Nhãn Hương Chi - Hướng đi mới cho nông dân Đắk Nông
Mặc dù cà phê là loại cây chủ lực của tỉnh Đắk Nông, song hiện nay nhiều người dân ở đây đã chủ động chuyển đổi sang trồng nhãn Hương Chi của Hưng Yên cho hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có 135.752ha cà phê, năng suất trung bình đạt 2,73 tấn/ha/vụ. Thu nhập từ hạt cà phê hiện nay khá thấp so với các loại cây trồng khác, người dân trồng cà phê có thu nhập trung bình từ 35 - 50 triệu đồng/ha/năm nhưng chịu nhiều loại chi phí đầu tư, thu hoạch, công chăm sóc. Đây là loại cây chủ lực của tỉnh Đắk Nông, đa số địa phương đều trồng và được bán dưới dạng thô qua thương lái, giá trị không quá cao.
Một số hộ dân cho biết, hiện nay chi phí sản xuất cà phê quá cao, cũng như việc thị trường cà phê liên tục bị xáo trộn, chất lượng hạt cà phê bị ảnh hưởng không nhỏ. Các doanh nghiệp lớn thường chỉ tập trung thu mua các loại cà phê chất lượng cao, đòi hỏi nông dân phải đầu tư hơn nữa vào quy trình thu hoạch, bảo quản, sơ chế.
Từ thực tế ấy, nhiều người dân đã chủ động chuyển đổi mô hình trồng cà phê kém hiệu quả sang trồng nhãn Hương Chi cho hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương.
Anh Thoai ở xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, chủ một vườn nhãn cho biết, để cây nhãn phát triển tốt, việc chăm sóc cây rất quan trọng bởi giống nhãn này không phát triển lên cao mà chỉ cần tạo tán, thuận lợi cho việc cắt tỉa, thu hoạch. Bên cạnh đó, sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hóa học cũng là một yếu tố giúp cây đạt năng suất. Mỗi gốc cây nếu được chăm sóc đúng quy trình có thể thu hoạch từ 20 - 30kg/cây với giá bán tại vườn dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Vụ nhãn đầu tiên sau 3 năm nghiên cứu đã mang lại cho chủ vườn nguồn thu hơn 300 triệu đồng. Theo anh Thoai, nhãn Hương Chi cho quả to, vỏ mỏng, hạt nhỏ, cơm nhãn dày giòn, thơm và ngọt hơn so với giống nhãn cùi, nhãn tiêu da bò, chịu hạn tốt, sinh trưởng nhanh, dễ chăm sóc và công đầu tư ít.
Còn đối với gia đình ông Dương, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, khi mới chuyển từ Ninh Bình vào Đắk Nông lập nghiệp với 3ha đất đen pha cát, đá sỏi nhiều, kinh tế gia đình khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên, sau khi quyết định trồng thử nhãn lồng Hưng Yên, chỉ sau 3 năm cây phát triển tốt và bắt đầu cho ra quả bói. Với giá bán luôn đạt từ 25.000 đồng - 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi ha nhãn ông thu lãi khoảng 200 triệu đồng/vụ. Mức thu nhập này cao hơn hẳn so với trồng cà phê.
Ông Dương cho biết kết quả đó là nhờ nhãn lồng Hưng Yên rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, cùng với việc chăm sóc cẩn thận, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về bón phân, tưới nước, làm mương tiêu, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, gia đình ông Dương còn áp dụng kỹ thuật xử lý cho ra trái rải vụ theo từng lô (xử lý cho ra hoa theo ý muốn), vừa để bán được giá, vừa có thể cung cấp trái cây cho thị trường quanh năm.

Gia đình chị Toan ở xã Đắk R'moan, thành phố Gia Nghĩa, sau khi tìm hiểu một số mô hình trồng nhãn Hương Chi hiệu quả tại Đắk Lắk, đã quyết định mua giống cây này và trồng xen trong vườn cà phê. Chị cho biết nhãn Hương Chi cho thu hoạch sớm, năng suất cao, ưu điểm là ra nhiều đợt hoa nên dù gặp thời tiết không thuận lợi vẫn có thể đậu quả tốt, cho năng suất ổn định. Đối với giống cây này, theo chị Toan để tiện công chăm sóc cũng như quả không thu hoạch cùng một thời điểm chị thường cho nhãn ra quả nhiều đợt, mỗi đợt từ 100 - 200 cây.
Đại diện Hội Nông dân xã Đắk R'moan cho biết sẽ nghiên cứu để tiếp tục nhân rộng mô hình trồng nhãn Hương Chi, hỗ trợ cho người dân trên địa bàn có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, thêm lựa chọn trong chuyển đổi mô hình cây trồng.
Anh Đặng Ngọc Hương, thôn 1, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, trồng 600 cây nhãn Hương Chi xen trong vườn sầu riêng từ năm 2019, đến nay vườn nhãn đã cho thu hoạch, đem lại cho gia đình anh một khoản thu nhập khá. Anh Hương đang ấp ủ mở rộng diện tích, chăm sóc vườn cây theo hướng nông nghiệp xanh, đưa sản phẩm vào được các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh; đồng thời chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho các hộ dân có nhu cầu để tạo nên vùng sản xuất sản lượng lớn phục vụ xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản...
Có thể nói, hướng chuyển đổi sang trồng nhãn của một số hộ dân ở Đắk Nông bước đầu cho thấy hiệu quả. Để sản xuất bền vững, hạn chế rủi ro, một số chuyên gia cho rằng, người dân nên nghiên cứu kỹ lưỡng, đẩy mạnh liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm để tạo đầu ra ổn định, lâu dài.