Nhập nhằng mã vạch, mã số

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 09:07 - Chia sẻ
Kết quả rà soát trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành cho thấy, nhiều quy định của Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15.5.2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31.12.2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trên thực tiễn và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

 Khoản 2, Điều 19b Nghị định số 74/2018/NĐ-CP quy định, đối với tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam sử dụng mã nước ngoài theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1 (Tổ chức mã vạch quốc tế) phải được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc được chủ sở hữu của mã nước ngoài ủy quyền sử dụng. Trong trường hợp được chủ sở hữu mã nước ngoài ủy quyền sử dụng, tổ chức phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được xác nhận việc sử dụng mã nước ngoài.

Tuy nhiên, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31.12.2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 43.2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về Ghi nhãn hàng hóa không có quy định về nội dung này. Mặt khác, mã số, mã vạch chỉ có thông tin về doanh nghiệp sở hữu sản phẩm, mã sản phẩm cụ thể và quốc gia của doanh nghiệp sở hữu sản phẩm đó. Việc đưa mã số mã vạch vào Nghị định gây hiểu nhầm rằng mã số mã vạch cho biết về chất lượng sản phẩm, có tính chất như là một sự bảo đảm.

 Thực tế các nước nhập khẩu hiện nay và Tổ chức GS1 Quốc tế đều không có quy định yêu cầu hàng xuất khẩu sang nước khác phải có giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đối với việc sử dụng mã đăng ký ở nước ngoài. Thông lệ thương mại xuất nhập khẩu thế giới ngoài quy định về nhãn mang tính bắt buộc thì trong quản lý hàng hóa theo chuỗi của các chủ hàng, các công ty này trong nhiều trường hợp sẽ yêu cầu cơ sở sản xuất in thêm mã số mã vạch hoặc mã QR lên bao bì hàng hóa mà họ (chủ hàng) đặt mua. Điều này làm cho quy định phát sinh thêm thủ tục hành chính, làm gia tăng thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Cùng với những quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, một vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện kiểm tra chuyên ngành chính là hàng loạt các danh mục quy định về mã số HS đối với các danh mục hàng hóa  phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành chưa được ban hành. Trong đó có những danh mục đáng ra phải ban hành từ nhiều năm trước đây như: Danh mục pháo hoa, thuốc pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15.4.2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; Danh mục tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28.3.2008 của Chính phủ về việc quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ...

Việc chậm trễ này, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hiện đại hóa, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành song cơ quan chức năng cũng chỉ mới dừng lại “Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành mã số HS để bảo đảm cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành”.

Hiện nay, để hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp tháng 5.2020, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài Chính đã yêu cầu công chức hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải xuất trình văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài. Cơ quan hải quan không thực hiện xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến sử dụng mã số mã vạch nước ngoài gắn trên hàng hóa xuất khẩu. Trường hợp trong thông quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, điều tra các vụ án phát hiện doanh nghiệp xuất khẩu chưa có văn bản xác nhận hoặc ủy quyền sử dụng mã nước ngoài thì có văn bản thông báo cụ thể cho Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng biết để xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 74/2018/NĐ-CP; đồng thời có biện pháp đôn đốc các bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục mã số hàng hóa. 

Nguyễn Minh