Nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả
"Đề án 1371 đã bước sang giai đoạn 2 trong năm 2025; do đó, các cơ quan, đơn vị cần nhân rộng những mô hình, cách làm hay, hiệu quả, thiết thực, nhằm hoàn thành mục tiêu của Đề án đúng thời hạn". Đó là ý kiến kết luận của Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Quốc phòng - Thiếu tướng Nguyễn Việt Dũng tại phiên bế mạc Hội nghị "Tập huấn báo cáo viên pháp luật trong quân đội năm 2025" khu vực phía Bắc.
Trong 2 ngày (17 và 18/7), các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được nghe giới thiệu các chuyên đề: Trí tuệ nhân tạo với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong Quân đội; nội dung cơ bản Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; một số điểm mới của Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật về quân sự, quốc phòng...

Đây là những nội dung cốt lõi trong công tác PBGDPL năm 2025 và các năm tiếp theo; do đó, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tổ chức PBGDPL sát với tình hình thực tiễn và đặc điểm của từng nhóm đối tượng, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật trong toàn lực lượng.
Thiếu tướng Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh, các báo cáo viên pháp luật thực hiện nhiệm vụ PBGDPL cũng cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung chi tiết hơn, bổ sung ví dụ minh họa từ thực tiễn và chỉnh lý nội dung cho rõ ràng. Việc lựa chọn giáo án, bài giảng cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để tổ chức PBGDPL theo từng đối tượng, bảo đảm phù hợp và đạt hiệu quả cao.
Căn cứ vào nội dung tài liệu đã được tập huấn, các cơ quan, đơn vị cần biên soạn giáo án phù hợp với đối tượng học tập của mình và triển khai phổ biến với nhiều hình thức đa dạng như sân khấu hóa, thi tìm hiểu pháp luật, phát hành tờ rơi, tờ gấp, phát sóng trên hệ thống truyền thanh nội bộ, trên Trang/Cổng thông tin điện tử hoặc các phương tiện thông tin đại chúng. Những nội dung, quy định pháp luật mới được ban hành cần được nghiên cứu, đưa vào chương trình phổ biến pháp luật thường xuyên, đặc biệt trong Ngày Pháp luật hàng tháng tại đơn vị mình.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do cấp trên tổ chức, theo dõi các chương trình PBGDPL; như Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu kiến thức pháp luật trên Báo Quân đội nhân dân" năm 2025; Chương trình "Thư viện Quốc phòng" được phát sóng trên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam; Chương trình "Nhịp cầu pháp luật"...
Mặt khác, cần tăng cường viết bài tuyên truyền về các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL và thực hiện Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027" (Đề án 1371) tại cơ quan, đơn vị trong toàn quân.