"Nhanh tay" đăng ký quyền sở hữu trí tuệ

- Thứ Năm, 13/01/2022, 06:33 - Chia sẻ

Từ năm 2003 với Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu đã được đặt ra. Và gần đây nhất, 3 bộ (Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Công thương) đã ký kết Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022 - 2025. Một lần nữa đã cho thấy tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực tế, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó chứa đựng những quy định về sở hữu trí tuệ, như Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... đã đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu phải tìm hiểu rõ, có những phương án chuẩn bị tốt nhất để có thể tận dụng các lợi thế mà các quy định đó mang lại. Chẳng hạn, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, dự kiến EU sẽ đồng ý bảo hộ cho 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến 31.12.2020 Việt Nam đã bảo hộ 101 chỉ dẫn địa lý, trong đó 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài và 95 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tăng nhanh, năm 2007 chỉ có 10 chỉ dẫn địa lý, đến năm 2020 số lượng chỉ dẫn địa lý đã tăng 101 (gấp 10 lần). Tính đến nay, có 49 tỉnh/thành phố đã có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trong đó 26 tỉnh/thành phố đã có từ 2 chỉ dẫn địa lý trở lên như: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Tiền Giang, Bình Thuận và Bạc Liêu. Đặc biệt có nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Yên Bái, Hà Giang, Bến Tre... có từ 5 - 7 chỉ dẫn địa lý.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hội nhập với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, để không bị mất thương hiệu và nhãn hiệu của mình, các doanh nghiệp phải chủ động rà soát và đăng ký sớm các quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt cần lưu ý bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, kiểu dáng, sáng chế, giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý. Ở khía cạnh này, có thể thấy sự đồng hành của các bộ, ngành liên quan trong việc kịp thời ban hành Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022 - 2025.

Theo kế hoạch, để hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, ở cấp độ vĩ mô Việt Nam đã có kế hoạch phối hợp hỗ trợ sẽ lựa chọn ba sản phẩm: vải thiều (Bắc Giang), xoài quả (Đồng Tháp), nhãn quả và long nhãn (Sơn La). Nhìn vào 6 nhóm nhiệm vụ đặt ra tại kế hoạch này như nghiên cứu thực trạng hoạt động hỗ trợ và khảo sát nhu cầu của các nhóm chủ thể có liên quan; đẩy mạnh tư vấn trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài gắn với sản phẩm xuất khẩu...  cho thấy, bên cạnh sự vào cuộc của các bộ, ngành là sự chủ động của doanh nghiệp, địa phương có các sản phẩm thế mạnh. 

Bởi, thống kê mới đây của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, hiện chỉ 18% doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu đúng về sở hữu trí tuệ và chỉ có 6% doanh nghiệp nhỏ và vừa có bộ phận thực thi về sở hữu trí tuệ, thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp chưa liệt kê được tài sản thuộc sở hữu trí tuệ. Chính vì thế có rất nhiều thương hiệu của Việt Nam đã bị đăng ký bảo hộ trước tại nước ngoài. Từ thực tế này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, doanh nghiệp cần đăng ký sớm (không chỉ lo việc xuất khẩu hàng hóa) đồng thời khi đăng ký rồi cần "chăm sóc" kỹ thương hiệu để không mất dần hình ảnh. 

Đình Khoa