Nhận định trong tuần
TS. Quách Mạnh Hào, ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội: Thắt chặt tiền tệ phải quyết liệt và có định hướng Chính phủ thực tế đã theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt thì tôi nghĩ cần phải thực hiện điều này một cách quyết liệt nhưng có định hướng, tránh tạo cảm giác không chắc chắn cho người tiêu dùng. Lấy một ví dụ khá đơn giản là giá xăng dầu. Khi chúng ta tăng giá xăng dầu thì chúng ta giải thích là vì giá thấp hơn so với các nước láng giềng. Nhưng khi tăng xong rồi chúng ta cũng vẫn nói tăng như thế là vẫn còn thấp hơn thì người dân sẽ nghĩ rằng còn tăng tiếp. Tại sao chúng ta không tăng một lần cho bằng hoặc đơn giản là nói rằng giá vẫn thấp hơn nhưng cam kết không có lần tăng giá nào nữa cho đến cuối năm. Nếu chúng ta không định hướng người tiêu dùng về việc con gà lạm phát sẽ chạy đến đâu, thì rõ ràng điều này không khác gì để nó chạy tự do và chính sách tiền tệ sẽ liên tục phải đuổi theo nó. Theo www.vneconomy.vn, ngày 5.4 Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) Ts Võ Trí Thành: Có khả năng sẽ tăng dự trữ bắt buộc Nếu tình hình kinh tế thế giới không biến động nhiều và Chính phủ quyết tâm thực hiện Nghị quyết 11 đã đề ra, thì phải mất trên dưới 2 quý để ổn định kinh tế vĩ mô và để lạm phát giảm dần. Lý do là độ trễ của các chính sách tiền tệ từ 3-6 tháng, và quán tính lạm phát phải ít nhất là 6 tháng. Như vậy, lạm phát theo năm sẽ còn tiếp tục tăng ít nhất là trong 2 tháng tới rồi sau đó mới giảm dần. Nếu chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục cao trong tháng 4 và tháng 5 thì có khả năng dự trữ bắt buộc bằng cả tiền đồng và USD sẽ tăng nhằm tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Nếu Chính phủ có giảm giá tiền đồng thì sẽ điều chỉnh giảm không quá 2,5% từ nay đến cuối năm. Khả năng giữ được tỷ giá quanh mức này của Việt Nam là có vì năm nay dự trữ ngoại tệ có thể tăng thêm được 2-3 tỷ USD và cán cân thanh toán của Việt Nam có thể có thặng dư 2 tỷ USD. Theo www.thesaigontimes.vn, ngày 6.4 Giám đốc quốc gia của ADB Ayumi Konishi: Giảm lạm phát phải kiên nhẫn Việt Nam cần có thời gian để các con số lạm phát giảm, bởi tỷ lệ lạm phát tháng đã rất thấp trong khoảng từ tháng 4-9.2010, không dễ để tỷ lệ lạm phát tháng hiện tại xuống mức thấp hơn năm ngoái. Dự báo trong năm nay, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, trung bình khoảng 13,3% trong suốt năm và sẽ giảm xuống mức 6,8% trong 2012. Nếu Việt Nam muốn giảm tỷ lệ lạm phát tính theo năm xuống một con số cuối năm nay thì tỷ lệ lạm phát trung bình tháng phải dưới mức 0,4%. Điều này là thách thức nhưng cũng có thể đạt được, và cần phải kiên nhẫn. Theo www.sgtt.vn, ngày 6.4 |