Nhập cư - nỗi ám ảnh của Canberra

- Thứ Hai, 09/09/2013, 08:27 - Chia sẻ
Liên đảng Tự do quốc gia đối lập của ông Tony Abbott đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện khóa mới ở Australia diễn ra ngày 7.9 vừa qua, nhờ cương lĩnh tranh cử được đánh giá là sát thực tế và phù hợp với ý nguyện của người dân. Chính quyền mới sẽ phải đối mặt với vấn đề người tị nạn, từng đau đầu giới chức Canberra nhiều năm gần đây.

Những vết thương vẫn tiếp tục hành hạ Sutha, một người tỵ nạn đến từ Sri Lanka. Con thuyền của anh đã trôi dạt trên Ấn Độ dương nhiều ngày trước khi bị chìm và may mắn gặp được một tàu hải quân của Australia. Nhớ lại những ngày kinh hoàng vừa qua, Sutha nói: “Trước khi tôi quyết định lên tàu rời bỏ đất nước, tôi ý thức được rằng mình sẽ không thể sống được ở Sri Lanka và chỉ còn một lựa chọn duy nhất. Nhưng vượt biển để tới Australia không phải là một chặng đường dễ dàng”. Người đàn ông 30 tuổi này đã trải qua quãng thời gian tồi tệ, bị khủng bố cả về tinh thần và thể chất. Anh đã chọn cách ra đi để cứu thoát mình bằng cách cống tiền cho người môi giới để có được tấm vé lên một con tàu tồi tàn vượt Ấn Độ dương tới quần đảo Cocos – cảng biển của Australia. Đặt chân tới đất mảnh đất hứa, Sutha đã được chăm sóc y tế, cấp visa tạm thời, phải lao động và trả 80 AUD (tương đương 72 USD) mỗi tuần cho chi phí đi lại và ăn ở tại đây. Hiện, Sutha đang tạm trú trong một ngôi nhà tạm chật ních những người nhập cư trái phép khác ở vùng ngoại ô Sydney và chờ đợi chính quyền Australia giải quyết hồ sơ xin tị nạn của mình. Các ngôi nhà tạm như vậy lúc nào cũng quá tải. Dù mỗi người có một lý do để rời bỏ đất nước nhưng họ đều có điểm chung là chọn Australia để nuôi hy vọng về một cuộc sống mới.


Người tị nạn đến Australia Nguồn: AP
Đó là với những người tị nạn, nhập cư trái phép vào Australia. Còn với nước sở tại, đây là vấn đề gây tranh cãi và chia rẽ trong chính giới và người dân. Vấn đề này đặc biệt trở nên nóng hơn bao giờ hết vào thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử vừa qua. Theo đa số người dân, người nhập cư tạo gánh nặng ngân sách liên bang do các chi phí về y tế, cư trú tạm thời… Đặc biệt, trong giai đoạn sự phục hồi của kinh tế thế giới vẫn còn khá mong manh sau bão tài chính năm 2007 - 2009 mà Australia không tránh khỏi những hệ lụy tiêu cực, các khoản chi nêu trên lấy từ tiền đóng thuế của dân là vô lý và không cần thiết.

Ngoài ra, người nhập cư còn là nguyên nhân khiến người dân bản địa bị mất việc làm do họ sẵn sàng làm việc với tiền công thấp hơn. Sự bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa ảnh hưởng tới quá trình hòa nhập xã hội của người nhập cư cũng dẫn tới không ít vấn đề xã hội tại Australia. Xét một cách khách quan và tổng thể, vào thời điểm hiện tại, người nhập cư là nhân tố không tốt đối với cuộc sống của người Australia. Vì vậy, trong cuộc bầu cử vừa qua, cả hai ứng cử viên Thủ tướng là Thủ tướng đương nhiệm Kevin Rudd và thủ lĩnh phe đối lập Abbott theo đường lối dân tộc bảo thủ đều coi vấn đề về người tị nạn là trọng tâm trong chiến lược tranh cử của mình.

Với quyền hành pháp trong tay, ông Rudd đã có những bước đi khá hiệu quả như đóng cửa các cảng biển của Australia, không tiếp nhận các tàu trái phép và buộc những tàu này tới các khu tái định cư trên đảo Manus ở Papua New Guinea hay Nauru trên Thái Bình dương. Trong khi đó, ông Abbott đã phát động chiến dịch có tên gọi “Chấm dứt các tàu nhập cư”, đề xuất cấp cho các thuyền nhân đã tới Australia thị thực tạm thời có thời hạn 3 năm và chương trình việc làm phúc lợi để bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tối thiểu nhưng không được phép đoàn tụ gia đình, kiện tụng và không có các quyền về pháp lý hay cơ hội định cư lâu dài tại Australia.

Tuy nhiên, đây chỉ là những bước đi tạm thời và thiếu tính bền vững. Về lâu dài, chính giới Canberra cần cân nhắc những giải pháp hiệu quả hơn vì bên cạnh những mặt tiêu cực, người tị nạn và người nhập cư cũng góp phần không nhỏ tạo nên một lực lượng lao động dồi dào cho nền kinh tế Australia, đặc biệt trong bối cảnh dân số các nước phát triển có xu hướng ngày càng già hóa mà Australia không phải là trường hợp ngoại lệ. Thêm vào đó, việc tiếp nhận người nhập cư trong nhiều trường hợp còn là hành động cần thiết xét ở khía cạnh nhân đạo. Xét về vị trí địa lý, bài toán về người nhập cư ở Australia chưa phải là quá bức xúc nếu so sánh với thực trạng tại các nước Italy hay Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, Australia đã tiếp nhận khoảng 13.108 người nhập cư trái phép. Tuy nhiên, con số này không thấm tháp gì so với khoảng 6.000 - 7.000 người tị nạn Syria vượt biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ mỗi ngày. Nhưng rõ ràng, đây sẽ là vấn đề tiếp tục đeo bám các chính quyền tại Australia.

Huỳnh Vũ