Nhân rộng mô hình phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học

- Thứ Năm, 16/12/2021, 06:06 - Chia sẻ
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh khẳng định, nhu cầu cải thiện sức khỏe và hòa nhập cộng đồng của nạn nhân chất độc hóa học/dioxin trên cả nước là rất lớn. Mong rằng, các mô hình phục hồi chức năng đã, đang thực hiện và sẽ tiếp tục được nhân rộng để cho tất cả các nạn nhân chất độc hóa học/dioxin trên cả nước có cơ hội được tiếp cận.

- Thưa Thượng tướng, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết của Dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018 - 2021"?

- Hiện, cả nước ước tính có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Những người này hàng ngày phải sống chung với bệnh tật, đau đớn về thể chất và tinh thần. Do đó, cần sự chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng và phục hồi chức năng thường xuyên để có cơ hội hòa nhập cộng đồng, không trở thành gánh nặng cho chính gia đình, xã hội. Đồng thời, những người sinh sống trong khu vực bị phơi nhiễm cũng cần được chăm sóc, theo dõi quản lý sức khỏe, hướng dẫn biện pháp phòng ngừa phơi nhiễm chất độc hóa học.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

Liên quan đến vấn đề này, đã có nhiều văn bản quy định, gần đây nhất là Quyết định số 1087/QĐ-BYT Phê duyệt kế hoạch của ngành y tế triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, nhằm hỗ trợ để cải thiện sức khỏe thể chất, tạo điều kiện hòa nhập giáo dục, tham gia lao động sản xuất, hòa nhập xã hội cho nạn nhân và con đẻ của họ.

Chính vì thế, Dự án đã góp phần thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, mang lại những lợi ích thiết thực về sức khoẻ thể chất, tinh thần và cơ hội hòa nhập xã hội cho các nạn nhân chất độc da cam. 

- Vậy, trong gần 3 năm thực hiện, Thượng tướng đánh giá như thế nào về những kết quả mà Dự án đạt được?

- Dự án đã giúp hàng nghìn nạn nhân chất độc da cam tại 11 tỉnh, thành phố được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng tại cơ sở y tế, cộng đồng; trẻ em dưới 6 tuổi có dấu hiệu tự kỷ, khuyết tật được khám sàng lọc và điều trị; đội ngũ cán bộ thuộc Hội, người nhà, nạn nhân được tập huấn, trang bị những kiến thức, kỹ năng về phục hồi chức năng...

Bên cạnh đó, người dân sống trong vùng bị phơi nhiễm được theo dõi, quản lý sức khỏe và được hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa; các bệnh viện, trung tâm bảo trợ được đầu tư trang thiết bị phục hồi chức năng...

- Bên cạnh những kết quả đạt được, Trung ương Hội đã gặp những khó khăn gì trong quá trình triển khai các hoạt động thực tế của Dự án?

- Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, thời gian giãn cách xã hội kéo dài, Trung ương Hội gặp rất nhiều khó khăn trong việc phối hợp với Cục Quản lý, Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) để triển khai một số hoạt động thực tế tại cộng đồng (không tổ chức sàng lọc, khám trực tiếp tại một số tỉnh không thể thực hiện...), trong khi đó việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn bằng hình thức online cũng gặp rất nhiều khó khăn khi đa số các nạn nhân, người nhà nạn nhân là người nghèo, trình độ dân trí còn hạn chế...

Để khắc phục những khó khăn trên, Trung ương Hội đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thuộc vùng Dự án kịp thời phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai Dự án phù hợp với công tác phòng chống dịch; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình ở các tỉnh, thành Hội về hoàn cảnh của các nạn nhân và gia đình nạn nhân để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp.

Theo Thượng tướng, khi Dự án kết thúc, các mô hình phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học/dioxin có tiếp tục được nhân rộng hay không?

-  Từ kết quả cho thấy, Dự án đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại 11 tỉnh, thành phố. Trong đó, nổi bật là những lợi ích thiết thực về sức khỏe thể chất, tinh thần và cơ hội hòa nhập xã hội cho các nạn nhân chất độc da cam. Những kết quả đạt được sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng để tổng kết, nhân rộng mô hình phục hồi chức năng tại cơ sở cho nạn nhân chất độc hóa học/dioxin góp phần chăm sóc tốt hơn, giúp nạn nhân phục hồi sức khỏe, từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Tôi mong rằng, các mô hình phục hồi chức năng sẽ tiếp tục được nhân rộng trong tương lai để cho tất cả các nạn nhân chất độc hóa học/dioxin trên cả nước có cơ hội được tiếp cận.

- Xin cảm ơn Thượng tướng!

Thái Yến - Nguyễn Ngân thực hiện