Nhạy cảm và sắc sảo để nâng chất lượng giám sát

Phạm Dân 14/11/2009 00:00

Ban Pháp chế của HĐND có quyền giám sát việc tuân thủ pháp luật và nghị quyết của HĐND ở địa phương, giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp… Tuy nhiên hoạt động giám sát của Ban pháp chế HĐND cấp huyện đối với tình hình vi phạm pháp luật và hoạt động tư pháp ở một số địa phương còn phiến diện.

Theo quy định, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… được thực hiện bởi một hệ thống các cơ quan tố tụng tương ứng: cơ quan Công an chịu trách nhiệm chính trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; điều tra, trấn áp các loại tội phạm phát sinh trên địa bàn; Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp; Tòa án nhân dân có nhiệm vụ xét xử các vụ án hình sự do công an điều tra và VKS đã truy tố; thụ lý, giải quyết các vụ kiện dân sự, hành chính, kinh tế, lao động. Cơ quan Thi hành án chịu trách nhiệm tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật… Ngoài chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, Luật còn giao cho các cơ quan tư pháp trách nhiệm phối hợp trong công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm; tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và  công tác phòng ngừa xã hội; một số hội, đoàn thể có trách nhiệm tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội thông qua các quy chế phối hợp liên ngành, nhất là đối với ngành Công an. Thế nhưng, giám sát lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, khi phạm pháp hình sự trên địa bàn gia tăng, Ban Pháp chế thường quy toàn bộ trách nhiệm cho ngành Công an; trách nhiệm của các hội, đoàn thể trong công tác phối hợp thường bị lãng quên.

Quá trình giám sát, Ban Pháp chế HĐND huyện chưa nhìn nhận, đánh giá thỏa đáng hoạt động của một số ngành trong khối các cơ quan tư pháp, nhất là xác định trách nhiệm khi có những hạn chế, yếu kém tồn tại. Điều dễ nhận thấy nhất trong các báo cáo thẩm tra là: phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông gia tăng thì thường quy trách nhiệm cho ngành Công an; án hình sự, dân sự để quá hạn luật định hoặc bị cấp trên cải sửa hay hủy án, trách nhiệm thuộc về Tòa án; nhiều bản án, quyết định dân sự tồn đọng, không thi hành được; giá trị thi hành đạt thấp… lỗi  thuộc cơ quan thi hành án. Thực tế, trong chuỗi hoạt động tố tụng có cơ quan làm nhiệm vụ giám sát, nhưng trách nhiệm của VKSND trước cơ quan dân cử ít thấy Ban Pháp chế và các đại biểu HĐND đề cập. Trong một vài kỳ họp gần đây, một số đại biểu tỏ ý băn khoăn về vấn đề này, Ban Pháp chế cũng đã có sự quan tâm, song  ở mức độ nhất định. Khi nói đến những hạn chế của các ngành nội chính, báo cáo thẩm tra của Ban thường vụ cho rằng: “trong đó có một phần trách nhiệm của VKS”. Tuy nhiên, trách nhiệm ở chỗ nào, đến đâu... thì bỏ ngỏ.

Vì không xác định rõ trách nhiệm của VKS trước những tồn tại trong lĩnh vực thực thi pháp luật, nên trong báo cáo trình HĐND, ngành này thường chỉ đề cập các số liệu về số vụ án đã khởi tố, về án hình sự chưa xét xử, số vụ chưa thi hành án, hoặc tổng giá trị còn phải thi hành… Thực chất những con số này đã có đầy đủ trong báo cáo của Công an, Tòa án và Thi hành án. Cũng do không được định hướng khi xây dựng báo cáo, nên những hoạt động của VKS (theo chức năng, nhiệm vụ) được thể hiện trong báo cáo khá mờ nhạt. Chính vì vậy, Ban Pháp chế cũng như đại biểu HĐND không thể đánh giá được kết quả hoạt động của ngành. Điều đó cho thấy, ban HĐND và các đại biểu chưa có sự nhạy cảm trong giám sát hoạt động của VKS.

Có những trường hợp đã đặt câu hỏi: tại sao số vụ tai nạn giao thông gia tăng trên địa bàn, nhưng số vụ đã khởi tố hình sự không nhiều, hoặc có khởi tố, điều tra, truy tố song phần lớn cho bị cáo được hưởng án treo… nhưng cũng không làm rõ được trách nhiệm của VKS khi để xảy ra tình trạng này. Để có cái nhìn toàn diện hơn, ngoài việc xác định trách nhiệm của ngành Công an và Tòa án, lẽ ra HĐND phải xem xét VKS đã có thiếu sót gì trong công tác xử lý tin báo tội phạm; có đề nghị Tòa án cho bị cáo được hưởng án treo hay không? Hoặc, nếu là đề nghị xử  phạt tù giam nhưng Tòa lại cho hưởng án treo thì VKS có thể hiện được trách nhiệm của mình trước tình hình chính trị  địa phương, kiên quyết ban hành kháng nghị phúc thẩm, yêu cầu Tòa cấp trên xét xử lại, không cho bị cáo được hưởng án treo hay chưa? Đối với những bản án, quyết định mà cơ quan thi hành án dân sự để tồn đọng quá lâu, không tổ chức thi hành, cưỡng chế… HĐND nên xem xét VKS đã làm hết trách nhiệm trong việc kiểm sát các hoạt động tư pháp hay chưa? Đã ban hành bao nhiêu bản kiến nghị Cơ quan thi hành án khắc phục vi phạm? Có chủ trì, phối hợp bàn biện pháp tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong công tác không, khi vẫn để nhiều vụ kéo dài… Những vấn đề này mới là những hoạt động kiểm sát cần được đề cập trong báo cáo của VKS, để từ đó HĐND có cái nhìn đúng hơn về trách nhiệm của một ngành, trước tình hình thực thi pháp luật ở địa phương. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, trước mỗi cuộc giám sát, Ban Pháp chế của HĐND phải có bước khảo sát, xem vấn đề gì nổi cộm trong thời điểm giám sát; định hướng để các cơ quan xây dựng báo cáo có trọng tâm. Đặc biệt, VKS phải thể hiện được thái độ, cách ứng xử pháp lý của mình trước những sự việc còn tồn tại, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan Công an, Tòa án hoặc Thi hành án.

 Đổi mới phương pháp giám sát, nhạy cảm, sắc sảo khi xem xét, đánh giá các đối tượng giám sát, Ban Pháp chế sẽ xây dựng được báo cáo thẩm tra có chất lượng, sức thuyết phục cao, giúp HĐND quyết định những chủ trương, biện pháp củng cố quốc phòng, an ninh và giám sát có hiệu quả việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức... ở địa phương.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhạy cảm và sắc sảo để nâng chất lượng giám sát
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO