Nhiều bài học từ hai đêm nhạc của BlackPink
Hai buổi biểu diễn thành công của ban nhạc Hàn Quốc nổi tiếng BlackPink cho thấy khả năng thu hút và tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật tầm cỡ quốc tế của Hà Nội, của Việt Nam. Theo PGS.TS. BÙI HOÀI SƠN - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, chúng ta cần nắm bắt và khai thác tiềm năng này để quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch và thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Tiềm năng cần nắm bắt và khai thác
- Hai đêm diễn của BlackPink tại sân vận động Mỹ Đình đã đem đến cho hơn 60.000 khán giả những màn trình diễn hàng đầu, âm thanh, ánh sáng chuẩn quốc tế. Từng nghiên cứu sâu về công nghiệp văn hóa, ông thấy hiệu ứng từ hai đêm diễn này như thế nào?
- Lợi ích dễ thấy nhất là phát triển du lịch. Hai đêm diễn thu hút đông đảo người hâm mộ từ khắp nơi đến Hà Nội, tạo ra lượng lớn khách du lịch và gia tăng doanh thu cho ngành du lịch. Sự kiện âm nhạc quy mô lớn như thế chắc chắn đòi hỏi sự hỗ trợ của nhiều người lao động, từ tổ chức sự kiện đến bảo vệ an ninh, nhân viên bán vé... tức là tạo ra nhiều cơ hội việc làm tạm thời và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đây chính là tiềm năng phát triển song song của lĩnh vực âm nhạc và kinh tế, du lịch mà chúng ta cần nắm bắt.

“Bản quyền có ý nghĩa rất lớn trong phát triển công nghiệp văn hóa. Hai đêm nhạc của BlackPink đã cho thấy tầm quan trọng của việc thực hiện sớm và đầy đủ, nghiêm túc các thủ tục liên quan bản quyền âm nhạc và hình ảnh”.
PGS.TS. BÙI HOÀI SƠN
Hơn thế, BlackPink là nhóm nhạc Kpop nổi tiếng trên toàn thế giới, và hai đêm diễn tại Hà Nội đã giới thiệu Thủ đô của chúng ta đến hàng triệu người hâm mộ toàn cầu. Điều này giúp quảng bá hình ảnh và danh tiếng của Hà Nội trên bản đồ âm nhạc quốc tế và nâng cao sự nhận thức về thương hiệu “Hà Nội - Thành phố sáng tạo của UNESCO”.
- Ông có cho rằng Hà Nội có tiềm năng lớn để thu hút những ngôi sao quốc tế tầm cỡ đến biểu diễn không?
- Chắc chắn rồi. Đầu tiên là vị trí địa chính trị. Là Thủ đô nên Hà Nội có vị trí đặc biệt thuận lợi hơn so với các địa phương khác, nhất là giao lưu văn hóa quốc tế với những cam kết từ các chuyến thăm của lãnh đạo các quốc gia. Hạ tầng giao thông phát triển, sân bay quốc tế Nội Bài kết nối với nhiều thành phố lớn trên thế giới giúp các nghệ sĩ quốc tế dễ dàng di chuyển và biểu diễn tại đây.
Thứ hai, Hà Nội cũng là trung tâm tài chính, kinh tế và văn hóa của Việt Nam, với cơ sở hạ tầng hiện đại, từ khách sạn, nhà hát, sân khấu đến cơ sở vui chơi giải trí chất lượng, làm cho thành phố trở thành nơi thu hút các sự kiện biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn.
Thứ ba, Hà Nội có lịch sử lâu đời và văn hóa đa dạng, tạo điểm thu hút đối với các nhà tổ chức sự kiện, nghệ sĩ quốc tế và cả khán giả.
Thứ tư, rất quan trọng, là sự ủng hộ và quyết tâm của lãnh đạo Hà Nội. Chính quyền Hà Nội, các sở, ngành liên quan đã rất tích cực và kiên định trong thu hút các sự kiện và ngôi sao quốc tế đến biểu diễn. Chủ trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Thủ đô có chiến lược, kế hoạch rõ ràng, tạo ra môi trường thân thiện, hỗ trợ và thuận lợi cho các sự kiện văn hóa, giải trí và nghệ thuật.
Thứ năm là sự đồng hành, ủng hộ từ người hâm mộ và cộng đồng.
Những kinh nghiệm hữu ích
- Từ hai đêm diễn của BlackPink, ông đánh giá thế nào về thị hiếu, nhu cầu hưởng thụ âm nhạc, giải trí của khán giả Việt Nam?
- Chúng ta đã tận mắt chứng kiến sức hút của BlackPink tại Việt Nam lớn đến mức thế nào. Khách sạn cháy phòng, máy bay cháy vé, sân vận động bùng nổ, các trang mạng xã hội cũng nhuộm màu hồng - đen. Điều này thể hiện sự đa dạng trong thị hiếu âm nhạc của người dân Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, và khả năng tiếp cận, tiêu thụ những sản phẩm âm nhạc quốc tế phổ biến.

Bên cạnh đó cũng cho thấy tiềm năng và khả năng chi trả để thưởng thức nghệ thuật của công chúng Việt Nam, khi một bộ phận khán giả sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn (từ 1,2 - 9,8 triệu đồng/vé - PV) để được gặp thần tượng và trải nghiệm âm nhạc chất lượng và đáng nhớ. Nếu có đủ những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, chú tâm đầu tư nhiều hơn đến công nghiệp giải trí, chúng ta hoàn toàn có cơ hội khai thác, quảng bá giá trị văn hóa, nghệ thuật Việt Nam như những gì BlackPink đã làm được.
- Âm nhạc là một lĩnh vực quan trọng của công nghiệp văn hóa. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, từ trường hợp của BlackPink, theo ông, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm gì?
- Chắc chắn chúng ta sẽ học được rất nhiều điều từ sự kiện này và những bài học đó sẽ giúp ích cho Việt Nam trong quá trình hội nhập ngành công nghiệp giải trí thế giới, tạo nên sức mạnh mềm của đất nước và lan tỏa sức mạnh ấy sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự đồng thuận, đầu tư lâu dài và hạ tầng vững chắc. Mặc dù Việt Nam đã có chủ trương và chiến lược cho việc phát triển công nghiệp văn hóa từ năm 2016, nhưng vẫn còn một số rào cản và thách thức cần vượt qua để đạt được thành quả như Hàn Quốc hay các quốc gia đã thành công trong lĩnh vực này. Đó là nhận thức chưa đúng đắn và đầy đủ, nhất là ở một bộ phận đội ngũ cán bộ lãnh đạo về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều này khiến cho việc ưu tiên về cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gặp nhiều khó khăn. Chúng ta chưa có ưu đãi cụ thể về thuế, đất đai, quản lý, sử dụng tài sản sản công... cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Tức là môi trường hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa chưa thực sự thuận lợi.
Chúng ta cũng thiếu nhiều thứ để có hạ tầng văn hóa đầy đủ, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng. Cần có hệ thống giáo dục và đào tạo các lĩnh vực văn hóa, điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật và sáng tác. Bên cạnh đó, cần đầu tư và có chế độ đãi ngộ đội ngũ nghệ sĩ, người làm quản lý văn hóa, nghệ thuật, để thúc đẩy sáng tạo và sản xuất nội dung đa dạng và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả trong nước và dần hướng ra thị trường khu vực, quốc tế.
- Xin cảm ơn ông!