Trò chuyện đầu tuần:

Nhận thức đúng để đầu tư đúng

- Thứ Hai, 10/08/2020, 06:17 - Chia sẻ
Qua các đợt khảo sát cùng Đoàn công tác của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn NGUYỄN HOÀNG HIỆP cho rằng, từ phía Quốc hội cần xem xét ban hành nghị quyết về an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập. Từ đó, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm bảo đảm toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Nhận thức đúng và đồng bộ từ trên xuống dưới sẽ có đầu tư đúng cho an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập.
Ảnh: Trung Thành

Hiện nay, mỗi tỉnh thành đều có một Hội đồng an toàn hồ, đập mà các thành viên là lãnh đạo tỉnh thành, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi và các chuyên gia để kiểm tra. Ở Trung ương cũng có Hội đồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong đó có các chuyên gia đầu ngành về an toàn hồ, đập để khi xảy ra vấn đề, các địa phương có yêu cầu thì những chuyên gia này sẽ đến tận nơi để hỗ trợ. Với cách làm như vậy hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu nhận diện nguy cơ trong bảo đảm an toàn hồ, đập.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp

Thừa nước nhưng vẫn hạn hán vào mùa khô

- Theo chương trình, giữa tuần này, ngay sau các hoạt động khảo sát tại một số địa phương đại diện cho các vùng miền trên cả nước sẽ diễn ra Phiên giải trình về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập. Qua thực tế tham gia cùng Đoàn khảo sát của Quốc hội, ông có thể cho biết đâu là khó khăn trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập ở thời điểm hiện nay?

- Trước hết, có thể thấy, tổng lượng nước mặt ở Việt Nam hiện rơi vào khoảng 830 tỷ mét khối/năm. Trong đó, khoảng 62% nguồn nước mặt (tương ứng với 520 tỷ mét khối) được tạo ra từ ngoài biên giới, còn lại là nguồn nước nội sinh, nhưng chúng ta mới chỉ sử dụng khoảng 81 tỷ mét khối/năm (tương ứng khoảng 10% so với lượng nước mặt) cho tất cả nhu cầu về sử dụng nước trong sinh hoạt và sản xuất; so với trung bình của thế giới, lượng nước tiêu thụ ở Việt Nam là thấp hơn. Như vậy, vấn đề ở đây dù có thừa nước nhưng lại xảy ra tình trạng hạn hán vào mùa khô.

Thứ hai là vấn đề ô nhiễm. Ví dụ như chuyện nguồn nước nhà máy nước sông Đà bị nhiễm chất bẩn đã làm cho cuộc sống của người dân một số khu vực ở Hà Nội điêu đứng. Đây là vấn đề thực tế đang hiển hiện và sẽ càng ngày càng nghiêm trọng, nhất là khi mọi nguồn nước, đặc biệt là hầu hết nguồn nước thải chưa qua xử lý đều đổ ra sông (hoặc xả trực tiếp vào các hệ thống thủy lợi) và lại từ sông đổ vào các công trình thủy lợi, sau đó được dẫn vào các nhà máy nước.

Thứ ba là hệ thống công trình thủy lợi xuống cấp và quản trị, vận hành theo kiểu cũ, không kết nối liên thông. Do đó, đa số hệ thống thủy lợi chỉ đáp ứng yêu cầu cho từng thời điểm cụ thể nên nhiều khi không còn phù hợp với hiện nay khi đòi hỏi các công trình phải đa chức năng, phục vụ đa mục tiêu.

- Rõ ràng, thách thức đặt ra cho nhiệm vụ bảo đảm an ninh nguồn nước hiện nay là rất lớn. Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, những việc cần làm là gì, thưa ông?

- Để bảo đảm an ninh nguồn nước, đầu tiên cần có sự thống nhất trong nhận thức để thấy rõ được những nguy cơ - vấn đề hiện nay chúng ta chưa làm được. Từ nhận thức tổng thể đầy đủ từ trên xuống thì khi đến các hộ tiêu dùng nước, đến từng người nông dân sẽ biết sử dụng nước như thế nào cho tiết kiệm. Tiếp đó, việc tính toán cân bằng nguồn nước là quan trọng nhất hiện nay. Ở đây là sự cân bằng nguồn nước giữa các vùng miền; cân bằng nhu cầu sử dụng; cân bằng giữa các mùa, tức là tích, trữ nước mùa mưa để tiêu dùng mùa khô. Vì vậy, phải có quy hoạch xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi bảo đảm có tính liên vùng, các kho chứa nước, các công trình chuyển nước liên tỉnh, liên lưu vực, tránh làm thất thoát nước và nâng cao hiệu quả sử dụng. Thực tế, lượng nước sử dụng ở các công trình có hiệu quả thấp, tổn thất nước nhiều và rất lãng phí.

