Sổ tay:

Nhân lực yếu, hòa giải khó

- Chủ Nhật, 06/06/2021, 09:00 - Chia sẻ
Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021. Theo đó, trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hòa giải viên sẽ tiến hành đối thoại, hòa giải nhằm hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp. Đây là một trong những yêu cầu về cải cách hành chính tư pháp hiện nay.

Theo thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao, hòa giải trong tố tụng đạt trung bình hàng năm khoảng 50,6% tổng số các vụ việc; hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng đạt khoảng 80,06%. Kết quả này có ý nghĩa trong việc giải quyết các xung đột trong Nhân dân, tiết kiệm thời gian, kinh phí của đương sự và Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.

 Đặc biệt, hoạt động triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thu được những thành công nhất định. Theo đó, các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985/47.493 vụ việc (đạt 78,08%). Đối với những vụ việc hòa giải, đối thoại không thành, qua quá trình giải quyết tại trung tâm, các hòa giải viên đã giải thích các quy định của pháp luật, từ đó giúp các bên nhận thức đúng đắn hơn về vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết sau này của tòa án. Kết quả thí điểm này là thuận lợi cơ bản khi Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án có hiệu lực pháp luật.

Hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án được tách biệt với quy trình tố tụng để phát huy tính linh hoạt, mềm dẻo và nhanh gọn về thủ tục. Hoạt động này được thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Điều đáng nói, để bảo đảm hiệu quả hoạt động hòa giải tại tòa phải được tiến hành bởi đội ngũ hòa giải viên giàu năng lực và kinh nghiệm do tòa án tuyển chọn, bổ nhiệm và chỉ định để hỗ trợ các bên tranh chấp, khiếu kiện tự thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

Đơn cử, kể từ khi Luật Hòa giải đối thoại có hiệu lực, tại Tòa án Nhân dân TP. Thái Nguyên đã nhận được 161 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tòa án giải quyết, trong đó dân sự 45 đơn, hôn nhân gia đình 111 đơn và hành chính 1 đơn. Theo đó, có 7 vụ việc được chuyển sang tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án, đã có 1 việc hòa giải thành, các vụ việc còn lại đang tiếp tục trong thời gian tiến hành hòa giải theo quy định.

Như vậy, để Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa phát huy được hiệu quả pháp lý, Tòa án Nhân dân cần thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội như thẩm phán, kiểm sát viên, những người giữ chức danh tư pháp khác đã nghỉ hưu, luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác… tham gia công tác hòa giải, đối thoại. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại. Ngoài ra, hệ thống tòa án các cấp cần nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động hòa giải, đối thoại: Bố trí phòng làm việc, trang thiết bị, phương tiện làm việc cần thiết phù hợp với yêu cầu của công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án; trang bị và sử dụng thiết bị kết nối trực tuyến để phục vụ cho hoạt động hòa giải, đối thoại.

Đình Khoa