Hưng Yên

Nhân rộng mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao

- Chủ Nhật, 28/11/2021, 05:46 - Chia sẻ
Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm. Từ đó tăng năng suất và hiệu quả lao động, giảm nhân công và giá thành, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ thành viên, góp phần xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng và phát triển bền vững ở nông thôn.

Ứng dụng công nghệ từ khâu chọn giống đến thương phẩm

Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, trong 5 năm trở lại đây, các HTX nông nghiệp được thành lập mới đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tính đến tháng 2.2021, toàn tỉnh có 44 HTX nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Những lĩnh vực ứng dụng chủ yếu như công nghệ chiết, ghép nhân giống các loại cây ăn quả; công nghệ nuôi cấy phôi nấm trong nhà lạnh; công nghệ sản xuất an toàn theo quy trình thực hành tốt (GAP); công nghệ nhà kính, nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển bán tự động; công nghệ nuôi thâm canh thủy sản trong ao công nghệ cao. Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, tại các HTX này không chỉ hiệu quả sản xuất tăng lên 25 - 30% mà nhân công lao động cũng giảm 30 - 50%.

Đến với HTX Sản xuất và Nhân giống nấm Nam Hàn (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi), một trong những HTX tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao, chủ động sản xuất nấm thương phẩm ở tất cả các khâu, bao gồm khâu khó nhất là nhân giống, nuôi cấy phôi nấm. Giám đốc HTX Phạm Văn Khá cho biết, “HTX thành lập từ năm 2017, duy trì gần 10 nghìn mét vuông trồng nấm công nghệ cao trong nhà kín. Để hiện đại hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ mới trong các khâu, HTX đã đầu tư các loại máy móc, thiết bị với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, như máy đảo nguyên liệu tự động, hệ thống chiếu sáng, hệ thống tưới nước tự động, hệ thống theo dõi nhiệt độ, độ ẩm…”.

Nhờ mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, HTX có thể sản xuất nấm quanh năm, ngay cả những khi thời tiết nắng nóng. Với các loại nấm ăn được thị trường tiêu thụ mạnh như nấm rơm, nấm sò yến, nấm sò nâu, nấm sò trắng… được sản xuất theo quy trình an toàn, vệ sinh thực phẩm, nhiều năm nay HTX xuất bán sản phẩm ổn định cho thị trường Hà Nội, sản lượng 3 - 5 tấn/tháng.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cũng được HTX Sản xuất, cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát (xã Tống Trân, huyện Phù Cừ) thực hiện nhiều năm nay. HTX ứng dụng công nghệ cao trong trồng dưa lưới, dưa vàng trong nhà lưới theo quy trình VietGAP, đem lại sản phẩm tươi ngon, chất lượng, bảo đảm an toàn. 100% diện tích sản xuất của HTX được ứng dụng công nghệ cao, từ khâu chọn giống, gieo hạt, ươm mầm, đến trồng thương phẩm. Nhờ luôn quan tâm đến việc sản xuất sạch, an toàn, năng suất và giảm nhân công lao động nên việc đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, công nghệ tưới, được ưu tiên hàng đầu. Công nghệ cao được ứng dụng từ việc làm đất, phối trộn nguyên liệu để trồng cây; việc bón phân; tưới tự động; theo dõi sinh trưởng; điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ… Người lao động trong các nhà màng, nhà lưới của HTX chủ yếu làm nhiệm vụ cắt tỉa cành lá dư thừa và thu hoạch, các khâu còn lại cơ bản đã được tự động hóa.

Gắn với vùng chuyên canh sản xuất cây rau màu nhiều năm qua tại xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ) đã nổi tiếng trên thị trường với việc sản xuất đa dạng các loại rau màu chất lượng đúng vụ, trái vụ, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú đã thành công trong việc đưa quy trình sản xuất các loại cây rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP bằng việc áp dụng các kỹ thuật, phương pháp hiện đại như ủ phân theo công nghệ của Nhật Bản, ươm cây giống trên khay, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, sử dụng màng phủ không dệt… Với việc áp dụng các phương pháp sản xuất tiến bộ, hiện đại tại HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú đã góp phần nâng tầm thương hiệu cây rau màu của địa phương và mang lại nguồn thu nhập cao hơn 1 - 1,5 triệu đồng/sào/vụ so với mô hình sản xuất thông thường; sản phẩm của HTX tiếp cận được các siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm nông sản sạch trong và ngoài tỉnh.

Ứng dụng công nghệ cao trong trồng dưa lưới đem lại sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn

Nguồn: TTXVN 

Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh sản xuất nông nghiệp

Cũng với mong muốn đưa sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương phát triển rộng rãi ra thị trường, nhiều HTX nông nghiệp khác trong tỉnh cũng đang nỗ lực trong quá trình hoạt động bằng cách ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, tăng cường liên kết với những đơn vị uy tín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Với mỗi bước đi, cách làm của các HTX đã góp phần tạo nên sức mạnh để đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vươn lên tầm cao mới.

Với sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự hỗ trợ từ các ngành, đơn vị cùng việc phát huy lợi thế, tỉnh Hưng Yên đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp như vùng chuyên canh sản xuất các loại cây ăn quả ở TP. Hưng Yên, các huyện Kim Động, Khoái Châu; vùng sản xuất cây rau màu ở các huyện Tiên Lữ, Kim Động, Yên Mỹ và TP. Hưng Yên; vùng sản xuất hoa, cây cảnh các loại ở huyện Văn Giang; vùng chuyên canh gieo cấy lúa ở các huyện Phù Cừ, Yên Mỹ và thị xã Mỹ Hào... Các vùng chuyên canh đã trở thành định hướng để hình thành, nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX nông nghiệp, từ đó góp phần xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh đi vào chiều sâu theo hướng khép kín từ sản xuất, dịch vụ đến tiêu thụ sản phẩm khi gắn với vùng chuyên canh nông nghiệp. 

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lê Văn Thắng cho biết, thời gian tới, thông qua các chương trình, mô hình, dự án của các cấp trong lĩnh vực phát triển HTX, chi cục tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp đầu tư hiện đại hóa trang, thiết bị để tiếp cận, chuyển giao, tiếp nhận khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, nhất là công nghệ liên quan tới quy trình sản xuất giống, công nghệ về sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản. Từ đó tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời khuyến khích các HTX chủ động học hỏi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, thực hiện sản xuất theo quy trình GAP theo hướng tiết kiệm và sử dụng nguồn lực đầu vào hợp lý, hiệu quả nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Thảo Tâm