Nhận định trong tuần
Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan: Định vị nước ta trong thế giới đã thay đổi Một sự tái cấu trúc khác cực kỳ quan trọng, thậm chí có tính bước ngoặt trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới là quá trình tái cấu trúc sức mạnh của các quốc gia và khu vực... Trong khuôn khổ đó người ta quan tâm nhiều nhất tới sự đổi ngôi của hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc theo chiều hướng kinh tế Trung Quốc đi lên, kinh tế Mỹ đi xuống. Chỉ ít năm trước đây mấy ai tưởng tượng nổi cảnh Trung Quốc cứu nền kinh tế Tây Âu, nắm giữ hàng ngàn tỷ USD trái phiếu của Chính phủ Mỹ, Phó tổng thống Mỹ phải đích thân sang Bắc Kinh kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc sang đầu tư kinh doanh ở Mỹ!? Nói một cách khác, thế giới đã đổi thay và nên định vị nước ta thế nào trong thế giới ấy; đó mới là điều đáng suy nghĩ và có kế sách thỏa đáng chứ không chỉ xử lý những vấn đề riêng lẻ. Theo www.thesaigontimes.vn, ngày 22.9 Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Nguyễn Đình Cung: Công khai hoạt động của các DNNN là yếu tố quyết định Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước luôn có “lợi thế” là khi làm ăn có lãi thì họ cho đó là sự thành công của họ, nhưng lúc thua lỗ lại đổ tại vì phải gánh vác những trách nhiệm xã hội mà Nhà nước giao cho, và yêu cầu giải cứu... Như thế là không sòng phẳng, và vô hình trung trở thành rào cản cho chính họ trên con đường tiến tới sự phát triển tích cực hơn. Muốn tốt cho doanh nghiệp nhà nước, cần đặt các doanh nghiệp này vào áp lực cạnh tranh và bình đẳng với các thành phần doanh nghiệp khác. Và khi cũng phải đối mặt với những rủi ro thị trường, tôi nghĩ họ sẽ có những thay đổi theo hướng tốt lên đối với người dân cũng như dư luận xã hội trong cách ứng xử. Muốn làm được điều này, công khai hoạt động của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước là một trong những cách làm mang tính chất quyết định nhất. Theo www.vneconomy.vn, ngày 22.9 Ts Lê Đăng Doanh: Phải loại bỏ lợi ích nhóm Việc hai Bộ (Công thương và Tài chính - PV) có quan điểm vênh nhau (về quản lý giá xăng dầu - PV) cũng là bình thường. Nhưng khi có ý kiến khác nhau thì nên trao đổi một cách khoa học và cầu thị, không nên có thành kiến hay chứng minh tôi giỏi hơn anh. Việc không rõ ràng khiến người dân liên tục đặt vấn đề về câu chuyện lợi ích nhóm ở đây. Không thể để tình trạng doanh nghiệp muốn nói thế nào thì nói. Doanh nghiệp “dọa” Nhà nước cũng là việc không thể xảy ra nếu mọi việc được minh bạch trong tất cả các khoản, từ việc điều hành chính sách đến việc kinh doanh của doanh nghiệp. Làm được điều này thì sẽ khó có thể xuất hiện tình trạng lợi ích nhóm cũng như việc bộ này bênh doanh nghiệp trong khi bộ kia có ý kiến trái chiều. Theo www.tienphong.vn, ngày 22.9 |