Nhật ký bầu cử: Thời khắc của văn hóa yêu nước
Ngày 22.5.2011.Theo Luật Bầu cử ĐBQH, Luật Bầu cử đại biểu HĐND và các văn bản chỉ đạo của Trung ương thì ngày 22.5.2011 là ngày bầu cử ĐBQH Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật và văn bản một chút: có thể coi hôm nay là một ngày tổng tuyển cử được không nhỉ?
Tại sao không? Bởi hôm nay ghi dấu lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, mọi công dân cùng lúc có 4 lá phiếu, chọn người đại diện cho mình ở cơ quan dân cử 4 cấp, từ Trung ương tới cấp xã, phường, thị trấn.
Tại sao không? Bởi hôm nay, lần đầu tiên có một cuộc bầu cử lớn nhất về quy mô, kể từ khi nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời: hơn 62 triệu cử tri của cả nước có mặt tại hơn 91 nghìn khu vực bỏ phiếu để lựa chọn từ 827 ứng cử viên ĐBQH, bầu ra 500 ĐBQH; lựa chọn từ 5.965 ứng cử viên để bầu 3.832 đại biểu HĐND cấp tỉnh…; bầu hơn 21.000 đại biểu HĐND huyện và hơn 281.000 đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn.
ĐBND muốn gọi ngày hôm nay 22.5.2011 như cách gọi của 65 năm trước, của thời khắc mà cử tri của nước Việt Nam độc lập được hưởng: Ngày tổng tuyển cử, ngày mà công dân Việt Nam có quyền lực chính trị lập ra một thiết chế dân chủ. Khi đó, sức mạnh mỗi lá phiếu của cử tri được xem như một viên đạn chống thù trong giặc ngoài…
Ngày tổng tuyển cử của 65 năm sau, của hôm nay bắt đầu từ 7 giờ sáng, đồng loạt, trên toàn bộ dải đất hình chữ S, theo luật định.
6 giờ 30 phút, PV Thanh Tâm gọi về Tòa soạn từ khu vực bỏ phiếu số 3, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đính chính: khu vực bầu cử số 3 đã khai mạc sớm nửa giờ so với quy định; khai mạc trọng thể, ngắn gọn và nhanh chóng để dành thời gian cho cử tri bỏ phiếu. Rất đông phóng viên báo chí trong nước và quốc tế đang tác nghiệp. Có một cầu truyền hình trực tiếp chuyển hình ảnh lên sóng truyền hình quốc gia từ đây.
PV Thanh Tâm của Báo ĐBND cùng rất đông PV báo chí có mặt ở khu vực bỏ phiếu số 3 từ rất sớm và chờ đợi một chính khách cấp cao.
PV Thanh Tâm:
- Tôi và các đồng nghiệp có một chút ngạc nhiên và bất ngờ. Các PV ảnh bất ngờ hơn cả, vì họ tin rằng đến sớm, chờ và nhanh tay bấm máy người đứng đầu Đảng ta bước xuống từ xe hơi với đoàn tùy tùng và vẫy chào cử tri. Phóng viên báo chí nghĩ như vậy. Nhưng Tổng bí thư, Chủ tịch QH đi bộ từ nhà riêng tới khu vực bỏ phiếu.
Tôi, Biên tập viên tại Tòa soạn:
- Alo! Đã bắt đầu bỏ phiếu chưa, Thanh Tâm? Hãy chuyển hình ảnh Tổng bí thư, Chủ tịch QH bỏ lá phiếu đầu tiên ở khu vực bỏ phiếu số 3 về Tòa soạn sớm nhất có thể…
PV Thanh Tâm:
- Không, bỏ phiếu đầu tiên là cử tri cao niên Đỗ Văn Tiên, 87 tuổi. Và Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng là cử tri bỏ phiếu thứ hai…
Một chút bất ngờ nữa. Hôm nay, người đứng đầu Đảng ta, người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước tối cao là công dân, thực hiện quyền và nghĩa vụ của cử tri. Không là người đầu tiên bỏ phiếu, Tổng bí thư đã nhường vinh dự này cho một cử tri cao tuổi.
Không chỉ khu vực bỏ phiếu số 3, phường Nguyễn Du, Hà Nội, mà ở tất cả các điểm bỏ phiếu, thủ tục khai mạc được tiến hành gọn gàng. Trọng tâm của ngày 22.5 là sự lựa chọn, là lá phiếu của cử tri chứ không phải những nghi lễ.
8 giờ 30 phút, những con số sớm. Đường dây nóng của Ban Công tác HĐND – Báo ĐBND bắt đầu…nóng. BTV Nguyên Nhung nhận kết quả đầu tiên, khá chi tiết, qua điện thoại, từ Bà Rịa – Vũng Tàu: toàn tỉnh đã có 296.111 cử tri đã bỏ phiếu đạt 40,5%; thị xã Bà Rịa đạt tỷ lệ hơn 54%, huyện Châu Đức đạt 46%.
Từ Sơn Hòa, Phú Yên có 19/98 tổ bầu cử đạt tỷ lệ 100% cử tri đi bỏ phiếu.
Kết quả, cũng khá chi tiết, từ Cà Mau: huyện U Minh có 71.612 cử tri đi bỏ phiếu. 80% cử tri đã bỏ phiếu xong. Các xã Khánh Hội, Khánh Thuận và Thị trấn U Minh đã có 100% cử tri hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình.
