Nhật Bản chính thức xem xét sử dụng quyền phòng vệ tập thể

Huỳnh Vũ 19/05/2014 08:39

Tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xem xét, dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng quyền phòng vệ tập thể là chuyển động mạnh mẽ trong chính sách quốc phòng của Tokyo. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng khi gắn với các diễn biến biển đảo mới đây tại biển Đông và Hoa Đông, nơi nhiều nước có tuyên bố quan ngại về tham vọng bành trướng và thay đổi hiện trạng của Trung Quốc.

Dỡ bỏ lệnh cấm đồng nghĩa với việc Nhật Bản có thể thực hiện quyền bảo vệ đồng minh nếu nước này hứng chịu một cuộc tấn công vũ trang và ngay cả khi bản thân Nhật Bản không bị tấn công. Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 15.5 tại Tokyo, Thủ tướng Abe cho rằng với cách giải thích Hiến pháp hiện nay, Nhật Bản không thể bảo vệ được công dân của mình. Thủ tướng Abe nêu ví dụ về việc tàu của hải quân Mỹ đang chở công dân Nhật Bản thoát ra khỏi vùng xung đột thì bị tấn công. Theo cách giải thích hiện nay đối với Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, lực lượng phòng vệ nước này không thể sử dụng vũ khí trừ khi bị tấn công. Do đó, Nhật Bản không thể huy động lực lượng phòng vệ để bảo vệ tàu Mỹ, cho dù chiếc tàu này đang chở công dân Nhật Bản.

Quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong một lễ kỷ niệm diễn ra vào năm 2013
Quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong một lễ kỷ niệm diễn ra vào năm 2013
Đề xuất trên là kết quả nghiên cứu và phân tích của một ủy ban gồm các thành viên do đích thân Thủ tướng Abe lựa chọn và do ông Shunji Yanai, cựu Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, giữ chức Chủ tịch. Ủy ban đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp nhằm dỡ bỏ lệnh cấm lâu nay đối với quyền phòng vệ tập thể trong bối cảnh môi trường an ninh ở châu Á đang thay đổi và giới hạn phạm vi sử dụng quyền này bằng việc thiết lập 6 điều kiện bảo đảm sự kiểm soát dân sự. Tuy nội dung chi tiết kiến nghị chưa được công bố, song giới phân tích tại chỗ dẫn các nguồn thạo tin cho biết các điều kiện thực thi quyền phòng vệ tập thể này bao gồm: an ninh của Nhật Bản vấp phải mối đe dọa lớn; các quốc gia có quan hệ mật thiết với Nhật Bản bị tấn công; các đồng minh của Nhật Bản đề nghị giúp đỡ; các nước thứ ba đồng ý cho lực lượng quân sự của Nhật đi qua lãnh thổ của họ; Thủ tướng - về nguyên tắc - phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội để thực thi phòng thủ tập thể; và cuối cùng, Thủ tướng sẽ ra quyết định đầy đủ về tính hữu hiệu của hành động.

Nhật Bản lâu nay vẫn cho rằng Tokyo có quyền phòng vệ tập thể theo luật pháp quốc tế nhưng không thể thực thi quyền này do những hạn chế mà Điều 9 Hiến pháp đặt ra, theo đó cấm việc sử dụng vũ lực để giải quyết những tranh chấp quốc tế và chỉ cho phép sử dụng một lực lượng tối thiểu để Nhật Bản tự vệ. Việc cho phép sử dụng quyền phòng vệ tập thể là một phần trong khái niệm Chủ nghĩa hòa bình tích cực được Thủ tướng Abe nêu ra. Khái niệm này nhằm giải thích cho việc Nhật Bản muốn nới lỏng các quy định ngặt nghèo về quân sự theo Hiến pháp hiện hành để có thể đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề an ninh của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, đây là một mục tiêu không đơn giản khi Thủ tướng Abe sẽ phải thuyết phục được Quốc hội và người dân về sự cần thiết thực thi quyền này, trước hết vì lợi ích quốc gia của Nhật Bản, và sau nữa vì lợi ích của các nước là đồng minh của Tokyo mà không gây tổn hại tới các nước khác. Điều quan trọng là phải có một cách hiểu mới trong Hiến pháp, theo đó “các cuộc xung đột quốc tế” quy định trong Điều 9 cần được định nghĩa lại là tất cả các cuộc xung đột thay vì chỉ giới hạn ở những cuộc xung đột mà Nhật Bản có liên quan như cách hiểu hiện nay. Nếu định nghĩa mới được thông qua, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có thể được huy động cho các chiến dịch an ninh tập thể của Liên Hợåp Quốc và cung cấp nhiên liệu, vận tải và điều trị y tế cho các lực lượng đa quốc gia ở các vùng có chiến sự.

Chuyển động này không thể không gắn với quan hệ nhiều sóng gió của Nhật Bản với Trung Quốc liên quan tới quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư cũng như căng thẳng hiện nay trên biển Đông khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đây có thể coi là bước chuẩn bị của Nhật Bản, tăng cường khả năng phòng vệ của mình phòng trường hợp xảy ra những xung đột tranh chấp lãnh hải – lãnh thổ, cho phép SDF bảo vệ đất nước thay vì chỉ hạn chế nó trong vai trò trị an khi xảy ra tình huống được gọi là “vùng xám” an ninh mà ở đó xảy ra các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Nhật Bản cũng như các nước có quan hệ hữu hảo với Tokyo. Nói cách khác, đây là một cách Nhật Bản tỏ ý ngầm cảnh báo Trung Quốc về tham vọng bành trướng và thay đổi hiện trạng tại các biển Hoa Đông và biển Đông. Thông điệp ở đây là: là một nước lớn tại châu Á - Thái Bình dương, Tokyo có quyền và sẵn sàng can dự quân sự khi được đề nghị.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhật Bản chính thức xem xét sử dụng quyền phòng vệ tập thể
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO