Nhân tố dân tộc trong chính trị quốc tế

30/01/2007 00:00

Tuần qua, Đặc phái viên LHQ người Phần Lan Martti Ahtisaari đã chuyển tới các cường quốc và các bên xung đột bản kế hoạch về quy chế cuối cùng của Kosovo. Dù chi tiết bản kế hoạch còn nằm trong bí mật, nhưng đây có thể sẽ là sự lựa chọn cuối cùng của lịch sử đối với mâu thuẫn giữa 2 tham vọng dân tộc “Đại Albania” và “Đại Serbia”, đồng thời, cũng là phép thử đối với một tham vọng khác: “Đại Slavơ”.

      Ngay sau khi nhận được bản kế hoạch, 5 trong số 6 nước thuộc nhóm Liên lạc về Kosovo bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy đã tỏ ý ủng hộ kế hoạch của ông Ahtissaari, trong khi đại diện của Nga tuyên bố sẽ xem xét kỹ và yêu cầu phải dành đủ thời gian cho Chính phủ Serbia nghiên cứu văn bản này. Điều đó có nghĩa là quyết định về tương lai của Kosovo sẽ phải chờ ít nhất một tháng nữa do sau cuộc bầu cử lập pháp hôm 21.1 với kết quả là không đảng nào giành được đa số tuyệt đối, tiến trình thành lập Chính phủ Serbia chắc chắn của kế hoạch chưa được công bố, nhưng qua những nét phác thảo được tiết lộ, người ta có thể hình dung được một số nội dung chính. Theo lời ông Martti Ahtissaari, bản kế hoạch tập trung vào 2 vấn đề là quy chế cuối cùng cho Kosovo, khu vực tự trị hiện trực thuộc Serbia và việc bảo vệ người thiểu số Serbia tại vùng đất này. Về quy chế cuối cùng, Kosovo sẽ không được khẳng định chính thức là “độc lập”, nhưng lại được hưởng hầu hết các nội hàm của từ này: có chính quyền riêng, có lực lượng an ninh riêng được xây dựng như một quân đội quốc gia, có quyền tham gia các tổ chức quốc tế, thậm chí là Liên hiệp quốc. Các tổ chức chính trị và quân sự quốc tế và khu vực cũng sẽ tăng cường sự hiện diện ở đây để đảm bảo an ninh và ngăn chặn nguy cơ trả thù hoặc thanh lọc sắc tộc. Có thể hiểu Kosovo sẽ được hưởng một nền “độc lập có kiểm soát” như mô hình của Bosnia sau cuộc chiến huynh đệ tương tàn những năm 90 của thế kỷ trước. 
      Thế nhưng ý tưởng này đã bị một số nhà sử học cho rằng việc cho người Albania, chiếm 90% dân số Kosovo, hưởng những nội hàm của từ “độc lập”, không khác gì việc tái sinh tham vọng “Đại Albania” của Mussolini và Hitler trong những năm đầu Thế chiến 2. Trên thực tế, ý tưởng về một nước “Đại Albania” đã tồn tại từ lâu và phát triển thành một phong trào dân tộc mạnh mẽ vào đầu thế kỷ XX. Sau khi xâm lược Nam Tư năm 1941, 2 nước phe Trục ở Châu Âu đã quyết định lợi dụng phong trào này để thúc đẩy cái gọi là “Đại Albania” thân phát xít. Khi đó, vùng đất Kosovo và Metohija của Serbia cũng như Montenegro đều được các nước Đức, Italy cắt ra và sáp nhập vào Albania để tạo ra một “Đại Albania”. Chính quyền “Đại Albania” thân phát xít do Hitler giật dây đã tiến hành những cuộc thanh lọc sắc tộc đối với những người dân theo Chính thống giáo trên diện rộng khiến hàng ngàn người mất nhà cửa, thậm chí tính mạng. Kosovo của thế kỷ XXI có độc lập hay không là câu hỏi chưa được trả lời dứt khoát. Nhưng rõ ràng bản kế hoạch đã cho thấy ý đồ của EU muốn tách Kosovo khỏi Serbia, mảnh đất thiêng liêng mang ý nghĩa lịch sử - chính trị với người dân nước này. 
      Về phần mình, các nước phương Tây lại lập luận rằng kế hoạch trên sẽ là động tác cuối cùng giúp chấm dứt tham vọng “Đại Serbia” của những năm đầu thập niên 90. Tồn tại từ lâu bên cạnh những “Đại Albania”, “Đại Croatia”, “Đại Hungary”, “Đại Ba Lan”... ở khu vực Đông Âu, và là một phần “Đại Slavơ” trong tương quan với với các dân tộc theo văn hoá Latin ở Tây Âu, tham vọng “Đại Serbia” cũng được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xung đột dai dẳng tại Balkan. Nó vừa là nhân tố thúc đẩy mở rộng Liên bang Nam Tư từ đầu thế kỷ XX, cũng vừa là nhân tố dẫn tới sự chia rẽ, và cuối cùng là chiến tranh “nồi da xáo thịt” gây tan rã Liên bang đó. Các học giả phương Tây hy vọng cùng với việc Montenegro đã ra khỏi liên bang với Serbia năm 2006, việc Kosovo dần rời khỏi quỹ đạo của Belgrade sẽ đặt dấu chấm hết cho tham vọng “Đại Serbia”. 
      Với Nga, tương lai Kosovo không chỉ là vấn đề địa lý– chính trị mà còn liên quan đến tư tưởng dân tộc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Mặc dù Nga rất cố gắng tham gia giải quyết vấn đề Kosovo sau khi NATO ngừng ném bom Serbia năm 1999, nhưng thực chất ảnh hưởng của Nga vẫn bị đẩy ra khỏi Balkan. Trong khi đó, thời gian qua, Moscow liên tục phải chứng kiến nhiều cựu đồng minh trong hệ văn hóa Slavơ như Hungary, Ba Lan, Ukraine... ngã vào vòng tay của phương Tây. Vì vậy, việc bảo vệ Serbia trong vấn đề Kosovo có ý nghĩa rất lớn đối với ảnh hưởng của Nga tại Balkan. Ngoài ra, đối với Nga, việc Kosovo độc lập sẽ không có lợi chút nào trong việc kiềm chế tư tưởng ly khai ở Chesnia. Do đó, trong trường hợp kế hoạch trên được đưa ra HĐBA, nhiều khả năng Moscow sẽ sử dụng lá phiếu phủ quyết để bảo vệ Chính quyền Belgrade.   
      Xuất hiện từ những năm 1980, thuyết kiến tạo về quan hệ quốc tế chỉ ra rằng việc các nước nhận thức về lợi ích quốc gia và những việc làm để đạt lấy lợi ích ấy bị chi phối mạnh mẽ bởi “bản sắc” của họ, tức là cách họ nghĩ về dân tộc mình trong mối tương quan với các dân tộc khác. Và vấn đề Kosovo tiếp tục là một minh chứng rõ nét cho ảnh hưởng của “bản sắc” và các tham vọng dân tộc trong chính trị quốc tế.

Minh Trâm (Theo Pravda, AFP)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhân tố dân tộc trong chính trị quốc tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO