Nhiệm vụ của đại biểu HĐND rất lớn

- Thứ Năm, 08/08/2013, 08:43 - Chia sẻ
Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định cho đại biểu HĐND chức năng, nhiệm vụ rất lớn, nhưng trong thực tiễn có nhiều đại biểu chưa thực hiện được đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình. Những hạn chế của đại biểu HĐND các cấp do nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là chất lượng đại biểu. Qua các kỳ họp HĐND các cấp, có thể nhận thấy một bộ phận đại biểu sau khi được lựa chọn và cơ cấu vào HĐND không phát huy được vị trí, vai trò của người đại biểu dân cử theo kỳ vọng của cử tri. Để đại biểu HĐND thực sự xứng đáng với vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cần thực hiện những giải pháp sau:

Một là: sớm sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp năm 2003. Luật Bầu cử đại biểu HĐND các cấp cần quy định giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu sao cho hợp lý. Nên coi trọng chất lượng đại biểu, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách (Trưởng, Phó các ban HĐND cấp tỉnh, huyện); thay chức danh Ủy viên Thường trực thành chức danh Phó chủ tịch HĐND; giảm các đại biểu thuộc cơ quan chuyên môn của UBND (cấp tỉnh và cấp huyện) cùng cấp, tăng cơ cấu đại biểu là thành viên MTTQ và các tổ chức đoàn thể; tăng tỷ lệ đại biểu tái cử. Đối với UBND cấp huyện nên thành lập 3 ban như HĐND cấp tỉnh. HĐND cấp xã nên có 2 ban HĐND (Kinh tế - Xã hội, Pháp chế) để giúp HĐND thực hiện chức năng giám sát và thẩm tra các nội dung báo cáo do UBND cùng cấp trình. Mặt khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có quy định cụ thể về việc đại biểu HĐND khi nghỉ hưu theo chế độ mà nhiệm kỳ đại biểu chưa kết thúc có còn làm nhiệm vụ đại biểu không; khi chuyển công tác từ thành phố lên tỉnh (cơ quan cấp tỉnh đặt tại thành phố), đại biểu HĐND cấp thành phố có thôi làm nhiệm vụ đại biểu không?

Hai là: thường xuyên chú trọng công tác tập huấn bồi dưỡng nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu dân cử như: công tác thẩm tra, giám sát, TXCT, kỹ năng xem xét ban hành các văn bản QPPL. Tăng cường tổ chức các hội thảo trao đổi kinh nghiệm hoạt động của đại biểu, cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết giúp đại biểu thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã quy định.

Ba là: quy định rõ đại biểu HĐND kiêm nhiệm phải dành bao nhiêu thời gian cho hoạt động của người đại biểu; ban hành quy chế đánh giá, nhận xét đại biểu hàng năm gắn với lấy phiếu tín nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Đồng thời, phải có chế tài xử lý đối với đại biểu hoạt động kém hiệu quả.

Bốn là: hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, bảo đảm các điều kiện như kinh phí, trang thiết bị cần thiết giúp đại biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có chính sách ưu đãi đặc thù với đại biểu hoạt động chuyên trách.

Năm là: xây dựng bộ máy văn phòng giúp việc thực sự khoa học, chuyên sâu, tương thích với tổ chức của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã nhằm phát huy được khả năng tham mưu, tổng hợp phục vụ có hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Đồng thời phải có cơ chế, chính sách đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm đối với cán bộ phục vụ HĐND các cấp có năng lực, trình độ.

Để hoạt động HĐND các cấp ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn, bảo đảm được tính thực quyền cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp, đặc biệt là trong việc bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ làm công tác HĐND; có cơ chế bảo đảm để nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc tham gia thực hiện chức năng quyết định và giám sát của HĐND các cấp, nhằm xây dựng chính quyền địa phương ngày càng vững mạnh.

Nguyễn Xuân Sơn
Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc