Nhân rộng cách làm hay

- Thứ Bảy, 09/01/2021, 07:34 - Chia sẻ
Hình thành mạng lưới trợ giúp pháp luật cơ sở có sự tham gia của người khuyết tật, người dân tộc thiểu số là mô hình được hình thành thông qua việc triển khai Dự án “Thúc đẩy các biện pháp bảo đảm quyền của phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số trong thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình”. Mô hình này sẽ là gợi ý hay trong công tác trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở.

Khoảng trống trong tiếp cận pháp luật  

Nghiên cứu khảo sát đầu kỳ (2019) do Trung tâm Nghiên cứu và Hành động Vì sự Phát triển Hòa nhập (IDEA) thực hiện tại địa bàn 4 xã miền núi Yên Bài, Khánh Thượng, Vân Hòa và Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho thấy: Tỷ lệ người khuyết tật bị bạo lực gia đình 2017 - 2019, gồm các hành vi bạo lực tinh thần 20% (25/150); bạo lực thể chất là 12% (18/150); hơn 80% người khuyết tật khẳng định chưa từng nghe, hoặc nghe nhưng không hiểu về quyền phụ nữ; 70% người được hỏi có quan điểm sai lầm về bình đẳng giới… Đặc biệt có 80% người khuyết tật khẳng định chưa từng nghe hoặc nghe nhưng không hiểu về quyền trợ giúp pháp lý.

		Tập huấn nhóm nòng cốt Ảnh: Nguyễn Minh
Tập huấn nhóm nòng cốt
Ảnh: Nguyễn Minh

“Tôi chưa bao giờ được tham gia buổi trợ giúp pháp lý nào cả; trước đây cũng không biết xã có tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân không vì không thấy ai báo mình tham dự” là chia sẻ của chị Nguyễn Thị An, 53 tuổi, gia đình người khuyết tật, xã Văn Hòa, Ba Vì, Hà Nội. Chị An không phải là trường hợp duy nhất, bởi cho đến nay vẫn còn rất nhiều người dân chưa được tiếp cận pháp luật, trong đó có hoạt động trợ giúp pháp lý. Thực tế, hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn, tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình, bạo lực giới, bạo lực gia đình được các cấp thực hiện khá thường xuyên, nhưng chỉ tổ chức ở hội trường xã và cũng chỉ mời đại diện người dân tới tham dự mà không bao gồm người khuyết tật.

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng hơn 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số trong đó 5,8% là nữ giới. Phần lớn phụ nữ khuyết tật sống ở vùng nông thôn, có gia cảnh nghèo khó, thậm chí rất nghèo. Phụ nữ khuyết tật - họ không chỉ gặp những rào cản về giới, mà còn thêm rào cản về tình trạng khuyết tật của mình. Họ ít được tiếp cận với những cơ hội phát triển cá nhân, có những hạn chế trong tiếp xúc xã hội, kinh tế, các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia giao thông… Chính vì thế, họ phải sống dựa vào gia đình, họ luôn né tránh, mặc cảm, tự ti. Trong cộng đồng người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật càng có nguy cơ trở thành nạn nhân của mọi hình thức bạo lực giới do nhiều lý do bất lợi và có nguy cơ bị phân biệt đối xử, đặc biệt là dễ bị bạo lực cao gấp 3 lần trong số các nạn nhân của hành vi bạo lực là phụ nữ và trẻ em gái nói chung.

Dễ tiếp cận, cùng chia sẻ

Cùng với việc thực hiện nâng cao hiểu biết pháp luật cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số tại vùng dự án, dự án đã hình thành 1 mạng lưới trợ giúp pháp lý với 32 thành viên, trong đó có người dân tộc thiểu số, người khuyết tật; đồng thời xây dựng được 1 bộ tài liệu hướng dẫn hỗ trợ pháp luật ban đầu.

Hiện nay, nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật tuy đã tốt hơn, nhân văn hơn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, làm cản trở quá trình hòa nhập của người khuyết tật. Rào cản lớn nhất hiện nay là xã hội vẫn nhìn người khuyết tật bằng con mắt thương hại theo quan điểm từ thiện, nhân đạo chứ chưa theo cách tiếp cận tích cực dựa trên quyền cơ bản của họ.

 Giám đốc Trung tâm IDEA Nguyễn Hồng Oanh

Cán bộ xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội Quách Sơn Hải nêu thực tế, mặc dù các thôn đều có tổ hòa giải nhưng người dân cũng chỉ biết tới trưởng thôn, hội trưởng hội phụ nữ. Hơn nữa, các tổ hòa giải này lại không có người khuyết tật tham gia, vì thế đa phần chị em phụ nữ khuyết tật khi gặp vấn đề liên quan đến giới, bạo lực gia đình thì rất khó chia sẻ.

Thực tế, việc trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật không chỉ là vấn đề bạo lực gia đình, bình đẳng giới mà còn rất nhiều các vấn đề khác liên quan đến đời sống của họ. Trong đó, liên quan đến việc thực hiện quyền và sự bình đẳng của họ để bảo đảm những nhóm người dễ bị tổn thương được thực hiện đầy đủ quyền của mình vào sự phát triển KT - XH. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là không ít người khuyết tật tự ti, không vượt qua được mình trong giao tiếp, chia sẻ hoàn cảnh, tình huống của mình gặp phải. Chủ tịch Hội Người Khuyết tật huyện Ba Vì Đào Văn Tuấn cho rằng, việc hình thành mạng lưới hỗ trợ pháp luật ban đầu bao gồm có cả người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người làm công tác xã hội, ban công tác mặt trận tại cơ sở sẽ trợ giúp người khuyết tật, người dân tộc thiểu số ngay khi vụ việc xảy ra tại địa phương, giảm thiểu mâu thuẫn. Việc người khuyết tật tham gia vào mạng lưới ban đầu rất thuận lợi cho người khuyết tật, bởi họ dễ dàng tiếp cận, chia sẻ với người cùng hoàn cảnh với mình.

Có thể thấy, lợi thế của mô hình không phải chỉ được hình thành ở cấp xã - đơn vị gần dân nhất; mà còn có sự tham gia của người khuyết tật, người dân tộc thiểu số. Vấn đề còn lại là phát huy được hoạt động của mô hình sau khi dự án hết thời gian hoạt động. Để làm được điều này rất cần sự hỗ trợ của chính quyền sở tại, quá trình chuyển giao mô hình cần sự hỗ trợ, đồng hành của cán bộ tư pháp xã; đồng thời các thành viên nhóm nòng cốt cũng cần được thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kinh nghiệm. Và về lâu dài, ngành tư pháp cần tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng trong phạm vi toàn quốc, nhất là những địa bàn xã có nhiều bà con dân tộc, người khuyết tật sinh sống.

Bài và ảnh: Nguyễn Minh