Nhân rộng tủ sách, không gian đọc vùng dân tộc thiểu số, miền núi

- Thứ Bảy, 25/09/2021, 21:56 - Chia sẻ
Phát triển văn hóa đọc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Để làm được như vậy, cần nhân rộng các tủ sách, không gian đọc tại khu vực này, giúp trẻ em miền núi không còn “đói sách”.

Vẫn còn khoảng cách

Cô giáo Trần Thị Hồng Hạnh, Trường Tiểu học và THCS Hợp Hòa, Lương Sơn, Hòa Bình nhiều lần tâm sự, trẻ em miền núi có nhu cầu đọc sách rất cao, đặc biệt là truyện tranh về truyền thuyết dân gian, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, truyện cổ tích, truyện lịch sử… và sách bằng tiếng dân tộc.

“Tuy nhiên, sách tại thư viện công cộng xã, huyện dưới hình thức cấp phát, tài trợ chủ yếu có nội dung hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt, phổ biến pháp luật, một số ít về đề tài dân tộc và miền núi... nên thiếu hấp dẫn, không tạo hứng thú với người đọc. Trẻ em nông thôn, miền núi ít đọc sách, phần vì thiếu sách, đói sách, phần khác do các em chỉ được tiếp cận những cuốn sách không phù hợp”, cô Hạnh nói.

Trẻ em luôn hào hứng trước những cuốn truyện tranh về đề tài giáo dục và lịch sử  
Nguồn: thuvienthainguyen.vn

Theo các chuyên gia văn hóa đọc, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đặc biệt các em nhỏ, việc phổ cập tri thức, phổ biến pháp luật, cũng như kiến thức về an ninh, văn hóa, xã hội, y tế… giúp họ có cuộc sống tốt hơn, hòa nhập với sự phát triển không ngừng của đất nước và thế giới. Để làm được điều đó, văn hóa đọc như cầu nối tri thức, thật sự cần và cấp thiết.

Số liệu thống kê cho thấy, cả nước hiện có trên 500 đơn vị đăng ký kinh doanh phát hành xuất bản phẩm; gần 20.000 nhà sách, hiệu sách, trung tâm sách, siêu thị, điểm cho thuê, mua bán sách. Song những đơn vị này tập trung ở các thành phố lớn, còn ở địa phương, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa hầu như thiếu vắng.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do khi cổ phần hóa, các đơn vị phát hành lo doanh thu và lợi nhuận, nên chỉ chú trọng đến thị trường lớn, mà bỏ qua mảng sách cho trẻ em nông thôn, miền núi, cũng không quan tâm phát hành sách tới miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Chương trình mục tiêu quốc gia về trang bị sách cho các thư viện huyện vùng sâu, vùng xa mặc dù vẫn được duy trì, nhưng không thường xuyên. Chính vì vậy, sách về nông thôn ngày càng ít so với nhu cầu đọc của người dân, trong đó có các em nhỏ. Thiếu sách, dẫn đến tình trạng các em không có cơ hội tiếp cận sách, đồng thời cũng ngày càng kéo xa khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi.

Tại nhiều địa phương, dù đã có trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, phường, các bưu điện văn hóa xã… là những thiết chế văn hóa có thể tạo dựng không gian đọc công cộng, thế nhưng đều vắng vẻ.

Hiệu quả từ sự góp sức của cộng đồng

Gây dựng tủ sách tại điểm Trường Tiểu học Du Già, Yên Minh, Hà Giang

Có thể thấy, việc triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đặc biệt với vùng dân tộc thiểu số, miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, nhiều địa phương đã xây dựng tủ sách tại gia đình, xã, phường, homestay. Thế nhưng, để vận hành tốt hơn mô hình này cần sự quan tâm từ phía Nhà nước, lãnh đạo địa phương và cộng đồng.

“Quan trọng nhất là con người tại địa phương, họ phải thực sự tâm huyết với số sách được hỗ trợ, phải biết tổ chức các hoạt động, phổ biến tới người đọc. Chúng tôi từng giúp các tỉnh miền núi như Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai… khơi lên các mô hình tủ sách cho trẻ nhỏ, nhưng giữ được và để các mô hình phát huy hiệu quả lại rất khó", bà Ngà chia sẻ.

Phòng đọc thiếu nhi tại Nhà Văn hóa xã Vàng San, Mường Tè, Lai Châu 

Bà Ngà kể, trong chuyến trao tặng sách cho phòng đọc thiếu nhi tại Nhà Văn hóa xã Vàng San, Mường Tè, Lai Châu, các thành viên đoàn chủ động chuẩn bị từ ảnh Bác, khẩu hiệu, đồ trang trí, giá sách, bàn ghế, máy tính và đặc biệt trên 3.000 cuốn sách thiếu nhi gồm bách khoa động vật học, truyện tranh, sách giải trí…

Sau khi tủ sách vận hành, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo tổ chức các tiết đọc sách, các hoạt động tôn vinh sách tại địa điểm mới này. “Tôi chỉ thực sự cảm nhận sách đã đến tay trẻ khi nghe một học sinh thổ lộ: Con đã đi bộ 8 giờ để đến phòng đọc sách. Mới thấy, nếu chỉ ủng hộ tủ sách thôi chưa đủ, mà phải có sự chủ động của địa phương, sự góp sức của nhiều người, trong đó có người quản lý và sử dụng sách”.  

Mô hình không gian đọc sách ở các gia đình tại địa bàn huyện Lương Sơn, Hòa Bình do cô giáo Trần Thị Hồng Hạnh kết hợp với nhóm bạn 5 năm qua cũng là một điển hình. Mô hình này được thư viện tỉnh hoặc huyện hỗ trợ, cho mượn các đầu sách, kết hợp với số sách do nhóm quản trị mua thêm hoặc tìm nguồn ủng hộ dưới nhiều hình thức, nhằm phục vụ đối tượng học sinh và trẻ nhỏ với các hoạt động như sinh hoạt chuyên đề, giao lưu với các nhà văn, trao đổi sách…

Mô hình Không gian đọc sách gia đình đang được nhân rộng tại Lương Sơn, Hòa Bình

Theo cô Hạnh, “mỗi huyện chỉ cần hai hoặc ba điểm đọc sách như thế sẽ thuận tiện cho việc đi lại của độc giả ở địa bàn cách xa trung tâm. Đây là mô hình khá hiệu quả, cần được nhân rộng và quan tâm hơn trong việc cung cấp đầu sách”.

Nhìn vào các mô hình tủ sách hiệu quả nêu trên có thể thấy, để Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai hiệu quả hơn, đặc biệt hướng tới trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi, cần xác định đối tượng phục vụ chính của tủ sách, địa điểm đặt tủ sách, bổ sung nguồn sách và hiệu ứng nhân rộng các mô hình. Bên cạnh đó, cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, sự quan tâm hơn nữa của chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan như thư viện, giáo dục trong hỗ trợ vật chất, tạo điều kiện về cơ chế để các tủ sách hoạt động hiệu quả.

Hà Linh