Nhập khẩu chất xám bằng chính sách nhập cư
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói: “Không có nhân tài nước ngoài, chúng tôi đã không làm tốt được đến thế... Họ chính là những megabyte bổ sung cho chiếc computer Singapor”. Nhập khẩu chất xám không chỉ là câu chuyện của riêng Singapore mà của tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay khi Chính phủ các nước đồng loạt điều chỉnh chính sách nhập cư để trải thảm đỏ đón những trí thức nước ngoài.
Tại Đức, chính phủ sẵn sàng cấp “thẻ xanh” cho những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin. Thủ tục cấp “thẻ xanh” được thực hiện chỉ trong một ngày. Cục Lao động của Đức đã thành lập riêng một trang web để đưa thông tin tuyển dụng của các công ty kỹ thuật cao và hỗ trợ cấp “thẻ xanh” trên mạng. Người có “thẻ xanh” có thể mang theo vợ con hoặc bạn gái đến sống chung tại Đức.
Chính phủ Đức còn thành lập tổ chức học giả Đức để liên lạc kêu gọi những người tài của Đức đang làm việc ở nước ngoài quay về nước. Hiện nay, đã có gần 20.000 nhân tài Công nghệ thông tin từ Liên minh châu Âu và Ấn Độ đến cư trú và làm việc tại Đức.
Thẻ xanh là gì? Thẻ Thường trú ở Mỹ, hay còn được gọi là “thẻ xanh” (green card - vì nó có màu xanh lục), là loại thẻ chứng chứng minh tình trạng cư trú của một người nước ngoài tại Mỹ. Thẻ Xanh cho phép chủ thẻ được hưởng các quyền lợi nhập cư trong đó có quyền được cư trú và làm việc tại nước này. Ai cũng có thể được cấp thẻ xanh nếu đủ điều kiện nộp đơn xin thẻ xanh thông qua gia đình, lời mời làm việc hoặc người tuyển dụng, tình trạng tị nạn, hoặc một số điều khoản đặc biệt khác. Chính sách thẻ xanh của Mỹ khá ưu đãi đối với những lao động trình độ cao. Giống thẻ xanh của Mỹ, “thẻ xanh” EU (blue card - màu xanh nước biển) cũng là một loại visa làm việc thường trực, cho phép các công dân nước ngoài sống và làm việc dài hạn tại một nước của châu Âu. Lao động lành nghề sẽ được cấp thị thực một lần với thời hạn nhiều năm, tương tự như thẻ xanh ở Mỹ, để làm việc và có thể tự do qua lại các nước EU. |
Mới đây, Cộng hòa Séc cũng đã đề xuất sửa đổi Luật Cư trú của người nước ngoài nhằm đưa vào chính sách “thẻ xanh”. “thẻ xanh” sẽ được cấp với thời hạn 2 năm với khả năng được phép gia hạn. Sau 5 năm làm việc người nước ngoài sẽ được phép định cư ở Séc và có thể đưa cả gia đình vào Séc sinh sống. Điều kiện để cho những người nước ngoài được cấp “thẻ xanh” là người nước ngoài phải có bằng đại học được một trong các nước thuộc Liên minh châu u công nhận hoặc ít ra đã có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn của mình và có hợp đồng lao động với thu nhập tối thiểu cao hơn mức lương trung bình năm ở Séc 1,5 lần.
Những người được cấp “thẻ xanh” sẽ được quyền tự do đi lại trong các nước thuộc Liên minh châu Âu và trong vòng 5 năm họ có quyền được phép định cư và đồng thời có quyền chuyển đến bất cứu nước nào trong Liên minh châu Âu để làm ăn sinh sống. Có khả năng Bộ Lao động và Các vấn đề xã hội sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm ra qết định cấp “thẻ xanh”. Trong trường hợp sau khi người nước ngoài vào Séc lại thay đổi việc làm thì có thể cần có ý kiến của Bộ Nội vụ.