Một vấn đề nữa, đó là, cần tính toán đến việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất hợp lý hơn, từ trồng lúa sang cây trồng sử dụng ít nước, bảo đảm phù hợp với từng vùng, miền. Bởi, trong 85% tổng lượng nước sử dụng cho nông nghiệp thì có đến 85% của số này được sử dụng cho cây lúa. Và cuối cùng là phải trồng rừng, giữ được rừng sẽ tạo được nguồn sinh thủy tại chỗ để bù đắp phần nào cho lượng nước phụ thuộc vào nước ngoài.

Những năm gần đây, nhiều hồ thủy lợi ở các địa phương cạn trơ đáy, gây thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống.
Nguồn: ITN

Cần xem xét ban hành nghị quyết

- Từ thực tế đợt khảo sát, vấn đề điều phối, vận hành như thế nào được đa số địa phương phản ánh là còn gặp nhiều khó khăn trong bảo đảm an toàn hồ, đập. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

- Hiện nay, cả nước có gần 7.000 hồ thủy lợi chứa 14,5 tỷ mét khối nước; các hồ thủy điện hiện có gần 100 tỷ mét khối nước. Như vậy, vấn đề về bảo đảm an toàn hồ, đập cần đặc biệt được chú trọng. Từ thực tế này, Chính phủ đã ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông nhằm bảo đảm sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Tuy nhiên, thời gian qua nhiều hồ, đập vận hành chưa nghiêm, chưa đúng theo quy trình, dẫn đến tình trạng "lũ chồng lũ", chia sẻ nước không đều, mâu thuẫn trong sử dụng nước ngay trong cùng một địa phương và giữa các địa phương với nhau. Thậm chí, một số hồ thủy điện chuyển nước khỏi lưu vực như Tây Nguyên hay Vu Gia - Thu Bồn chặn dòng sông này nhưng lại xả ở sông khác… Bên cạnh đó là hệ thống quan trắc tại các đập hoạt động khá yếu kém; thông tin khí tượng thủy văn không kịp thời, độ chính xác chưa cao cũng gây ảnh hưởng không nhỏ cho công tác phối hợp điều hành, quản lý đập.

- Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập là vấn đề được Quốc hội đặc biệt quan tâm, phản ánh tại các kỳ họp. Từ những thách thức, khó khăn thực tế như vậy, theo ông đâu là giải pháp căn cơ, lâu dài để có thể khắc phục triệt để tồn tại, tiếp tục làm tốt hơn nhiệm vụ này?

- Theo tôi, vấn đề quản trị là quan trọng nhất hiện nay, phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và thực thi luật pháp nghiêm túc. Hiện tại, dù nhiều luật có liên quan đã được ban hành nhưng việc thực thi chưa nghiêm, xảy ra vi phạm tràn lan. Đơn cử trong Luật Thủy lợi có quy định, để bảo vệ hồ chứa, quy định về hành lang an toàn đập, hành lang an toàn công trình thủy lợi rất rõ, nhưng hiện nay hành lang ấy không được thực hiện nghiêm và ngày càng có nhiều công trình kiên cố, như nhà ở… "mọc" trên hành lang an toàn thủy lợi. Do đó, nếu thực hiện đủ, đúng, chính xác các quy định pháp luật hiện hành, thì cũng đã bảo đảm tốt vấn đề an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập.

Đối với hệ thống pháp luật, khi xây dựng và thông qua các luật liên quan đến tài nguyên nước, như Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước… thì Quốc hội, các bộ, ngành đều đã có sự tính toán kỹ lưỡng. Nhưng theo tôi, xa hơn cần xây dựng một đạo luật chung về tài nguyên nước và an toàn hồ, đập để tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất và tập trung.

Qua đợt khảo sát thực tế rất có ý nghĩa này, mong rằng Quốc hội cần xem xét ban hành nghị quyết về an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập, trong đó nêu rõ các nội dung về nước, nguồn nước và những vấn đề đặt ra; chỉ rõ được các thách thức cũng như các giải pháp chủ yếu, trong đó có quan điểm, mục tiêu, giải pháp ngắn hạn, dài hạn… Từ đó, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm bảo đảm toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc trong nhiệm vụ có ý nghĩa lớn lao này. Nhận thức đúng và đồng bộ từ trên xuống, chúng ta sẽ có đầu tư đúng cho vấn đề này.

- Xin cảm ơn ông!

Trung Thành thực hiện