Nhân lực cho sở hữu trí tuệ địa phương còn thiếu và chưa đồng đều
Trong những năm gần đây, Sở hữu Trí tuệ (SHTT) là vấn đề nóng bỏng được tất cả các quốc gia quan tâm và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Để làm tốt hoạt động này thì vấn đề nhân lực là vô cùng quan trọng nhưng ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.
Dấu hiệu đáng mừng
Nếu như trong những năm đầu Luật SHTT có hiệu lực, các địa phương chỉ tổ chức được 92 lượt tuyên truyền, phổ biến kiến thức thì đến năm 2009, con số này đã lên tới 161 lượt và đến 2010 đã tăng lên 281 lượt . Không chỉ tập trung tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm, hoạt động này hiện đã được nhân rộng hầu khắp các địa bàn trên cả nước. Nội dung tuyên truyền cũng ngày một phong phú hơn, từ việc chỉ tổ chức hội thảo, báo cáo, phát tờ rơi… đến nay nhiều địa phương đã xây dựng được các chương trình truyền hình, gameshow, giải đáp một cách thường xuyên và cố định trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn các tổ chức, cá nhân địa phương xác lập và bảo vệ quyền SHTT hiện đã trở thành những hoạt động thường xuyên của hầu hết các Sở KHCN và đã đạt được những kết quả khả quan. Số lượt tư vấn tăng dần đều qua các năm. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương cho thấy, trong năm 2006 số lượt tư vấn chỉ ở con số 2.508 lượt thì đến năm 2007 đã tăng lên 2.758 lượt và năm 2010, số lượt tăng gấp rưỡi với tổng số 4.338 lượt tư vấn. Dù chưa phải là số liệu chính xác, nhưng số lượng lượt tư vấn tăng liên tục cũng đã phản ánh phần nào mức độ tin tưởng của doanh nghiệp cũng như hiệu quả và chất lượng của hoạt động này tại các cơ quan quản lý SHTT địa phương. Một số địa phương tiêu biểu luôn có những hoạt động tuyên truyền tích cực và có hiệu quả có thể kể đến như An Giang, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng...
Cục phó Cục SHTT Hoàng Văn Tân, cho biết, trong giai đoạn 2006 – 2011 đã xử lý hơn 4.000 vụ xâm phạm quyền SHTT, trong đó riêng năm 2010 đã xử lý 1.632 vụ với tổng số tiền phạt lên tới gần 4,6 tỷ đồng. Sự tích cực của các địa phương trong hoạt động tuyên truyền cũng như phối hợp ngăn chặn và xử lý đã từng bước đẩy lùi được nạn hàng giả, hàng xâm phạm trên phạm vi toàn quốc. Những kết quả này tuy chưa cao nhưng chứng tỏ được hoạt động SHTT đang dần được các cá nhân, doanh nghiệp quan tâm.
![]() Chè Ô Long - một trong nhiều sản phẩm được chỉ dẫn địa lý |
Nhân lực thiếu và chưa đồng đều
Những năm qua, tổ chức bộ máy và nhân sự chuyên trách về SHTT tại địa phương dù từng bước được cải thiện nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập nhất, trong đó phải kể đến là biến động nhân sự phụ trách về SHTT. Bộ phận phụ trách SHTT hiện chủ yếu vẫn được ghép chung với các bộ phận khác hoặc nằm trong một phòng chuyên môn chung dẫn đến những khó khăn trong việc nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ chuyên trách địa phương. Bộ phận phụ trách SHTT hiện chủ yếu vẫn được ghép chung với các bộ phận khác hoặc nằm trong một phòng chuyên môn chung.
Theo con số thống kê của Cục SHTT thì từ năm 2006 – 2011, số cán bộ phụ trách lĩnh vực SHTT có rất ít mà lại không phân bố đồng đều. Số cán bộ phụ trách lĩnh vực SHTT tại các địa phương trong những năm gần đây có dấu hiệu tăng nhưng không nhiều. Trong năm 2011, tổng số lượng cán bộ SHTT bị suy giảm so với năm ngoái, chủ yếu do biến động về nhân sự tại các cơ quan nhà nước. Trong số này thì chỉ có 84 cán bộ chuyên trách còn lại kiêm nhiệm và chủ yếu phân bố ở các tỉnh, thành phố lớn. Cả nước có hơn 60 tỉnh, thành nhưng chỉ mới có 10 Sở KH-CN thành lập được phòng SHTT riêng. Đây là quả là một con số còn khá khiêm tốn so với yêu cầu thực tế.
Trưởng phòng SHTT, Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc Bùi Đức Thọ cho biết, trong những năm qua hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, cán bộ quản lý thường xuyên có sự thay đổi do nghỉ hưu theo chế độ hoặc được điều chuyển từ nơi khác đến nên việc đào tạo chuyên sâu, duy trì cán bộ quản lý sở hữu trí tuệ chưa được như mong muốn. Cùng ý kiến đó, Giám đốc Sở KH- CN An Giang Nguyễn Văn Phương cũng cho rằng, trong quá trình hoạt động SHTT tại địa phương gặp không ít bất cập khó khăn. Một trong những khó khăn mà địa phương đang gặp phải là nhận thức của một số doanh nghiệp còn hạn chế; thời gian được cấp bằng bảo hộ của một số nhãn hiệu quá dài; công tác thực thi quyền chưa được các cơ quan ban ngành quan tâm đẩy mạnh. Đặc biệt, khó khăn nữa là đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn về sở hữu trí tuệ của tỉnh còn thiếu và yếu.
Theo ông Hoàng Văn Tân, để hoạt động quản lý nhà nước về SHTT ở các địa phương được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả hơn, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý cấp Trung ương, các địa phương cần chủ động đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý SHTT trên địa bàn của mình, trong đó tập trung giải quyết các vấn đề như, phát huy nội lực từng địa phương, cùng với sự trợ giúp trực tiếp từ Chương trình 68, chú trọng đến các đối tượng là các cán bộ quản lý, lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn từng địa tỉnh/thành phố. Bên cạnh đó, kiện toàn tổ chức bộ máy, ổn định nhân sự chuyên trách về SHTT trong các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT ở địa phương, từ đó có điều kiện tập trung bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ này, tạo dựng được các hạt nhân SHTT tại từng cấp cơ sở để hoạt động SHTT đạt được nhiều kết quả tốt hơn.