Cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh, chứng tỏ một lần nữa tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân ta, nhất là khi đường lối cứu nước phù hợp với ước vọng sâu xa của họ về dân tộc và dân chủ. Việc lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, thành lập ra chính quyền Xô viết công nông ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đã khẳng định dứt khoát vai trò của Đảng trong việc đề ra đường lối chiến lược, sách lược phù hợp và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Lần đầu tiên công - nông Việt Nam đoàn kết với nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào năng lực của mình…

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi sau này”.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý, phong trào cách mạng 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh cho thấy, lần đầu tiên trong lịch sử, bạo lực chính trị của quần chúng đã tấn công dồn dập, làm tan rã từng mảng lớn chính quyền thực dân, phong kiến, lập nên chính quyền cách mạng của nhân dân. Mặc dầu còn tính chất sơ khai, nhưng chính quyền Xô viết đã kịp thực hiện nhiều cải biến cách mạng, đem lại nhiều quyền lợi thiết thân về kinh tế, chính trị, văn hóa cho người lao động, đặc biệt là hình ảnh tốt đẹp về một chính quyền, một xã hội mới tự do, dân chủ. Đó chính là cơ sở vững chắc của niềm tin son sắt mà quần chúng nhân dân gửi vào Đảng, vào cách mạng.
Thực tiễn của cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đã để lại những bài học sâu sắc. Trong đó, như Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhận định, đó là bài học về xây dựng khối liên minh công nông vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng có đủ khả năng lật đổ sự thống trị của chủ nghĩa thực dân phong kiến, xây dựng chế độ xã hội mới, dân chủ, công bằng, tiến bộ hơn; bài học về xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất trong đấu tranh cách mạng, tổ chức áp dụng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng, giành và giữ chính quyền; bài học về xây dựng Đảng vô sản kiểu mới của giai cấp công nhân, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Và bài học lớn bao trùm là sự khẳng định dứt khoát vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng tiền phong đối với cách mạng Việt Nam.
“Phát huy bài học từ cao trào Xô viết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An luôn coi trọng việc nâng cao tầm nhận thức về giác ngộ yêu nước trong quá khứ lên tầm giác ngộ cách mạng trong thời đại mới; từ khát vọng độc lập dân tộc đến khát vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội; từ ý chí thoát khỏi ách gông cùm nô lệ đến ý chí thoát khỏi nghèo nàn, chậm phát triển, tiến tới xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, văn minh. Vận dụng sáng tạo các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng; cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là những chủ trương trong Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An để tập trung khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh” - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh.
Đem lại những điều tốt đẹp nhất cho người dân
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cũng nêu ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh, từ công tác tư tưởng, xây dựng liên minh công nông, đến phương pháp giành chính quyền và giữ chính quyền bằng bạo lực cách mạng, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Theo đó, cao trào cách mạng dâng cao đã dẫn đến việc thành lập 170 làng Xô viết, thực hiện chính quyền công nông kiểu Xô viết. Từng chi bộ Đảng, từng làng, xã đã tự động đứng ra giải quyết mọi công việc với tư cách một chính quyền cách mạng. Lần đầu tiên, nhân dân ta thật sự nắm chính quyền cách mạng địa phương.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy, Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng lãnh đạo các Xô viết hoạt động theo phương hướng thống nhất, tập trung vào chỉ đạo các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Về chính trị, các Xô viết đã dũng cảm phá bỏ bộ máy chính quyền của đế quốc phong kiến, tự gánh vác công việc quản lý xã hội mới. Về kinh tế, các Xô viết đã bãi bỏ các thứ thuế vô lý do đế quốc, phong kiến đặt ra, tịch thu các loại đất công, lúa công, tiền công chia cho nhân dân; qua đó, xóa bỏ bóc lột và bất công ở Hà Tĩnh. Các Xô viết còn tổ chức nhân dân làm kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp và lập các tổ đội công giúp nhau sản xuất. Về văn hóa - xã hội, các Xô viết tổ chức cho nhân dân học văn hóa, mở mang dân trí, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, nghiêm cấm tệ nạn nghiện rượu, thuốc phiện, đánh bạc, trộm cắp; xây dựng nếp sống mới ở nông thôn...
Đó là những thành tựu không thể phủ nhận dưới chính quyền Xô viết. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng khẳng định: “Mặc dầu chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn nhưng người dân Hà Tĩnh đã mãi mãi khắc sâu vào tâm khảm hình ảnh một chính quyền Xô viết cách mạng đã đem lại cho họ tất cả những điều tốt đẹp nhất lúc bấy giờ”.