Nhiều bài học quý cho quản lý, điều hành

- Thứ Sáu, 06/11/2020, 07:10 - Chia sẻ
Trong ngày thảo luận cuối cùng về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã tập trung phân tích những bài học kinh nghiệm từ quá trình phòng, chống đại dịch Covid - 19, bão lũ trong năm 2020, cũng như trong giai đoạn 2016 - 2020. Nhìn lại những bài học kinh nghiệm, cách làm hay, thẳng thắn chỉ ra hạn chế, tồn tại, các đại biểu đã gợi mở những vấn đề phải lưu ý, nhiệm vụ cần thực hiện cho năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025.

Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc

Trước khi xảy ra đại dịch Covid - 19, nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016 - 2020, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới, với những bước tiến vượt bậc. Trong 4 năm liên tiếp, từ năm 2016 - 2019, nước ta cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước. Đặc biệt, với sự ổn định khá vững chắc của kinh tế vĩ mô, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nhận định, điều này đã tạo ra dư địa rất tốt cho nợ công, qua đó có cơ sở để tăng đầu tư và tạo điều kiện tăng trưởng bền vững hơn trong giai đoạn sau.

Nhưng khi xảy ra đại dịch Covid - 19, như tính toán của đại biểu Trần Hoàng Ngân, đã tác động mạnh đến tổng sản phẩm quốc dân và thu ngân sách của nước ta. Bên cạnh những thiệt hại do dịch bệnh xảy ra, mưa bão, lũ lụt ở dải đất miền Trung trong những ngày vừa qua cũng sẽ làm tăng khó khăn cho năm 2020.

Chia sẻ mối lo toan này, song nhiều đại biểu Quốc hội cũng vui mừng nhận thấy, nước ta đã vượt qua thành công giai đoạn khó khăn chưa từng thấy trong năm 2020, khi vừa thực hiện hiệu quả phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. “Trong bối cảnh cần thực hiện mục tiêu kép, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 trong ASEAN. Nhân dân được thụ hưởng kết quả rõ nét của phát triển kinh tế - xã hội. Niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao”, ĐBQH Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) khẳng định.

Đánh giá về những kết quả đạt được trong năm 2020, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng có 3 bài học có giá trị nên được tổng kết. Trước hết, đó là bài học về đồng thuận của Nhân dân, thể hiện rõ nhất khi đại dịch Covid-19 bùng nổ và chúng ta đã phản ứng kịp thời, Nhân dân cả nước rất ủng hộ và tuân thủ. Ngay cả khi chuyển trạng thái sang cách ly xã hội, sau này điều chỉnh thành giãn cách xã hội thì người dân cũng đồng thuận và chấp hành. Thứ hai là tinh thần dân tộc qua đợt bão lũ vừa qua khi hàng ngàn đoàn xe cứu trợ từ Bắc chí Nam hướng về miền Trung ruột thịt. Đó là tinh thần dân tộc vô cùng quý giá mà khi có thiên tai, địch họa, chúng ta mới phát huy và nhận rõ hơn. Thứ ba là sự phản ứng kịp thời của cả hệ thống chính trị. Khi Covid-19 vừa mới bùng nổ không lâu, thì Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đã ra lời kêu gọi; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tính đến các gói hỗ trợ; và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 với những yêu cầu, nhiệm vụ nhằm phòng, chống dịch bệnh một cách hiệu quả nhất... Đây là những bài học “rất quý giá” và cần được đánh giá sâu sắc trong công tác quản lý, điều hành đất nước.

Phát huy giá trị của con người Việt Nam

Ghi nhận những kết quả, thành tựu đạt được trong bối cảnh khó khăn, tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Tất Thắng, nguồn lực con người - nguồn lực quý giá nhất của đất nước và là một trong 3 đột phá chiến lược chưa được chăm chút đúng mức và phát huy hết vai trò để thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước. Vì thế, trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo cần chú trọng để phát huy mạnh mẽ hơn giá trị văn hóa con người Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội. “Cần khẩn trương nghiên cứu, xác định một hệ tiêu chí chuẩn xác, xây dựng chuẩn mực văn hóa con người Việt Nam. Triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống việc chuyển giáo dục sang tiếp cận năng lực nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực, củng cố niềm tin của xã hội, của cử tri vào đổi mới giáo dục”, đại biểu Phạm Tất Thắng đề nghị.

