Nhiệm kỳ khó khăn

- Thứ Sáu, 07/06/2019, 07:58 - Chia sẻ
Ông Prayuth Chan-Ocha vừa được Quốc hội Thái Lan chọn làm Thủ tướng của Chính phủ dân sự ra đời từ cuộc bầu cử tháng 3. Như vậy, người đứng đầu chính quyền quân sự Thái Lan suốt 5 năm qua sẽ tiếp tục giữ ghế để tiếp tục các kế hoạch đầy khó khăn đang dang dở.

Kết quả không bất ngờ

Sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc kéo dài hơn 12 giờ, đương kim Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã nhận được 500 phiếu ủng hộ, giành chiến thắng trước đối thủ Thanathorn Juangroongruangkit của đảng Tương lai tiến bước với chỉ 244 phiếu. Đảng này nằm trong liên minh đối lập do Pheu Thai (Vì nước Thái) lãnh đạo. Mặc dù Pheu Thái có số ghế nhiều nhất sau bầu cử nhưng họ đã không chỉ định ứng cử viên trong đảng để tranh ghế Thủ tướng mà dồn hết ủng hộ cho ông Thanathorn, người được cho là có khả năng đối đầu nhất với đối thủ Prayut. Theo quy định, ứng viên phải giành ít nhất 376 phiếu để trở thành Thủ tướng và lập Chính phủ liên minh. Như vậy với kết quả trên, ông Prayut sẽ tiếp tục tại nhiệm 5 năm tới sau khi được Quốc vương Maha Vajiralongkorn chính thức phê chuẩn. Đồng thời, liên minh do đảng Palang Pracharath lãnh đạo sẽ thành lập chính phủ dân sự thay thế chính quyền quân sự sau 5 năm kể từ cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Thủ tướng Yingluck năm 2014. Dự kiến, ông Prayuth sẽ thực hiện việc đó vào cuối tháng này.

Theo giới quan sát, kết quả trên không có gì bất ngờ, bởi trong số 750 phiếu của các nghị sĩ thuộc 2 viện của Quốc hội, 250 phiếu của các Thượng nghị sĩ đều do Hội đồng Hòa bình và trật tự quốc gia, là cơ quan do ông Prayuth làm Chủ tịch, bầu ra. Chính nhờ sự hậu thuẫn của Thượng viện do quân đội bầu ra, nên dù chỉ đứng đầu liên minh nắm đa số mong manh gồm 19 đảng nhỏ trong Hạ viện 500 ghế của Thái Lan, ông Prayuth vẫn chiến thắng chung cuộc. Nó cho thấy, quân đội Thái Lan dù không còn trực tiếp cầm quyền vẫn sẽ có ảnh hưởng lớn trong chính quyền mới. Sự trở lại của ông Prayuth trong nhiệm kỳ Thủ tướng nữa cũng được đánh giá là một thắng lợi của giới tinh hoa thân hoàng tộc ở Bangkok. Đây là lực lượng đã thông qua Tòa án hoặc quân đội để ngăn cản cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và đồng minh của ông này quay lại nắm quyền trong hơn thập kỷ qua. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 3, đảng Pheu Thái, đồng minh thân hữu của ông Thaksin đã không thể thuyết phục được đủ các đảng nhỏ hơn lập một liên minh đa số.

Nhiệm vụ không dễ dàng

Tái cử đồng nghĩa với việc Thủ tướng Prayuth sẽ phải tiếp tục nhiệm vụ khó khăn. Theo nhận định của Giáo sư chính trị Prajak Kongkirati thuộc Đại học Thammasat ở Bangkok, một Chính phủ gồm quá nhiều đảng có thể gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành đất nước. Bởi họ sẽ phải tập trung vào sự sinh tồn chính trị của mình, thay vì vạch ra một tầm nhìn dài hạn. Trong kỷ nguyên mới, nhiều đảng có thể tìm cách thúc đẩy lợi ích của mình và gây ra viễn cảnh bế tắc trong Quốc hội. Kịch bản tồi tệ nhất là cơ quan lập pháp sẽ bị giải tán sớm để tổ chức cuộc bầu cử mới. Khó khăn thứ hai có thể đến theo như cảnh báo của đối thủ Thanathorn về nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình đường phố. Ông này đã tuyên bố ngay sau cuộc bỏ phiếu rằng “đây mới chỉ là sự khởi đầu, một trận đấu trong cuộc chiến vì dân chủ”.

Tiếp đến là vấn đề kinh tế, mối quan tâm nhiều nhất của người dân xứ chùa Vàng trong bất kỳ chế độ cầm quyền nào. Vốn là trung tâm chế biến - chế tạo từ thập niên 1980, sức cạnh tranh của Thái Lan đã bị xói mòn suốt một thập kỷ qua bởi các cuộc đảo chính và bạo lực chính trị liên miên. Quý I năm nay, nền kinh tế lớn thứ nhì Đông Nam Á tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2014. Hiện nay, Thái Lan chịu nhiều tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vốn là hai đối tác hàng đầu của nước này, khiến hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề. Tháng trước, Ủy ban Phát triển kinh tế và xã hội Quốc gia Thái Lan đã phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay xuống 3,6% so với mức dự báo trước đó là 4%. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm hẳn một nửa, từ 4,4% xuống 2,2%.

Như vậy, tân Thủ tướng sẽ phải tìm cách khôi phục kinh tế thông qua các biện pháp kích thích tăng trưởng nội địa để bù đắp lĩnh vực xuất khẩu đang sa sút. Một nhiệm vụ quan trọng khác là Chính phủ mới sẽ phải bảo đảm ngân sách năm tài khóa 2020 trị giá 3.200 tỷ baht sẽ được thông qua tại Quốc hội, vì đây sẽ là chìa khóa kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dự luật ngân sách trên do Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự xây dựng, có thể không nhận được sự đồng thuận từ các đảng trong liên minh vốn không tham gia soạn thảo. Dự luật ban đầu dự kiến sẽ được đệ trình vào tháng 6 này, nhưng đang đứng trước nguy cơ bị trì hoãn do tình hình chia rẽ hiện nay. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, một thách thức khác đe dọa phát triển kinh tế bền vững còn nằm ở  tình trạng dân số già. Ngân hàng Trung ương Thái Lan trích số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho biết, đất nước chùa Vàng sẽ là quốc gia đang phát triển đầu tiên trở thành “quốc gia có dân số già” vào năm 2022. Khi đó, ít nhất 14% dân số nước này sẽ từ 65 tuổi trở lên.

Ngọc Minh