Nhân kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo

- Thứ Sáu, 17/06/2011, 07:40 - Chia sẻ
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi báo chí là thứ vũ khí sắc bén để động viên, giáo dục quần chúng và chiến đấu với kẻ thù. Động lực làm cho ngòi bút báo chí của Người ngày càng sắc bén, linh hoạt chính là sự giác ngộ từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa quốc tế vô sản. Vì mục đích rõ ràng nên Bác không ngừng rèn luyện cách viết, không ngừng nâng cao trình độ. Nếu tính từ tác phẩm đầu tiên Tâm địa thực dân, khoảng tháng 7.1919 đến tác phẩm cuối cùng Thư trả lời Tổng thống Mỹ(đăng trên báo Nhân dân số 25.8.1969) thì trong 50 năm hoạt động liên tục, Người đã viết hơn 2.000 bài báo các loại, ở hàng trăm tờ báo. Hồ Chí Minh cũng đã sáng lập 9 tờ báo: Người cùng khổ (Le Paria, năm 1922), Quốc tế nông dân(1924); Thanh niên(1925); Công nông(1925); Lính Kách mệnh(1925); Thân ái(1928); Đỏ (1929), Việt Nam độc lập(1941); Cứu quốc(1942), Hồ Chí Minh đã sử dụng khoảng 150 bút danh bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Hoa, tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ khác.

Ngày 20.9.1919, Nguyễn Ái Quốc (dường như) đã có lần trả lời phỏng vấn đầu tiên, với báo Yiche Pao, xuất bản tại Thiên Tân, Trung Quốc. Đó là cuộc trao đổi giữa Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường, một đại biểu của Triều Tiên là Tchong Wen và một phóng viên người Mỹ tại nhà phóng viên này. Phóng viên hỏi: “Ông đến Pháp với mục đích gì?”. Đáp: “Để đòi những tự do mà chúng tôi phải được hưởng”. Khi được hỏi về những hoạt động từ khi đến Pháp, Nguyễn Ái Quốc cho biết: “Ngoài việc vận động các thành viên Nghị viện, tôi đã tìm cách nhen nhóm thiện cảm mỗi nơi một chút, trong đó Đảng Xã hội tỏ ra ít thỏa mãn với các biện pháp của Chính phủ và đã sẵn lòng ủng hộ chúng tôi. Về hoạt động của chúng tôi ở các nước khác, lính ở nước ông (Mỹ) chúng tôi có nhiều thành công hơn”.  Ngay từ đầu, Hồ Chí Minh đã có ý thức rõ ràng về việc sử dụng báo chí làm công cụ tuyên truyền, tác động đến các tầng lớp, các giới để phục vụ cho nhiệm vụ chính của mình là đấu tranh vì nền độc lập, tự do cho dân tộc mình.

Nguyễn Ái Quốc có cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Giovanni Germaneto, đăng trên báo L’ Unità của Đảng Cộng sản Ý ngày 15.3.1924. Lúc này, Nguyễn Ái Quốc đang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Moscow. Trong bài trả lời phỏng vấn ít nhiều có tính cởi mở này, Nguyễn Ái Quốc đã nói nhiều về mục đích học tập và tình hình học tập, ăn ở của các sinh viên tại trường. Trả lời câu hỏi “Khi học xong, anh dự định làm gì”, Nguyễn Ái Quốc đáp: “Dĩ nhiên là tôi sẽ trở về Tổ quốc để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi. Ở bên chúng tôi có nhiều việc phải làm lắm. Chúng tôi chẳng có quyền gì cả, trừ quyền đóng thuế cho mẫu quốc Pháp, cho bọn chủ bản xứ. Sự việc nổi bật nhất là như thế này: chúng tôi là những người bị đô hộ, như đồng chí biết, chúng tôi là những dân tộc “hạ đẳng”, và vì thế chúng tôi không có quyền ứng cử, bầu cử. Ở nước Nga, “cái nước của những người dã man” - giai cấp tư sản dân chủ gọi các đồng chí Nga như thế - chúng tôi có đầy đủ những quyền như công dân Nga. Thật vậy, những đại biểu của chúng tôi do Xô Viết của chúng tôi bầu ra theo đúng kỳ hạn, đã cùng hội họp với các đại biểu công, nông, binh. Đó, anh đã thấy sự đối xử khác nhau của chế độ dân chủ tư sản và chế độ dân chủ công nhân đối với chúng tôi! Chúng tôi đã đau khổ nhiều và chúng tôi còn phải đau khổ nữa. Những người “khai hóa” các nước chúng tôi không để chúng tôi tự do. Nhưng chúng tôi tiếp tục đi theo con đường Cách mạng tháng Mười đã vạch ra, chúng tôi sẽ vận dụng vào thực tiễn những bài học đã học được. Các đồng chí của tôi làm việc phấn khởi, tin tưởng, nghiêm túc. Nhiều người còn rất trẻ đã có một trình độ mácxít ít có thể tưởng tượng là có thể có được vào độ tuổi đó. Chúng tôi hiểu rõ chúng tôi có trách nhiệm rất nặng nề, và tương lai của các dân tộc thuộc địa tùy thuộc vào sự tuyên truyền, tinh thần hy sinh của chúng tôi. Ở phương Đông, từ Syria đến Triều Tiên, tôi chỉ nói đến các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, có một diện tích rộng mênh mông với hơn 1.200 triệu dân. Cả vùng rộng lớn này nằm dưới ách thống trị của đế quốc tư bản chủ nghĩa. Các dân tộc ở đó không bao giờ ngẩng đầu lên được nếu không gắn bó với giai cấp vô sản thế giới. Những nghị quyết của phái dân chủ xã hội tỏ cảm tình dù nồng nhiệt đến đâu cũng không có sức nặng”. Trong bài phỏng vấn khá dài này, Nguyễn Ái Quốc đã tỏ rõ quan điểm chính trị về con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa, đó là không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Nguyễn Ái Quốc cũng ít nhiều cảnh báo tinh thần cải lương, thỏa hiệp của một số người đối với những người thuộc giai cấp dân chủ tư sản.

Sau khi trở thành Chủ tịch Nước, là một nhà báo có nhiều kinh nghiệm, Hồ Chí Minh tôn trọng và có mối quan hệ rất tốt đẹp với các nhà báo. Chỉ tính từ ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, cho đến ngày qua đời, Người đã có khoảng 150 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trả lời phỏng vấn với các nhà báo. Ngay ngày 7.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã có buổi tiếp các phóng viên báo chí trong nước. Trả lời câu hỏi của các nhà báo về tiểu sử và hoạt động cách mạng của mình, Người nói: “Từ khi ra đời, tôi đã thấy nước mình là nô lệ. Không muốn sống cảnh nô lệ nữa, ngay từ thuở niên thiếu, tôi đã đấu tranh để giải phóng đất nước. Có lẽ đó là công lao duy nhất của tôi”. Nội dung của cuộc gặp gỡ này đã được đăng tải trên tạp chí Tri Tân số 205, ngày 20.9.1945 và báo La République số 9, ngày 2.12.1945.

Đối với Hồ Chí Minh, tiếp xúc với báo chí là một cách để giới thiệu đường lối, chủ trương đúng đắn của mình trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Qua đó, lên án chính sách hiếu chiến của kẻ thù, sự phá hoại của các thế lực chống phá. Người đã gặp gỡ, tiếp, thăm, trả lời phỏng vấn (cả trực tiếp và qua điện tín) của phóng viên nhiều nước trên thế giới, cả Pháp, Anh, Mỹ, Nhật, Liên Xô, Trung Quốc, Đức, Ý, Ấn Độ, Indonesia, Uruguay, sau này còn có Cuba, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hungary... tất nhiên có cả các nhà báo trong nước. Bên cạnh nhiều trường hợp các nhà báo xin được gặp Bác để phỏng vấn  thì cũng không ít lần Người đến tòa soạn thăm hoặc mời các phóng viên đến để thông tin. Thái độ của Người đối với các nhà báo là cởi mở, thân tình và cũng hết sức khéo léo.

Cuối tháng 10.1945, trả lời các nhà báo về thái độ hiện thời của Chính phủ Việt Nam đối với Trung Hoa và Pháp, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nước Việt Nam được thắng lợi trong sự độc lập, thì sự thắng lợi ấy sẽ làm một điều lợi cho Trung Hoa. (...) Trung Hoa và Việt Nam có quan hệ như răng với môi vậy. (...) Các chính sách của Việt Nam đối với Trung Hoa lúc này tóm lại là phải thân thiện... Đối với bọn thực dân pháp cố tâm dùng vũ lực lập lại chủ quyền của chúng ở đây, chúng ta nhất định sẽ phải thắng lợi. Sự hy sinh của đồng bào ta trong cuộc chiến đấu oanh liệt trong Nam Bộ bây giờ, cái cử chỉ phi thường của một chiến sỹ tự tẩm xăng vào mình để vào đốt một kho dầu của bên địch, tỏ ra rằng một dân tộc đã có tinh thần cao đến bậc ấy thì sức mạnh nào đó có thể đè bẹp được”. Qua báo chí, Người đã khẳng định một cách đanh thép khát vọng độc lập của nhân dân Việt Nam đồng thời thể hiện quyết tâm sắt đá sẽ chống giặc đến cùng.

