Xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới và Chương trình số 31-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 8.2023, toàn tỉnh thành lập mới 9 HTX, giải thể 5 HTX, nâng tổng số toàn tỉnh có 227 HTX (tăng 4 HTX so cuối năm 2022). Trong đó, có 217 HTX đang hoạt động, 10 HTX ngừng hoạt động. Số thành viên HTX đạt 31.969 thành viên, với tổng vốn điều lệ của HTX là 150.400 triệu đồng. Ước đến cuối năm 2023, doanh thu bình quân đạt 4.700 triệu đồng/năm/HTX, lãi bình quân khoảng 338 triệu đồng/năm/HTX; thu nhập bình quân của lao động trong HTX ước khoảng 17 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, ngay sau khi Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 3.2.2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay trên nhiều lĩnh vực như: HTX Nông nghiệp Tín Phát (lĩnh vực lúa gạo), HTX Nông nghiệp Trinh Phú (lĩnh vực trái cây), HTX Thủy sản Hưng Phú…
Anh Nguyễn Văn Đậm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tín Phát cho biết, sau 18 năm thành lập và đi vào hoạt động, hiện HTX có 320 thành viên, với diện tích canh tác 524ha, vốn hoạt động trên 3 tỷ đồng. Với chính sách hỗ trợ khi tham gia đề án, các thành viên đều phấn khởi khi HTX vừa được hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới như máy phun thuốc, máy làm sạch lúa giống vừa được hỗ trợ phương tiện vận chuyển lúa, gạo, được kết nối mở rộng, thị trường tiêu thụ, ưu đãi vốn vay. Trên cơ sở hoạt động hiệu quả cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, HTX Nông nghiệp Tín Phát sẽ tập trung sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để hoàn thiện mô hình HTX kiểu mới.
Được xem là điểm sáng về phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, HTX Nông nghiệp Hưng Lợi (ấp An Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú) hiện có 538 thành viên tham gia, với diện tích sản xuất lúa hơn 609ha, sản xuất 2 vụ lúa/năm. Để xây dựng mô hình cánh đồng lớn, HTX tập trung triển khai canh tác lúa thông minh, áp dụng các kỹ thuật chăm sóc lúa tiên tiến như giảm giống gieo sạ, giảm phân bón, tưới nước ướt - khô xen kẽ… Nhờ canh tác khoa học, các thành viên đã giảm hơn 30% lượng phân bón, ruộng lúa ít sâu bệnh, cây lúa cho nhánh to, cứng cáp dễ thu hoạch, ít bị hao hụt, tiết kiệm chi phí đáng kể. Từ việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn, ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ lúa… HTX đã giúp cho thành viên nâng cao thu nhập, phấn khởi sản xuất.
Tham gia HTX ngay từ khi thành lập với diện tích lúa canh tác 4ha, ông Phạm Hoàng Trân, thành viên của HTX Hưng Lợi chia sẻ, trong những năm qua, nhờ được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng đúng quy trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” nên chi phí đầu vào giảm và năng suất lúa tăng, lợi nhuận sau thu hoạch cũng cao hơn so với các hộ bên ngoài HTX.
Bên cạnh việc canh tác lúa có hiệu quả, giảm giá thành sản xuất, mua lúa giống đầu vào giá rẻ, các thành viên HTX còn được kết nối với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra thông qua hợp đồng liên kết tiêu thụ. Thời gian qua, HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ với tổng diện tích sản xuất hơn 4.000ha, sản lượng đã cung ứng là 31.946 tấn lúa thương phẩm với giá cao hơn thị trường từ 300-500.000 đồng/tấn, giúp cho nông dân tăng lợi nhuận từ 3-5 triệu đồng/ha. Trong vụ mùa năm 2022, HTX ký hợp đồng bao tiêu với Công ty Cổ phần Gạo Ông Thọ cho diện tích 100ha, sản lượng 6.500 tấn.
Số lượng HXT được hỗ trợ thành lập mới đạt 100% so với kế hoạch
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương tại tỉnh Sóc Trăng, nhận thức của quần chúng nhân dân về phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX có sự chuyển biến tích cực, đạt được sự thống nhất về nhận thức trong xã hội về vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Không chỉ vậy, công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về kinh tế tập thể, HTX được triển khai nghiêm túc.
Số lượng HXT được hỗ trợ thành lập mới đạt 100% so với kế hoạch; số lượng HTX áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng được tăng lên; mô hình HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh ngày càng được mở rộng, trở thành xu thế chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất để HTX nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững.
Liên minh HTX Sóc Trăng cho biết, mô hình HTX kiểu mới được nhân rộng sẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân. Theo Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025”, căn cứ vào mô hình đăng ký, các HTX sẽ được nhà nước hỗ trợ để hoàn thiện. Cụ thể là hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối cung cầu, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, phương tiện vận chuyển; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm, hỗ trợ kinh phí thuê cán bộ trẻ làm việc cho HTX…
Việc xây dựng các mô hình HTX kiểu mới nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết với HTX, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển. Luôn nhấn mạnh mục tiêu này, Liên minh HTX Sóc Trăng khẳng định, các HTX tham gia Đề án nói trên đều có sự đồng thuận của thành viên, có quy mô sản xuất lớn, thực hiện tốt việc liên kết với doanh nghiệp cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra, tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao, có chiến lược, định hướng phát triển, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.
Trên cơ sở được hỗ trợ, các HTX sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động, đem lại thu nhập cho các thành viên HTX, người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.