Nhân văn giữa chốn điêu tàn

VƯƠNG ĐỖ 18/06/2013 08:33

Oblivion hoàn toàn có tiềm năng trở thành một kinh điển của thể loại phim khoa học viễn tưởng (sci-fi). Đó là nhờ bàn tay của đạo diễn trẻ Joseph Kosinski, người mà tài năng đã được thừa nhận qua tác phẩm đầu tay Tron: Legacy, cùng dàn diễn viên được dẫn dắt bởi gã tài tử Tom Cruise và phần nhạc phim của nhóm nhạc Pháp M83.

 

Oblivion (tên tiếng Việt: Lãng quên) mới chỉ là phim thứ hai trong sự nghiệp của đạo diễn trẻ Joseph Kosinski, song đã phần nào khắc họa rõ nét phong cách dựng và làm phim của Joseph. Xuất sắc trong sáng tạo và xử lý những công việc liên quan đến dựng hình 3D và đồ họa vi tính, Joseph Kosinski đã được chọn đứng đằng sau tác phẩm đầy tham vọng của Walt Disney trong năm 2010 là Tron: Legacy. Thành công về mặt doanh thu và được khen ngợi là một “bữa tiệc thị giác” của bộ phim đầu tay đã giúp Joseph Kosinski thừa thắng xông lên để thực hiện tiếp Lãng quên.

Trong phim, Joseph Kosinski mang người xem đến một trái đất điêu tàn của năm 2077, 60 năm sau khi những quái vật ngoài hành tinh phá hủy mặt trăng để tạo sóng thần, biến đổi khí hậu tàn phá trái đất. Trong nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng, con người phải dùng đến giải pháp vũ khí hạt nhân. Và đã chiến thắng. Cái giá phải trả không hề rẻ: toàn bộ trái đất biến thành một nơi không thể sống được. Giờ đây, tất cả đã di cư lên trạm không gian “Tet” (viết tắt của Tetrahedron, hình tứ diện – hình dạng của trạm), hòng chờ đến ngày an cư lạc nghiệp nơi Titan, mặt trăng của sao Thổ.

Tom Cruise sắm vai Jack Harper – chàng thợ máy mang mã 49, có nhiệm vụ duy nhất là hằng ngày đi bảo trì những chú “drones”, những cỗ máy chiến tranh không người lái biết bay. Nhiệm vụ của chúng là bảo vệ các trạm chiết xuất khí hydro từ nước biển - mục tiêu chính của lũ quái vật ngoài hành tinh vẫn sống sót đâu đó trên bề mặt trái đất.

 

Ở cùng Jack có Victoria, người tình kiêm sĩ quan điều phối, trực tiếp chỉ huy và ra lệnh cho anh. Câu cửa miệng của Victoria: “Another day in paradise” (Lại một ngày nữa trên thiên đàng) mỗi khi được sếp trên Tet hỏi, tạo ra hình ảnh hạnh phúc “kiểu mẫu” của chồng đi làm, vợ ở nhà làm hậu phương vững chắc cùng ngôi nhà trên mây đẹp như tranh vẽ; đạo diễn khéo léo ngụ ý những gì đang diễn ra trước mắt khán giả trong hơn nửa tiếng đầu của bộ phim là một dạng Thiên Đường, với Jack là Adam còn Eva là Victoria. Chỉ có điều, kẻ quá tò mò đến mức đạp đổ trật tự sẵn có, phá tan mọi luật lệ nhằm xơi bằng được “trái cấm” lại là chàng “Adam” Jack Harper, khi một phụ nữ lạ mặt tên Julia, người hóa ra lại là vợ của Jack cách đây hơn 60 năm, đột ngột xuất hiện đúng nghĩa “từ trên trời rơi xuống”...

Tạo ra những cảnh tượng tuyệt đẹp – ngón nghề đã trở thành thương hiệu của Joseph Kosinski trong Tron: Legacy cách đây hai năm, giờ đây được anh chuyển tải nguyên vẹn vào Lãng quên. Cái đẹp được trau chuốt xuất hiện trong mọi khuôn hình, như vẻ tàn khốc mãnh liệt của trái đất hậu tận thế, thiết kế ngôi nhà trên không với vật liệu kính, kim loại và nhựa plastic (Joseph Kosinski có bằng cao học chuyên ngành Kiến trúc của Đại học Columbia) hay cảnh Jack và Victoria đắm mình trong bể bơi giữa không trung… Như thể óc tưởng tượng và tầm nhìn của Joseph Kosinski là chưa đủ, cái đẹp trong Lãng quên còn được nâng giá trị thêm nhiều lần qua bàn tay giúp sức của nhà quay phim người Chile Claudio Miranda, mới đoạt giải Oscar 2013 hạng mục Quay phim xuất sắc nhất cho phim Life of Pi (Cuộc đời của Pi), cũng như từng nhận đề cử cho hạng mục tương tự trong The Curious Case of Benjamin Button (tạm dịch: Trường hợp kỳ lạ của Benjamin Button) trước đó hai năm.

