Nhân tố mới

Thành An 05/10/2010 00:00

Vậy là bà Dilma Rousseff đã không thể có được chiến thắng dễ dàng để trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil mà phải chờ tới vòng bỏ phiếu thứ hai vào ngày 31.10 tới. Và trong cuộc đua mới này, ứng cử viên đảng Xanh Marina Silva sẽ là nhân tố quyết định thắng lợi thuộc về ai.

Kết quả kiểm 95% phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử cuối tuần qua cho thấy, Bộ trưởng Phụ trách Nội các Rousseff dẫn đầu với 46,3% phiếu bầu. Tuy bỏ xa đối thủ chính là ông Jose Serra, thuộc đảng Dân chủ Xã hội Brazil, cựu Thủ hiến bang Sao Paulo, tới 14%, song nữ ứng cử viên của đảng Lao động cầm quyền vẫn thiếu gần 4% phiếu bầu để đăng quang. Điều này đồng nghĩa với việc bà Rousseff đã không tránh được cuộc đua song mã vòng hai với đối thủ Jose  Serra. 

Bàn về kết quả khá bất ngờ này, giới quan sát nhận định nguyên nhân là do ứng cử viên đảng Xanh Marina Silva đã bất ngờ đạt tới gần 20% số phiếu, cao hơn khoảng 7% so với các cuộc thăm dò trước đó. Vậy là lại thêm nhân tố “nữ” làm xáo trộn chính trường Brazil. Ngoài bà Rousseff, người được đích thân Tổng thống sắp mãn nhiệm Luiz Inacio Lula da Silva bảo trợ bằng ảnh hưởng và uy tín cá nhân, bà Silva là nữ ứng cử viên thứ hai trong cuộc đua giành quyền lực tại cường quốc Nam Mỹ. Là người về thứ ba trong cuộc bầu cử Tổng thống, chắc chắn bà Silva sẽ có nắm giữ vị trí quan trọng trong bộ máy hành pháp của Brazil. Trước khi ra ứng cử với tư cách là người của đảng Xanh, bà từng là Bộ trưởng Môi trường trong nội các của ông Lula da Silva.
Các nhà phân tích cho rằng, dù không được tranh cử trong cuộc bỏ phiếu vòng hai, bà Silva sẽ có ảnh hưởng nhất định tới kết quả thông qua các cử tri của mình. Được đánh giá là một phụ nữ duyên dáng, lịch thiệp có vẻ ngoài yếu đuối không mấy thích hợp với sự nghiệp chính trị, nữ chính khách 52 tuổi này đã rời bỏ chức nghị sỹ để tham gia chính phủ của Tổng thống Lula da Silva năm 2003. Năm năm sau đó, bà xin từ chức để phản đối những chính sách phát triển kinh tế của chính quyền tại khu vực Amazon mà theo bà là có thể hủy hoại “lá phổi” của thế giới. Bà Silva nhận được sự ủng hộ của một bộ phận cử tri một phần là do xuất thân khiêm tốn, trong một gia đình công nhân nghèo ở Amazon, tương tự như thân thế của Tổng thống Lula da Silva và người ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa bà với ứng cử viên Rousseff- đó là tính cách thẳng thắn và thân thế.

Theo giới quan sát tại chỗ, việc bà Silva bất ngờ dành được số phiếu bầu cao hơn so với các cuộc thăm dò cũng thể hiện thái độ của các cử tri đang lưỡng lự giữa hai ứng cử viên hàng đầu là bà Rousseff và ông Serra. Đây chính là hệ quả của chiêu bài gắn hình ảnh của ứng cử viên liên minh cầm quyền với các vụ scandal của chính quyền mà ông Serra tung ra trước thềm bầu cử. Bỏ phiếu cho bà Silva, các cử tri muốn có thêm thời gian để cân nhắc sự lựa chọn của mình và đây cũng là thời gian mà hai ứng cử viên vào vòng hai phải thể hiện mình hơn nữa.

Trở lại với cuộc bầu cử vòng hai tới, các nhà phân tích cho rằng trong 4 tuần vận động tranh cử ráo riết tới, bà Rousseff và ông Serra sẽ cụ thể hóa hơn nữa đường lối phát triển đất nước của mình, thay vì chỉ dừng ở những tuyên bố chung chung là theo đuổi chính sách đã rất thành công của chính quyền tiền nhiệm. Thêm vào đó, hai bên phải vạch được những điểm yếu của đối phương trong từng chính sách cụ thể và tranh thủ sự ủng hộ của bà Silva.

Điểm lại sách lược tranh cử của hai ứng cử viên hàng đầu, có thể nhận thấy tương đối rõ nét những điểm tương đồng và khác biệt. Về ổn định kinh tế, cả ông Serra và bà Rousseff đều cam kết sẽ duy trì các chính sách thị trường hiệu quả của chính quyền Lula da Silva, được coi là nhân tố quan trong làm nên sự ổn định kinh tế của Brazil trong một thập kỷ qua: đó là thả nổi tiền tệ, kiểm soát lạm phát và siết chặt kỷ luật ngân sách. Về vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, bà Rousseff ủng hộ một thể chế nhà nước mạnh trong các ngành then chốt như ngân hàng, dầu mỏ, năng lượng cũng như khai khoáng. Trong khi đó, ông Serra tuyên bố sẽ mở rộng quá trình tư nhân hóa một cách có chọn lọc và sẽ không sử dụng nguồn quỹ của nhà nước trong tiến trình này. Về hoạt động của ngân hàng trung ương, giữa hai chính khách này cũng có sự khác biệt. Bà Rousseff tuyên bố sẽ duy trì cơ chế độc lập của thể chế này trong khi ông Serra khẳng định ngân hàng trung ương cần vận hành phù hợp với các chính sách kinh tế của chính phủ.

Về chính sách tiền tệ, bà Rousseff nêu rõ ngân hàng trung cần giám sát chặt chẽ lạm phát, thay vì chú trọng tới tăng trưởng kinh tế, đồng thời tuyên bố sẽ không áp đặt một tỷ giá hối đoái cụ thể cho đồng nội tệ real và chủ trương giảm lãi suất cơ bản. Trong khi đó, ông Serra muốn siết chặt hơn nữa chính sách tiền tệ,cho rằng mức lãi suất 10,75% hiện nay là “không phù hợp” và cần giảm xuống phù hợp với mức chung của quốc tế thông qua siết chặt tài chính.

Liên quan chính sách đối ngoại, hai ứng cử viên thể hiện quan điểm hoàn toàn trái ngược. Trong khi ông Serra chỉ trích chính quyền Lula da Silva đã quá kết thân với các chính phủ cánh tả của Mỹ Latin và Iran, thì bà Rousseff lại ủng hộ các mục tiêu đối ngoại hiện nay của Brazil.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhân tố mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO