Nhân lên sự đồng thuận trong toàn xã hội
Bày tỏ đồng thuận với những nội dung được đưa ra lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, nhiều ý kiến tin tưởng bản Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung sẽ là nền tảng pháp lý vững chắc cho việc sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Bí thư Thành ủy Thái Nguyên DƯƠNG VĂN LƯỢNG: Nền tảng vững chắc cho phát triển quốc gia
Trước hết, tôi hoàn toàn đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Đây là bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo, đặt nền móng pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời đại chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng.

Tôi cũng đánh giá cao quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đang được triển khai hết sức đầy đủ về quy trình pháp lý; được tổ chức quán triệt trong hệ thống chính trị và lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số vào lấy ý kiến đã cho thấy bước tiến trong cải cách hành chính, thể hiện quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử phục vụ Nhân dân.
Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, tôi cơ bản đồng tình với các nội dung liên quan đến việc tổ chức lại hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương. Dự thảo đã thể hiện quyết tâm đổi mới, tinh thần cầu thị, lắng nghe Nhân dân. Với sự đồng thuận cao, chúng ta tin tưởng bản Hiến pháp sửa đổi sẽ là nền tảng pháp lý vững chắc để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bí thư Tỉnh đoàn Hòa Bình NGUYỄN DUY TƯ: Tập trung vào những vấn đề trọng tâm, căn cốt
Qua nghiên cứu dự thảo, tôi hoàn toàn đồng tình với các các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Có thể thấy, các nội dung đề xuất đều tập trung vào những vấn đề trọng tâm, căn cốt, tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc để bộ máy của hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng mong mỏi của Nhân dân, cũng như yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Tôi đồng tình với nội dung sửa đổi khoản 2 Điều 9: quy định Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh là tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Điều này phù hợp chủ trương tinh gọn bộ máy, khắc phục chồng chéo; khẳng định vai trò trung tâm, làm rõ chức năng tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền lợi Nhân dân, thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Trong những ngày qua, việc tổ chức lấy ý kiến được triển khai thực hiện hết sức bài bản, chặt chẽ, khoa học, thuận lợi. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng của bản Hiến pháp được sửa đổi, mà còn củng cố mạnh mẽ niềm tin của Nhân dân, nhân lên sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Chủ tịch UBND xã Mai Giang (Thanh Chương, Nghệ An) HÀ QUANG THẮNG: Quyết tâm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Là người trực tiếp thực thi pháp luật ở cơ sở, tôi hoàn toàn nhất trí với việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tôi đồng tình với các nội dung sửa đổi về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là những quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Việc làm rõ vị trí, vai trò, nguyên tắc hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên theo hướng tinh gọn, thống nhất, hiệp thương dân chủ, phối hợp hành động là hoàn toàn cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển của hệ thống chính trị hiện nay. Đây là những điều chỉnh quan trọng, thể hiện rõ quyết tâm xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và gần dân hơn.
Tại địa phương, quá trình lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp được tổ chức nghiêm túc, dân chủ, đúng quy trình. Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế đã được ghi nhận. Việc lấy ý kiến không chỉ nâng cao nhận thức pháp lý trong cộng đồng mà còn thể hiện rõ trách nhiệm công dân trong việc xây dựng Hiến pháp - đạo luật gốc của quốc gia.
Với cách làm dân chủ, cầu thị, quá trình lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện trách nhiệm công dân trong việc góp phần xây dựng nền tảng pháp lý cho sự phát triển bền vững của đất nước.