Cuối tháng 12.1945, Hồ Chí Minh trả lời phóng viên các báo hàng ngày và hàng tuần của Việt Nam về vấn đề đoàn kết. Trước đó ngày 24.12.1945, Việt Minh, Việt Nam Cách mạng đồng minh (Việt Cách) và Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường sự đoàn kết, củng cố mặt trận Liên Hợp quốc dân để tập trung lực lượng vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Phóng viên hỏi: “Tại sao có 70 ghế đặc cách (dành cho Quốc dân Đảng) trong Quốc hội?”. Người nói: “Vì anh em Quốc dân đảng không ra ứng cử”. Phóng viên hỏi: “Sao lại trái nguyên tắc dân chủ vậy?”. Bác đáp: “Muốn đi tới dân chủ, nhiều khi phải làm trái lại. Thí dụ muốn đi tới hòa bình có khi phải chiến tranh”. Cách trả lại ngắn gọn mà hết sức thuyết phục, không chỉ giải quyết ngay vấn đề các phóng viên đặt ra mà còn hàm chỉ một vấn đề khác: muốn có hòa bình, bên cạnh những cách hòa bình, đôi khi phải dùng đến sức mạnh của vũ lực. Nhà báo còn vặn vẹo: “Cần làm trái dân chủ? Thế sao Cụ không tự chỉ định Cụ ra làm Chủ tịch Việt Nam, Cụ còn phải ra ứng cử lôi thôi?”. Thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi, Bác đáp đầy hàm ý:  “Vì tôi không muốn làm như vua Louis thập tứ”. Những ai biết lịch sử nước Pháp đều không lạ gì Louis XIV (1638 – 1717), người giữ ngôi hoàng đế nước Pháp những năm 1664 - 1715 là một ông vua chuyên quyền độc đoán.

Cũng bằng tư duy ấy, trong buổi tiếp nhà báo Pháp Jean Michel Hetrich cuối năm 1945, Hồ Chí Minh nói:  “Nước Pháp thật là một xứ sở kỳ lạ. Nước Pháp sản sinh ra những tư tưởng tuyệt diệu, nhưng khi xuất cảng, chẳng bao giờ nước Pháp cho đưa ra những tư tưởng ấy”.

Giữa tháng 1.1946, trả lời phỏng vấn các báo nước ngoài Hồ Chí Minh nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Tôi chỉ có một điều ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Tháng 7.1947, trả lời phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh gần như tâm sự: “Tôi xin dẹp sự khiêm tốn lại một bên mà đáp một cách thực thà: Tôi không nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Phụ lão Việt Nam là thân thích của tôi. Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi. Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất dân chủ. Bao giờ đạt được mục đích đó, tôi sẽ  trở về làm một công dân du ngoạn sơn thủy, đọc sách làm vườn”. Đó gần như là một quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh về mục tiêu làm cách mạng của mình.

Trong khi tiếp xúc với các nhà báo, Hồ Chí Minh luôn chủ động thẳng thắn không để người hỏi cuốn vào ý đồ của họ. Cách trả lời của Người luôn dứt khoát rõ ràng, sắc sảo. Ngày 20.2.1946, Pháp và Trung Quốc (của Tưởng Giới Thạch) ký hiệp ước Hoa – Pháp, Pháp đã có những nhượng bộ cho Quốc dân đảng Trung Quốc tại Việt Nam, tiến tới độc chiếm Đông Dương. Ngày 23.2, các nhà báo gặp và phỏng vấn Hồ Chí Minh. Có nhà báo hỏi: “Có phải nước ta không cho nước Trung Hoa đủ những quyền lợi về kinh tế như Pháp đã cho Trung Hoa nên mới có bản hiệp ước Hoa - Pháp?”. Bác trả lời: “Vấn đề đó không thành câu hỏi”. Nói câu này, Người có hàm ý không bằng lòng. Rõ ràng, nếu không phải người có ý đồ gài bẫy thì câu hỏi này cũng cho thấy người hỏi non về chính trị. Vì vậy trong phần trả lời tiếp theo sau đó, Người ca ngợi chủ nghĩa Tam dân của Trung Quốc, khẳng định quan hệ tốt đẹp của hai dân tộc mà không đả động gì đến nội dung chính của câu hỏi.