Tại Australia, riêng những người có trình độ y khoa sẽ được hưởng nhiều điều kiện ưu đãi như có thể xin visa ở lại Australia lâu dài, thủ tục và thời gian phê duyệt cho cư trú được rút ngắn và đơn giản
Du học sinh nước ngoài cũng là nguồn nhân lực để các công ty Đức thực hiện chiến lược săn đầu người. Luật cư trú của Đức quy định rõ: du học sinh nước ngoài nếu được tuyển dụng sẽ được ở lại Đức làm việc và du học sinh đã tốt nghiệp nhưng chưa tìm được việc làm sẽ được gia hạn ở lại Đức thêm 1 năm.
Luật cư trú của Australia đề ra nhiều quy định ưu ái đối với những người trẻ có chuyên môn cao. Thang điểm xét ưu tiên cho người nước ngoài di dân đến Australia là 110 điểm, phân cấp theo tuổi tác, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc. Về thang điểm tuổi tác, người càng trẻ càng được chấm điểm ưu tiên cao.
Luật Nhập cư mới của Canada ban hành hồi tháng 6.2002 nêu rõ việc chuyển đổi visa tạm thời cho những chuyên gia thành loại visa có thể cư trú lâu dài. Cụ thể, lao động có trình độ có trình độ kỹ thuật cao sẽ được cấp “thẻ xanh” trong vòng từ nửa năm đến 2 năm. Thủ tục rất đơn giản và nhanh chóng. Chỉ cần đơn xin cấp thẻ có dán ảnh kèm theo visa. Ba năm sau khi có “thẻ xanh”, người lao động sẽ chính thức trở thành công dân Canada.
Người lao động từ 19 - 45 tuổi xin cấp “thẻ xanh” dễ dàng hơn. Trong các điều kiện ưu tiên, ngoài trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cao là ưu điểm cực kỳ quan trọng. Một khi đã có thẻ xanh, người xin cư trú có thể mang vợ con sang Canada sinh sống mà không cần phải có nhân thân tại Canada và không cần có người bảo lãnh về kinh tế.
Các chuyên gia được ra vào Canada mà không cần sự tài trợ hoặc giới thiệu của một đơn vị tài trợ nào như trước đây. Nước này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tốt nghiệp ĐH định cư, đặc biệt sinh viên từ Mỹ sang. Thậm chí, nước này còn đưa ra chương trình “tax holiday” - tạm miễn thuế thu nhập cho sinh viên từ Mỹ di cư sang.
Đối với Mỹ, việc nhập cư không còn dựa vào yếu tố chủng tộc hay dân tộc mà xuất phát từ năng lực cá nhân và nhu cầu của Mỹ về các loại chuyên gia. Mặc dù kiểm soát chặt chẽ hơn từ sau vụ khủng bố 11.9.2001, luật này vẫn tạo cơ hội rộng mở cho nước Mỹ trở thành nơi hút nhân tài thế giới.
Đối với Singapore, họ hạn chế tuyển dụng lao động nước ngoài có kỹ năng thấp, trong khi tạo mọi điều kiện thuận lợi và ưu đãi nhằm thu hút lao động có kỹ năng cao. Những lao động tay nghề cao nếu làm việc tại Singapore sẽ được cấp giấy phép làm việc chỉ trong vài ngày và được quyền cho người thân sang sống cùng. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, nước này đã thu hút được hơn 1 triệu trí thức nước ngoài.
Trung Quốc cũng đã bước đầu áp dụng chế độ “thẻ xanh” vài năm gần đây. Theo đó, những người tài nước ngoài sẽ được mời nhập cư vĩnh viễn, xuất nhập cảnh và được tạm trú với hộ chiếu có sẵn mà không cần visa. Con cái họ được ghi tên vào các trường đại học địa phương với mức học phí rất thấp theo thỏa thuận, mà nếu như không phải người tài, một gia đình bình thường sẽ phải chi ra rất nhiều tiền. Ngoài ra, họ có thể dùng “thẻ xanh” như chứng minh nhân dân hợp pháp trong suốt thời gian ở Trung Quốc, và nó còn có giá trị hơn giấy tờ định cư hay định cư vĩnh viễn. Đối với những Hoa kiều, tấm “thẻ xanh” này sẽ giúp con cái của họ có quyền ưu tiên ghi danh vào các trường đại học.