Ồ, cám ơn U Minh, cám ơn Đất Mũi!
9 giờ. Thông tin dồn dập và cao trào. Sau thời khắc khai mạc chỉ 2 giờ đồng hồ, nhiều đơn vị bầu cử đã cán đích, đạt 100% cử tri đi bầu. Đó là: 3 tổ bầu cử tại xã Liên Hòa, Lập Thạch và 1 tổ bầu cử tại xã Kim Long, Tam Dương, Vĩnh Phúc. Là điểm bỏ phiếu số 3, xã Tân Phương, Thanh Thủy, Phú Thọ. Là điểm bỏ phiếu số 1, xã Xà Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái.
Lúc này, điểm nhấn là Quảng Ninh: có 37 tổ bầu cử (trong tổng số 1.440 tổ bầu cử) trong toàn tỉnh đạt 100% cử tri đi bỏ phiếu. Ở xã đảo Minh Châu, Vân Đồn, Quảng Ninh, tất cả các khu vực bỏ phiếu của lực lượng vũ trang cũng hoàn thành. Tỷ lệ thấp hơn một chút: các hòm phiếu ở huyện miền núi vùng cao Ba Chẽ đã đón nhận phiếu bầu 66% số cử tri trên địa bàn.
Hoan hô Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái!
Vẫn đang là 9 giờ. Cùng đạt tỷ lệ 70% cử tri trên địa bàn đã đi bầu cử là tỉnh Quảng Trị; huyện vùng cao Bắc Hà, Lào Cai; huyện Giồng Riềng, Kiên Giang; huyện Định Hóa, Thái Nguyên.
11 giờ, tỷ lệ cử tri đi bầu ở Lai Châu đạt 90%, có 178/813 khu vực bỏ phiếu của Lai Châu đạt 100%, toàn tỉnh đạt tỷ lệ 90%. Bám sát theo tỷ lệ của Lai Châu là Bình Định đạt 88%, trong đó có 16 xã trong tỉnh đã hoàn thành. Sóc Trăng đạt 87,39%; Đăk Nông đạt 87%; Phú Yên 82%; Quảng Ngãi 82,31%.
14 giờ, theo tin của Hội đồng Bầu cử, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt từ 80% - 97,27%. Những địa phương có tỷ lệ cao là Trà Vinh đạt 97,27%; Lai Châu đạt 96%; Sóc Trăng đạt 95,20%; Bình Định 95,88%; Đà Nẵng 94,45%; Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 93,36%; Tuyên Quang 93,15%; Phú Yên 93%; Quảng Ngãi 92,48%; Cần Thơ 92,36%; Vĩnh Long 91,69%; Cao Bằng 90%; Phú Thọ 91,1%...
16 giờ. Đây rồi, Tây Nguyên! cử tri của 8/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã hoàn thành nghĩa vụ công dân.
19 giờ, cuộc Tổng tuyển cử an toàn, đúng luật và dân chủ về đích.
Cũng như nhiều cử tri cao niên, sáng sớm nay, cử tri Đặng Phi, 85 tuổi trân trọng được mời bỏ phiếu đầu tiên ở cụm dân cư số 4, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Những người làm công tác bầu cử ở khu vực bỏ phiếu này trân trọng không chỉ bởi cụ là cha một cựu ĐBQH. Nhiều người biết, cụ yêu cầu con cháu trong nhà tự cầm lá phiếu của mình đi bầu và dứt khoát cho gọi cháu đích tôn đang ởã xa về thực hiện nghĩa vụ công dân ở địa phương.
Vâng, chính khách cấp cao đi bộ đến điểm bỏ phiếu, cử tri cao niên gọi cháu nội về bầu cử… - chuyện giản dị trong ngày bầu cử. Có thể là văn hóa yêu nước.
827 ứng cử viên, ai sẽ sẽ trở thành ĐBQH?
5.965 ứng cử viên, ai sẽ là đại biểu HĐND cấp tỉnh?…
Ai cũng biết, sinh mệnh của ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp thuộc về hơn 62 triệu cử tri.
Hôm nay, cử tri đã quyết định.
Sau 19 giờ, đêm nay, hoặc sáng sớm mai có thể đã có tin nhanh từ các cá nhân, từ các địa phương gọi về báo tin trúng cử hoặc… rơi. Lẽ thường tình. Nửa mong người mình biết, mình quen trúng cử. Lại mong người giỏi hơn, đức độ hơn được lựa chọn. Tự nhắc mình: Tổng bí thư, Chủ tịch QH mong muốn cử tri lựa chọn được người xứng đáng hơn trong những người xứng đáng để bầu. Kỳ họp mới của QH khóa tới sẽ có nhiều người lạ. Ồ, không sao, vẫn còn đó những người quen. Cả chính khách lạ và chính khách quen sẽ hợp thành một QH, HĐND các cấp như bao khóa khác. Sẽ lại cọ xát, lại chất vấn và đổi mới… Tất cả vì một nền dân chủ nhân dân đủ mạnh để quyết vận nước.
Vận nước được quyết định bởi ngày hôm nay...
Ban Thời sự - Chính trị, Ban Công tác HĐND,
các cộng tác viên của Báo ĐBND và Yên Khánh