Chưa rõ trách nhiệm để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc
Trong văn bản số 60/CV- HHVT vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật, cung cấp thông tin về những vướng mắc, bất cập của quy định pháp lý và thực thi ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện, các văn bản quy phạm pháp luật không quy định rõ trách nhiệm trong việc để tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình hoạt động, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải hoạt động theo tuyến cố định và bến xe khách.
Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được đầu tư kinh doanh và khai thác bến xe; doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư khai thác bến xe phải bảo đảm kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện di dời bến xe khách ra xa trung tâm thành phố, làm giảm tính kết nối giữa hành khách với vận tải. Cùng với đó, việc quy định giá dịch vụ xe ra, vào bến do UBND cấp tỉnh quy định đã làm hạn chế việc chủ động đầu tư nâng cấp dịch vụ tại các bến xe để thu hút xe và hành khách vào bến; chưa kể cơ quan chức năng chưa có đủ biện pháp quản lý xe dù, bến cóc đã khiến nhiều bến xe kinh doanh thua lỗ, phá sản.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp vận tải đề nghị các địa phương nên giữ ổn định vị trí bến xe và tăng cường xử lý xe dù, bến cóc, đồng thời sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật theo hướng giao quyền chủ động xác định giá dịch vụ xe ra, vào bến để tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh khai thác bến xe đầu tư, nâng cấp, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách. Đặc biệt, cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu ngành Giao thông vận tải địa phương, chính quyền cấp phường (xã) nếu để tồn tại tình trạng xe dù, bến cóc trên địa bàn.
Cần thử nghiệm trước khi áp dụng đồng loạt quy định làm tăng chi phí
Cũng theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ ngồi (kể cả người lái xe), xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo… phải lắp camera. Theo đó, với số lượng camera phải lắp hơn 200.000 xe, bình quân 1 camera là 4 triệu đồng thì tổng số tiền chi cho lắp đặt camera là khoảng trên 800 tỷ đồng, chưa kể chi phí duy trì mỗi tháng 100.000 đồng/camera.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có trung tâm tiếp nhận dữ liệu và chức năng sàng lọc để xử lý vi phạm, nên việc lắp camera gây lãng phí rất lớn, chưa phát huy được hiệu quả quản lý nhà nước về vận tải. “Việc ban hành quy định mới, chi phí thực hiện lớn phải có thử nghiệm, chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về quản lý, xác định hiệu quả trước khi áp dụng đồng loạt”, Hiệp hội đề nghị.
Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có chế tài xử lý nếu các đơn vị kinh doanh vận tải không thực hiện theo quy định. Chẳng hạn, Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (Điều 7), đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch (Điều 8) trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ nội dung tối thiểu của Hợp đồng vận tải, kèm theo danh sách hành khách đến Sở Giao thông Vận tải nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng văn bản hoặc qua thư điện tử, nhưng thực tế hầu như các đơn vị vận tải không thực hiện. “Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần xem xét cụ thể, có chế tài xử lý vi phạm nếu đối tượng chịu sự điều chỉnh không chấp hành”, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị.
Sớm có quy định thống nhất tháo gỡ đăng kiểm
Một vấn đề được các doanh nghiệp vận tải đang rất quan tâm là về kiểm định. Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 08 cho phép các xe từ 9 chỗ trở xuống không kinh doanh vận tải được tự động giãn chu kỳ kiểm định giúp “hạ nhiệt” tại các trung tâm đăng kiểm, song doanh nghiệp vận tải vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, về sử dụng lốp xe, hiện có một số loại lốp theo thiết kết nguyên bản của xe không thể tìm mua trên thị trường. Cục Đăng kiểm đã có Công văn số 5179/ĐKVN-VAR về việc doanh nghiệp đưa xe đến đơn vị đăng kiểm để được hướng dẫn và ghi nhận kích cỡ lốp có thể lắp trên xe vào hồ sơ phương tiện, Giấy chứng nhận kiểm định xe. Tuy nhiên, gần đây, nhiều trung tâm đăng kiểm từ chối đăng kiểm các xe sử dụng cỡ lốp tương đương khiến doanh nghiệp rất hoang mang.
Các theo phản ánh của doanh nghiệp, một số đơn vị vận chuyển hàng đông lạnh có lắp thêm máy phát điện có công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng của container lạnh. Trước đó, xe vẫn được kiểm định bình thường nhưng hiện nay bị từ chối và yêu cầu tháo dỡ máy phát điện mới được vào kiểm định. Hay có trường hợp các xe tải gắn các thùng chứa đồ nghề như dây xích, trụ sắt, dây buộc, cục chèn hàng… nhằm bảo đảm an toàn trong xếp hàng hóa và quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, khi đăng kiểm, các trung tâm đăng kiểm yêu cầu phải tháo dỡ…
Do vậy, các doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng xem xét có điều chỉnh và hướng dẫn thực hiện thống nhất trong công tác đăng kiểm. Đồng thời, cho phép sử dụng phiếu hẹn làm cơ sở để xe được lưu hành đến trạm đăng kiểm mà không bị xử phạt.
Ngoài ra, tình trạng thiếu lái xe hạng Fc (lái xe đầu kéo kéo sơmirơmoóc) ngày càng trầm trọng. Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh, hiện đang thiếu 20 - 30% so với nhu cầu. Nguyên nhân là do điều kiện để được học nâng hạng lên Giấy phép lái xe hạng Fc là từ 24 tuổi trở lên, có thâm niên lái xe 3 năm và 50.000km lái xe an toàn theo quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT là quá cao. Do vậy, cần nghiên cứu để sửa đổi điều này cho phù hợp với tình hình thực tế.