Ngày 12.7.1946, trả lời câu hỏi của các nhà báo tại Pháp “Nếu Nam Kỳ từ chối không sáp nhập vào Việt Nam, Chủ tịch sẽ làm gì?”. Hồ Chí Minh nói: “Nam Kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi, tại sao Nam Kỳ lại không muốn ở trong đất nước Việt Nam? Người Basques, người Breton, không nói tiếng Pháp vẫn là người Pháp. Người Nam Kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao còn nghĩ đến sự cản trở việc thống nhất đất nước Việt Nam?”. Không dùng đao to búa lớn để trả lời ý: “Chủ tịch sẽ làm gì?”, Hồ Chí Minh dùng những lý lẽ không thể bác bỏ được để đập tan ý đồ chia rẽ Nam Bộ khỏi Việt Nam bằng cái gọi là Nam Kỳ quốc tự trị.

Liên quan đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 2.1.1947, Hồ Chí Minh khẳng định: “Việt Nam không muốn chiến tranh chống nước Pháp và nhân dân Pháp vì ta muốn hai dân tộc Việt - Pháp cộng tác thật thà. Nhưng tự do độc lập là quyền trời cho mỗi dân tộc. Bọn thực dân phản động dùng vũ lực phá hoại quyền thống nhất và độc lập của dân tộc ta, cho nên nhân dân ta phải kháng chiến để giữ gìn đất nước”. Trả lời câu hỏi “Cuộc kháng chiến sẽ kết liễu như thế nào?”, Người nói “Lịch sử thế giới và lịch sử nước ta đã tỏ cho ta biết rằng, hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết tranh đấu cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng được họ. Dân Việt Nam muốn được hòa bình, nhưng vì vận mệnh của Tổ quốc, của giống nòi thì sẽ kháng chiến đến cùng, kháng chiến đến thắng lợi”. Hơn 4 tháng sau, vào tháng 5.1947, Hồ Chí Minh lại có những khẳng định tương tự khi trả lời phỏng vấn của thông tín viên Vasidep Rao (Hãng tin Reuters): “Nếu không hòa bình được, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Toàn dân Việt Nam cương quyết đấu tranh cho thống nhất và độc lập”. Trong bài trả lời khá dài này, Hồ Chí Minh đã khéo léo sử dụng điển tích nổi tiếng Con chó sói và con cừu trong Truyện ngụ ngôn La Fontanie để khẳng định một thực tế là thực dân Pháp đang thể hiện “chân lý của kẻ mạnh”, bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự đè bẹp khát vọng và tinh thần của nhân dân ta.

Trong số những nhà báo nổi tiếng thế giới được Bác Hồ tiếp kiến, có thể kể nhà báo người Úc Wilfred Burchett. Giữa đợt 1 (bắt đầu từ ngày 13.3.1954) và đợt 2 (bắt đầu từ ngày 30.3.1954) của chiến dịch Điện Biên Phủ, tại căn cứ địa Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên tiếp Wilfred Burchett, người sau này tiếp tục gắn bó, phản ánh và ủng hộ nhân dân ta cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong hồi ức của mình, nhà báo Úc đã thuật lại cách giải thích của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kháng chiến: “Bác Hồ đặt ngửa chiếc mũ trên bàn. Đưa những ngón tay gầy guộc theo vành mũ và nói: Tình hình thế này, đây là những ngọn núi mà lực lượng chúng tôi nắm giữ. Dưới kia là thung lũng Điện Biên Phủ. Đó là nơi đóng quân của người Pháp với những đội quân thiện nghệ nhất mà họ có tại Đông Dương... Và họ sẽ không bao giờ rút ra được”. “Vậy đây chính là Stalingrad ở Đông Dương?” - Burchett hỏi, và Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Căn cứ vào điều kiện ở đây thì đúng như vậy. Nói khiêm tốn thì đó là một điều gì đó giống như thế”. W. Burchett sau này nhiều lần đến Việt Nam đã đưa ra nhận xét “Cảm giác đầu tiên của tôi là sự thân mật, ấm áp và giản dị. Hồ Chủ tịch có khả năng khiến người ta thấy nhẹ nhõm, ngay từ khoảng khắc đầu tiên và trình bày những vấn đề phức tạp nhất chỉ trong vài từ và cử chỉ rõ ràng. Trong những cuộc gặp gỡ tiếp theo với nhân cách vĩ đại này, sự ấm áp, giản dị, cách thể hiện rõ ràng xuất phát từ trí tuệ mẫn tiệp và sự thấu hiểu trọn vẹn chủ đề khiến ta có ấn tượng vô cùng sâu sắc. Bất cứ ai được Hồ Chủ tịch tiếp đều bình luận về những phẩm chất ấy, và cao hơn hết là cảm giác của họ ngay lập tức như người trong nhà của Chủ tịch”.