Kiều dân trí thức - “vũ khí bí mật” của Ấn Độ Ấn Độ là quốc gia có chính sách thu hút kiều bào về nước sớm nhất, mỗi năm một thông thoáng hơn nhằm giúp Ấn kiều tham gia vào sự phát triển kinh tế đất nước, bằng nguồn tiền bạc cũng như vốn tri thức. Năm 1998, Ấn Độ phát hành trái phiếu kiến thiết Ấn Độ chỉ dành cho Ấn kiều và thu được 4,2 tỷ USD phục vụ phát triển kinh tế. Một năm sau đó, Ấn Độ ban hành quy chế “quasi-citizenship”, theo đó Ấn kiều được hưởng quyền lợi như công dân trong nước, ra vào Ấn Độ không cần thị thực, được quyền sở hữu nhà đất tại Ấn Độ và hưởng các ưu đãi đầu tư chỉ dành cho Ấn kiều. Nước này còn lập ra ủy ban cấp cao để nghiên cứu phương cách cải thiện quan hệ với cộng đồng Ấn kiều. Nước này còn lập ra Bộ các vấn đề Ấn kiều để thường xuyên xử lý những mối quan tâm của họ. Nước này còn lập ra những thành phố dành riêng cho Ấn kiều (NRI City) có cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiện đại trên khắp đất nước. Nhờ những chính sách liên tục đó, Ấn Độ đã thu hút một lực lượng trí thức đông đảo cho sự phát triển của nước này. Riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chỉ trong vài năm, từ 2001 - 2006, nước này đã hút được hơn 30.000 kỹ sư từ Mỹ về Ấn, biến nước này thành trung tâm của CNTT ở châu Á. Ấn kiều được xem là “vũ khí bí mật” của nước này trong công cuộc trỗi dậy. |
Trung Quốc với Đề cương nhân tài Đầu tháng 6 vừa qua, T.Ư Đảng Cộng sản và Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Đề cương Quy hoạch phát triển nhân tài trung và dài hạn quốc gia 2010-2020” (gọi tắt là đề cương nhân tài), cụ thể hóa Chiến lược Cường quốc nhân tài. Đề cương này nhằm biến Trung Quốc từ một “công xưởng của thế giới” trở thành một nền kinh tế tri thức. Bản kế hoạch bao gồm một mục tiêu chủ chốt là tăng nguồn lực nhân tài lên 180 triệu người vào năm 2020 với 3,8 triệu nhà khoa học và 40.000 nhà khoa học cấp cao. Để đạt được mục tiêu đó, đề cương đã nêu ra 10 chính sách quan trọng; đồng thời đã xác định 12 chương trình nhân tài trọng yếu như “Chương trình thúc đẩy nhân tài sáng tạo”, “Chương trình phát triển anh tài thanh niên”, “Chương trình đào tạo cơ sở sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng”… Đặc biệt, Trung Quốc sẽ thực thi chính sách nhân tài mở cửa hơn, ra sức thu hút nhân tài cao cấp ở nước ngoài về nước, đến Trung Quốc sáng tạo và lập nghiệp với các kế hoạch như “Kế hoạch trăm người”, “Kế hoạch thu hút nhân tài kiệt xuất từ nước ngoài”, “Kế hoạch đội sáng tạo hợp tác quốc tế”... Viện Khoa học Trung Quốc còn thường xuyên cử đoàn tuyển dụng nhân tài với quy mô lớn, đi đến các nước châu Âu và Mỹ, tuyển dụng nhân tài là các lưu học sinh ưu tú. Đây là một trong những hoạt động tuyển dụng ở nước ngoài quan trọng nhất của Viện Khoa học Trung Quốc trong thời gian qua. Vừa qua, Trung Quốc đã tổ chức thành công dự án tập hợp 10.000 nhân tài quốc tế thứ hai sau khi 10.324 nhân tài nước ngoài đến đây làm việc. Trong số hơn 10.000 nhân tài đó có 4.000 chuyên gia đến từ các nước phát triển. |