Và, không chỉ dừng lại ở mục tiêu chung chung, đại biểu đề nghị, cần xác định phải khắc phục cơ bản những hạn chế trong giáo dục, phấn đấu đến năm 2025, bảo đảm chất lượng giáo dục trong toàn hệ thống. Đặc biệt, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học cần có chuyển biến tích cực theo hướng phát triển con người đổi mới sáng tạo, đóng góp có hiệu quả vào việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao ở mọi lĩnh vực để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước theo các mục tiêu phát triển bền vững.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, cần chủ động tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, trong đó có chính sách, lộ trình đào tạo, bố trí, sắp xếp, thu hút nguồn nhân lực trong các cơ quan quản lý nhà nước đơn vị sự nghiệp một cách có hiệu quả và đúng hướng. Đồng thời, cần có sự tính toán, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đến các ngành, lĩnh vực để qua đó người học đăng ký vào các ngành, thị trường cần đáp ứng nhu cầu xã hội nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

“Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ chuẩn bị xây dựng một chiến lược về thu hút, trọng dụng nhân tài”. Đánh giá cao nỗ lực này của Chính phủ, đại biểu Lê Thanh Vân cũng đề nghị, cần tập trung nguồn lực nhân tài cho 5 lĩnh vực ưu tiên, cụ thể là cho nhân tài, cho lãnh đạo quản lý quốc gia; cho làm giàu trên mọi phương diện; thu hút nhân tài cho khoa học công nghệ; cho quản trị giáo dục và cho văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, khẩn trương ban hành một bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu. Trong đó có những tiêu chí cần được chú ý, đó là khả năng khởi xướng chính sách, khả năng đề ra chủ trương đặc biệt và giải pháp, khả năng trọng dụng nhân tài, lôi cuốn bộ máy, thuyết phục được quần chúng đi theo.

Bên cạnh tập trung cho nguồn nhân lực trong năm 2021, giai đoạn 2021 - 2025, một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu để ban hành hệ thống chính sách ưu đãi mở đường cho một số doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao để có những sản phẩm khoa học công nghệ có tính "kích nổ" cho toàn bộ hệ thống doanh nghiệp. Lý do bởi, bài học kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy, chỉ công nghệ mới giúp thay đổi diện mạo của đất nước. Đặc biệt, từ kinh nghiệm của các nước đã cất cánh trở thành “con rồng châu Á”, đại biểu cho rằng, để có một giai đoạn tăng trưởng rất cao, có thể đạt 10%/năm, qua đó đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao như mục tiêu và khát vọng nêu trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, thì phải dựa vào đầu tư đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và trụ cột là phát triển các tập đoàn lớn, đặt trụ cột trong chuỗi giá trị cung ứng.

Qua ba ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đã bao quát toàn diện các lĩnh vực, nêu ra nhiều nhiệm vụ cần được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm triển khai trong thời điểm hiện nay, cũng như trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Đã có 112 ý kiến đại biểu phát biểu, cùng nhiều ý kiến tranh luận và phát biểu lần hai. Những nội dung sát sườn với đời sống người dân được các đại biểu phản ánh, tranh luận với Bộ trưởng, nhằm đi tới cùng vấn đề. Đó là vấn đề về phát triển thủy điện và công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ. Đó là nội dung thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, những sai sót trong biên soạn một số bộ sách giáo khoa lớp Một, đang gây bức xúc dư luận. Đó là làm thế nào để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, để hỗ trợ, đưa kinh tế Việt Nam sớm phục hồi, phát triển trong bối cảnh đại dịch Covid-19...

Và, âm hưởng chủ đạo của những ý kiến, phát biểu tâm huyết, trách nhiệm và mang tính xây dựng của các đại biểu đều hướng đến mục tiêu chung, thể hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” và “đổi mới sáng tạo” - một trong những điểm nhấn trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, phản ánh nhận thức mới của Đảng về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới.  

Thanh Hải