Trong chuyến thăm Indonesia tháng 3.1959, trả lời các nhà báo nước bạn, Hồ Chí Minh có những lời đáp rất tế nhị. Chẳng hạn, có nhà báo hỏi “Xin Chủ tịch cho biết ý kiến của Chủ tịch về tình hình chính trị ở Indonesia?”. Người hỏi ngược lại: “Tôi đến đây mới ba ngày. Làm thế nào tôi có thể có ý kiến về tình hình ở đây được?”. Một nhà báo khác hỏi: “Giữa Chủ tịch và Tổng thống Soekarno có cuộc thảo luận chính trị nào không?”. Người trả lời rất chặt chẽ về ngôn ngữ: “Có thể nói là có. Nhưng chúng tôi gọi đó là cuộc trao đổi ý kiến, chớ không phải là cuộc thảo luận. Chúng tôi nói chuyện với nhau một cách thân mật anh em”. Những câu trả lời này vừa thể hiện sự dí dỏm mà cũng hết sức thông minh, khéo léo của Người đối với những vấn đề ngoại giao...

Sự trân trọng của Hồ Chí Minh đối với các nhà báo còn được thể hiện rõ trong cuộc tiếp nữ nhà báo Cuba Marta Rojas (báo Granma) vào ngày 14.7.1969. Đây là lúc sức khỏe của Bác Hồ không được tốt, nhưng với một nhà báo đến từ một nước xã hội chủ nghĩa anh em, Người đã dành thời gian tiếp chuyện mà đến hơn 40 năm sau vẫn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người được tiếp. Bà Marta Rojas hồi tưởng: “Những lần ở Hà Nội tôi đều tới thăm báo Nhân dân và nói với nhà báo Hoàng Tùng rằng tôi muốn có một cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một buổi, đồng chí Hoàng Tùng  gọi cho tôi: 6 giờ sáng mai tôi qua đón chị vào phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là buổi sáng một ngày khoảng giữa tháng 7.1969, tôi, nhà báo Hoàng Tùng và người phiên dịch bước vào  Phủ Chủ tịch thì gặp một cụ già mặc một bộ quần áo màu trắng tươi cười đi tới và chào tôi bằng tiếng Tây Ban Nha: “Chào buổi sáng đồng chí Marta”. Tôi đã nghe nói nhiều về Bác Hồ, nhưng không nghĩ Người lại giản dị, thân tình đến thế”. Marta Rojas nói tiếp: “Tôi chỉ định phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng thật bất ngờ và thú vị là Người đã phỏng vấn lại tôi. Người hỏi tôi về những cảm nhận, những trải nghiệm của tôi ở Tây Ninh... Rồi Người hỏi thăm Fiel và nói: “Tôi đã đọc rất nhiều bài phát biểu của Fiel và rất thích những bài phát biểu đó”. Marta Rojas cho biết, câu hỏi tuyệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bà lúc đó là nhà báo nhìn nhận thế nào về những lá cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Marta trả lời Bác: “Miền Nam mưa, nắng nhiều, nhưng lá cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc nào cũng như mới”. Sau đó, lý giải của Bác khiến Marta không thể nào quên: “Vì mục tiêu đấu tranh của  mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam là bảo vệ cho lá cờ đỏ ở đúng vị trí mà nó cần phải có. Đó là biểu tượng của Việt Nam. Chắc chắn chúng tôi sẽ chiến thắng người Mỹ. Tất cả sự chịu đựng và nỗi đau của người dân miền Nam cũng là sự chịu đựng và nỗi đau của tôi”.

Dĩ nhiên còn rất nhiều chuyện khác liên quan đến thái độ, tình cảm ứng xử của Hồ Chí Minh đối với nhà báo. Lược qua những cuộc trao đổi giữa Hồ Chí Minh với các nhà báo ta dễ dàng nhận ra một Hồ Chí Minh chính khách đầy quyết đoán, sắc sảo; một Hồ Chí Minh nhà báo luôn quan tâm, thông cảm và cũng hiểu rõ những thủ thuật của các phóng viên. Hồ Chí Minh sử dụng vũ khí báo chí và sử dụng ngôn từ trên báo chí đã đạt đến trình độ nghệ thuật cao, cả khi Người trả lời phỏng vấn.

Theo Dấu ấn của nhà báo Nguyễn Ái Quốc –
Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc

Vân Tâm