nét nhất cho xu hướng này. Sân vận động Olympic Tokyo đưa vào sử dụng đường chạy điền kinh theo chuẩn hạng nhất của Liên đoàn Điền kinh Thế giới, được đánh giá là có sức bật và chống chịu va đập tốt nhờ kết cấu thảm cao su tách lớp. Ba kỷ lục thế giới và ba kỷ lục Olympic bị phá vỡ chỉ trong một tuần thi đấu, đưa những cái tên như Elaine Thompson-Herah (Jamaica), Sydney McLaughlin (Mỹ) ghi danh vào bảng thành tích tại Thế vận hội và tiếp tục thống trị điền kinh thế giới.

Olympic Tokyo 2020 - bước chuyển mình của thể thao hiện đại
Nguồn: AP

Các môn thể thao tâm điểm còn lại vẫn chứng kiến sự thống trị của những nền thể thao hàng đầu, với thành tích vượt trội của các cá nhân. Katie Ledecky (Mỹ) lần thứ bảy liên tiếp phá kỷ lục của chính mình ở nội dung bơi 800m tự do nữ. Kình ngư Duncan Scott giành 1 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc, trở thành vận động viên đầu tiên của Vương quốc Anh giành thành tích này. Tại những môn thể thao đối kháng, quốc kỳ của các quốc gia có thế mạnh vẫn được kéo lên trên bục nhận huy chương, khoảng cách về trình độ ngày một được nới rộng.

Tuy vậy, số ít cuộc lật đổ ngoạn mục, như của Viktor Axelsen (Đan Mạch) tại môn cầu lông nội dung đơn nam, cũng báo hiệu cho sự chuyển giao và những cuộc đổi ngôi đầy hứa hẹn của thể thao quốc tế thời gian tới.

Vắng lặng nhưng lan tỏa

Sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 đã khiến Olympic Tokyo 2020 phải diễn ra với những khán đài hoàn toàn trống vắng. Cũng chính bởi đại dịch mà năm nay khán giả có vẻ hờ hững với Thế vận hội, dù đây là Olympics được phát trên nhiều nền tảng, từ truyền hình cho tới mạng xã hội. Tuy vậy, các cuộc tranh tài vẫn có sức hút nhất định.

Mặc dù múi giờ Tokyo gây nhiều bất tiện nhưng không ngăn nổi người châu Âu theo dõi các cuộc thi đấu hấp dẫn và cổ vũ những vận động viên đại diện quê hương tại Olympics 2020 theo những cách khác nhau. Vận động viên bơi lội Duncan Scott nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ trường tiểu học mà anh từng theo học, bất chấp thời gian thi đấu muộn, trở thành một trong những hình ảnh đẹp nhất về các cổ động viên tại Thế vận hội lần này. Không chỉ vậy, hình ảnh những đại gia đình tại Tây Ban Nha hay Pháp háo hức không khí lễ hội để đón chờ phần thi đấu của một thành viên ruột thịt cũng cho thấy sức lan tỏa, ý nghĩa của tấm vé tham dự Olympics, không chỉ đối với một cá nhân, mà còn với cả gia đình, cộng đồng, quốc gia.

Các diễn đàn mạng xã hội do Ban tổ chức lập ra thu hút hàng chục triệu lượt theo dõi trên khắp toàn cầu, tạo điều kiện để kết nối người hâm mộ với các cuộc tranh tài tại Nhật Bản, dõi theo và cổ vũ, tiếp sức cho những cá nhân ưu tú nhất của họ từ xa.

Có thể nói, Olympic Tokyo 2020 đã chứng minh cho thấy khoảng cách về không gian và thời gian không còn quá quan trọng khi so sánh với tình yêu, lòng tự hào, vinh dự, tinh thần dân tộc mãnh liệt được khơi dậy ở một đại hội thể thao.

Kình ngư Duncan Scott trở thành vận động viên đầu tiên của Vương quốc Anh giành 4 huy chương tại một kỳ Olympics - Nguồn: Getty Images

“Nhanh hơn, cao hơn, xa hơn, cùng nhau”

Olympic Tokyo 2020 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Nó đã bất đắc dĩ trở thành một gánh nặng, khiến nước chủ nhà lỗ hàng tỷ USD, gây nhiều mối lo ngại về y tế cho thế giới. Song, với sự chung tay của cộng đồng quốc tế, cùng quyết tâm của người dân trong nước, Nhật Bản đã phần nào đáp ứng kỳ vọng về một kỳ đại hội hấp dẫn về mặt chuyên môn, để lại cho thế giới những thông điệp sâu sắc và nguồn động viên to lớn trong công cuộc ứng phó với bệnh dịch.

Thông điệp trong lễ khai mạc về lời cảm tạ của nước Nhật dành cho thế giới là một lời ca ngợi, một lời khẳng định, ủng hộ sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế để vượt qua khó khăn, đánh bại dịch bệnh. Lần đầu tiên, khẩu hiệu của Olympics thêm cụm từ “cùng nhau” - Nhanh hơn, cao hơn, xa hơn, cùng nhau. Bởi nếu không “cùng nhau” lúc này, không ai có thể đi đâu cả, không ai có thể thi đấu, không ai có thể gặp gỡ nhau... Chính lúc này đây, tinh thần đoàn kết vốn có đáng trân trọng của thể thao cần được phát huy trong mọi lĩnh vực. Và thành công của Olympic chính là phản ánh tinh thần đoàn kết mà cả thế giới đang khao khát ấy.

Tuy không phải Thế vận hội thành công nhất, nhưng Tokyo 2020 sẽ là Thế vận hội đáng nhớ nhất, bởi những gì nó đã phải trải qua thật khó để quên.

Trần Anh