Nhưng Lãng quên không chỉ có những cảnh quay đẹp, bộ phim còn mang đến một câu chuyện nhân văn theo môtíp cổ điển: tình yêu là bất diệt. Tình yêu sống qua mọi thử thách của thời gian. Tuy đã bị người ngoài hành tinh xóa sạch ký ức và nhân bản không biết bao nhiêu lần, Jack vẫn bị ám ảnh bởi những giấc mơ với người vợ Julia, đặc biệt là cảnh anh cầu hôn cô trên đỉnh Tòa nhà Đế chế (Empire State) cách đó 60 năm. Tuy ký ức bị xóa sạch, tiềm thức của Victoria vẫn đủ mạnh để khiến cô ganh tỵ với Julia, hệt cách cô đã từng ganh tỵ cách đó 60 năm. Và dẫu đã tìm lại được tình yêu, nhưng khi trí nhớ phục hồi, Jack vẫn quyết dẹp bỏ lợi ích của bản thân để hy sinh tất cả vì nhân loại, hệt như câu thơ trong quyển Lays of Ancient Rome của Thomas Babington Macaulay, mà anh tìm thấy trong một thư viện đổ nát: “And how can man die better. Than facing fearful odds. For the ashes of his fathers. And the temples of his Gods” (tạm dịch: Làm sao một người có thể chết. Mà không đối mặt hiểm nguy. Vì tro cốt cha ông. Vì vương quốc của Chúa)

Tom Cruise đã làm tròn vai. Ngược lại, vai Victoria của nữ diễn viên Andrea Riseborough với chất giọng Anh sang trọng đã tỏ ra xuất sắc nhất trong phim khi khắc họa thành công nhân vật mang tính cách đối lập hoàn toàn so với Jack Harper. Cứng nhắc, khô khan, nguyên tắc như một cỗ máy, song đồng thời cũng rất “người” với đủ mọi cung bậc cảm xúc của một người đàn bà, cũng như khơi gợi trọn vẹn niềm thương cảm nơi người xem trong cảnh nàng bị giết chết. Bên cạnh đó, nếu vai diễn của Morgan Freeman không có gì đặc biệt, thì Olga Kurylenko, đáng tiếc thay, lại là mắt xích yếu nhất trong toàn bộ dàn diễn viên với khuôn mặt quê mùa đến đáng ghét và vô hồn đến lố bịch.

Người xem thường có xu hướng quên mất vai trò của âm nhạc, vốn đóng góp đến một nửa thành công cho một bộ phim. Lãng quên cũng không là ngoại lệ. Kosinski quyết định mời M83 – một nhóm nhạc điện tử khác cũng từ nước Pháp – thổi hồn cho Lãng quên. Vị đạo diễn kiêm kiến trúc sư cho rằng tuy rất thành công với Tron: Legacy, song chất nhạc của Daft Punk lại “không hợp” với thế giới của Lãng quên. Và ông đã đúng. Không những Daft Punk, mà trái đất điêu tàn hậu tận thế trong Lãng quên cũng không thể phù hợp chất nhạc da diết trữ tình của Ennio Morricone, cũng như phong cách hùng tráng thái quá của John Williams… mà nó chỉ có thể dẫn dắt trọn vẹn cảm xúc của người xem qua 126 phút nhờ vào những giai điệu vừa lạ vừa quen, vừa tận tụy lại vừa chân thành của M83.

Phượng hoàng chỉ vươn dậy từ tro tàn. Giữa một trái đất bị tàn phá đến thê lương, chất người trong nhân vật Jack Harper, một đại diện của loài người văn minh homo sapiens như càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chẳng thế mà thú vui duy nhất của Jack khi không mải tắm truồng cùng Victoria là nghe nhạc của Procol Harum, bài A Whiter Shade of Pale (tạm dịch: Sắc nhạt càng nhạt hơn); và thưởng thức tranh của Andrew Wyeth, bức Christina’s World – miêu tả một phụ nữ dù bị bại liệt nửa thân dưới, vẫn cố bò từng chút một về căn nhà của mình.

Lãng quên là hiện thân thị giác của những giá trị cao đẹp mà loài người, trong sâu thẳm tâm hồn, luôn hướng đến, bất chấp chúng có xa vời, giáo điều và không thật đến mức nào chăng nữa. Nghệ thuật lay động được lòng người là thứ nghệ thuật thành công. Lãng quên, trong chừng mực nhất định, đã làm được điều đó.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhân văn giữa chốn điêu tàn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO