Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ
Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và Quyết định số 885/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030.
Đồng Nai là một tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 270.000ha, với cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng. Để thực hiện phát triển nông nghiệp hữu cơ, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 14.7.2023 quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2327/QĐ-UBND ngày 28.9.2023 về phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Việc triển khai ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Nai đã xác định từ những nhiệm kỳ trước gắn với xác định những cây trồng, vật nuôi có lợi thế và chủ lực để tập trung vào chỉ đạo. Trong quá trình tập trung thực hiện, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó có những chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã, cho nông dân ứng dụng mô hình này vào sản xuất. Đặc biệt, nguồn vốn hỗ trợ có thể kể đến từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã (150 tỷ đồng), Quỹ Hỗ trợ nông dân (170 tỷ đồng)... Các nguồn quỹ này ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh cũng rất quan tâm xây dựng các chính sách hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình sản xuất hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu nông sản.
Ngoài ra, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư trong xác định diện tích đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ; chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và nước ngoài; vật tư về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; truy xuất nguồn gốc và quảng cáo sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Các chính sách cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất.
Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã bố trí từ ngân sách gần 19,5 tỷ đồng để phân tích mẫu đất, mẫu nước làm cơ sở quản lý, bảo vệ và định hướng người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, cải tạo tăng độ phì cho đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Sản phẩm hữu cơ đa dạng với diện tích hàng trăm hecta
Đến nay, Đồng Nai đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Nhiều mô hình sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu xây dựng được chuỗi liên kết, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ hướng đến sự phát triển bền vững. Tỉnh tiếp tục mở rộng hợp tác, ứng dụng công nghệ hiện đại của thế giới trong phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 31.12.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Kết quả sau 3 năm triển khai, toàn tỉnh đã phát triển được 9 mô hình đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích 28,7ha. Sản phẩm nông sản hữu cơ ngày càng đa dạng gồm hồ tiêu, sầu riêng, bưởi, dưa hấu, ổi, đu đủ, ớt, rau các loại... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 17,8ha hồ tiêu, 3ha rau đang trong giai đoạn chuyển đổi để chứng nhận hữu cơ.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 107 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với tổng diện tích trên 855,5ha. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với quy mô gần 1,6 ngàn hecta, vượt gấp 5 lần so với mục tiêu đề ra đến năm 2025 là có từ 2 - 3 vùng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh cho biết, những vùng sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ được quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện... Trong những vùng sản xuất này, người dân đã hạn chế tối đa việc sử dụng hóa học trong canh tác, thay vào đó ứng dụng lợi khuẩn Probiotic (IMO) và nấm men rượu (MEVI) để xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo nguồn hữu cơ phục vụ sản xuất. Từ đó mang lại những nông sản sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.