Tại Hội thảo "Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì?" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 18.10, GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho rằng, triển vọng kinh tế của Việt Nam được nhìn nhận tích cực, cơ hội và rủi ro nhìn chung ở thế cân bằng.
Tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo dự kiến sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2024, sau khi phục hồi ở mức 16,9% (so với cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2024.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi và dự báo sẽ xoay chiều vào cuối 2024 và đầu 2025 sau khi giải quyết được tình trạng đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và Luật Đất đai có hiệu lực từ tháng 8.2024. Nhu cầu trong nước sẽ tăng lên vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện.
Cân đối tài khoản vãng lai được dự báo vẫn duy trì thặng dư, đồng thời Chính phủ đang quay lại mục tiêu cân đối ngân sách. Lạm phát dự kiến ở mức 4,5% trong năm 2024.
Một trong những rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam là tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể thấp hơn dự kiến, nhất là tăng trưởng của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, và Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo của Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng. Trong nước, kinh tế vĩ mô thiếu ổn định có thể tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Thị trường bất động sản có thể hồi phục chậm hơn dự kiến tác động xấu đến đầu tư của khu vực tư nhân.
Nếu chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục yếu đi, năng lực cho vay của các ngân hàng có thể bị suy giảm. Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ dễ bị tổn thương nhất với biến đổi khí hậu. Thiên tai do biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cũng có thể là một rủi ro tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Để vượt qua thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, doanh nghiệp số, xã hội số, chính phủ số góp phần cùng các quốc gia trên thế giới đạt mục tiêu không để nhiệt độ trái đất vượt quá 1,5 độ C vào năm 2050, theo Chủ tịch VAFIE, cần thực thi nhiều giải pháp.
Về phía Nhà nước, cần nhanh chóng xây dựng đồng bộ thể chế, luật pháp, chính sách kinh tế số, sửa đổi, bổ sung quy định đối với các ngành kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số.
Cải cách thể chế để thu hút đầu tư vào công nghệ số theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số, tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Nhà nước cần phải xây dựng hai loại thể chế, luật pháp, chính sách đối với hai loại hình doanh nghiệp. Thứ nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMes) để sửa đổi, bổ sung một số vấn đề liên quan đến chuyển sang doanh nghiệp số. Thứ hai là tập đoàn công nghệ, tập đoàn kinh tế theo hướng nhanh chóng hình thành hàng trăm tập đoàn quốc doanh, tập đoàn tư nhân, tập đoàn hỗn hợp để làm chủ thị trường trong nước, vươn ra thị trường khu vực và tiến tới ra thị trường toàn cầu.
Cải cách thủ tục hành chính để các doanh nghiệp nhất là SMEs dễ dàng tiếp cận các Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, tín dụng ưu đãi chuyển đổi số. Thành lập thêm một số Quỹ hỗ trợ chuyên ngành như công nghệ thông tin, công nghệ bán dẫn, AI, công nghệ hỗ trợ để doanh nghiệp, nhất là SMEs, startup có điều kiện ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nhân lực chất lượng, đổi mới quản trị.
Nhà nước cần có chính sách khuyến khích kết nối theo chuỗi cung ứng sản phẩm giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, giữa tập đoàn kinh tế Việt Nam với SMEs để hình thành thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.
Đồng thời khuyến khích thành lập các công ty tư vấn công nghệ, dịch vụ chuyển đổi số để hỗ trợ doanh nghiệp nhất là SMEs thực hiện chuyển sang doanh nghiệp số với chi phí hợp lý cho từng gói dịch vụ. Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho công cuộc chuyển đổi số.
Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư các cơ sở đào tạo mở các khoá bồi dưỡng chuyên gia, kỹ thuật viên, đào tạo nghề, hình thành mô hình đào tạo liên kết giữa doanh nghiệp - viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng - cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng đội ngũ chuyên ngành thương mại điện tử, an ninh mạng, công nghệ thông tin, truyền thông. Phát triển hạ tầng chuyển đổi số đáp ứng đòi hỏi trao đổi thông tin, sử dụng các công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Các cơ quan quản lý Nhà nước ở trung ương và địa phương phải được kết nối mạng diện rộng của Chính phủ và Internet băng thông rộng, đủ năng lực cung cấp các dịch vụ công, và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xây dựng chính phủ điện tử.
Về phía doanh nghiệp, GS.TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, cần chủ động chuyển đổi quản trị trong bối cảnh chuyển đổi số. Các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định rằng trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Nếu doanh nghiệp không chuyển mình bắt kịp xu hướng thì sẽ bị tụt hậu, thậm chí sẽ bị phá sản trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt
Đồng thời điều chỉnh chiến lược phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số. Cần có lộ trình cụ thể từ lập kế hoạch, triển khai theo từng giai đoạn cả về công nghệ, nhân lực cho phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nhất là SMEs, startup cần giao tiếp với các công ty công nghệ, dịch vụ để thực hiện chuyển sang doanh nghiệp số nhờ các gói hỗ trợ có chất lượng cao nhưng chi phí thấp đối với quản trị doanh nghiệp, kế toán, nộp thuế, chăm sóc khách hàng, quản lý nhân lực.
Ngoài nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và quản trị doanh nghiệp bằng công nghệ số thì chủ doanh nghiệp, chuyên viên công nghệ và chuyên viên kinh tế phải có sự quyết tâm sâu sắc, để cho cả bộ máy của doanh nghiệp vận hành tốt nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp.