Nhận diện và ứng phó với khó khăn từ nền kinh tế
Nếu nhìn vào tốc độ tăng lạm phát tháng 9 (0,82%), thì mức tăng này là thấp nhất trong 9 tháng của năm. Đây là thông tin đáng mừng nếu nhìn vào tính thời điểm. Nhưng nếu nhìn xa hơn, nền kinh tế đang đứng trước không ít khó khăn ở cả nội tại cũng như tác động từ kinh tế thế giới. Nhận diện và ứng phó sớm với những nguy cơ này là cần thiết.
Cho đến cuối tháng 9 này, điểm sáng của nền kinh tế là tăng trưởng qua các quý có xu hướng tăng dần, dù chưa nhiều. Quý III, kinh tế tăng trưởng khoảng 6,11%, đưa kinh tế cả nước tăng trưởng 5,76% trong 9 tháng. Và theo dự báo, nếu tiếp tục đà này, kinh tế quý IV cũng tăng trưởng khoảng hơn 6%, để giúp kinh tế cả năm đạt khoảng trên dưới 6%. Tuy nhiên, thách thức trước mắt còn rất lớn, trong đó có lạm phát. Lạm phát cả năm đặt mục tiêu khoảng 18%, nhưng lúc này tính chung cả 9 tháng, đã có mức tăng trên 17%. Trong khi đó còn cả một quý IV với nhiều diễn biến phức tạp. Về chủ quan, thì quý IV nhu cầu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa phục vụ lễ Tết tăng mạnh, vừa có nguy cơ nhập khẩu tăng, vừa gây áp lực lên tỷ giá. Bên cạnh đó, hiện tại đang là mùa mưa bão, những thiệt hại của thiên tai có thể đẩy giá hàng hóa, dịch vụ lên, nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm.
Thách thức nữa với nền kinh tế, liên quan mật thiết với lạm phát, là vốn cho nền kinh tế. Lãi suất tín dụng cho vay dù được nhiều ngân hàng đồng loạt giảm về từ 17 đến 19%, nhưng thực tế vẫn cao. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, về cơ bản vẫn ít người vay được mức vốn có lãi suất 17%. Sản xuất khó khăn, hàng tồn kho nhiều, tiếp cận vốn giá thấp cũng rất khó khăn. Thực tế giữa lạm phát và lãi suất trong nhiều giai đoạn như câu chuyện quả trứng và con gà. Nhưng lúc này, dù quả trứng hay con gà thì lãi suất vẫn được lựa chọn là giảm trước để kéo lạm phát xuống.
Còn về kinh tế thế giới, trong báo cáo Triển vọng kinh doanh của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây, kinh tế thế giới có nguy cơ lâm vào suy thoái. Mắt xích quan trọng là châu Âu, với vấn đề nợ công. Các chuyên gia của IMF khuyến cáo Chính phủ các nước có nền kinh tế mới nổi ở châu Á, trong đó có Việt Nam, cần sớm có biện pháp ứng phó. Bởi nếu EU không giải quyết được nợ công, thì sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế và tác động đến Việt Nam. Việt Nam là nước xuất khẩu lớn sang EU và Mỹ, nên rõ ràng đây là những thông tin không mấy tốt đẹp.
Trước những khó khăn này, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ vẫn ưu tiên bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó, chống lạm phát là nhiệm vụ số một. Từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ sẽ được thực hiện theo hướng thắt chặt chứ không dừng lại ở chặt chẽ. Và thông tin đáng lưu ý là Ngân hàng Nhà nước sẽ không sử dụng hết giới hạn mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% như ban đầu, mà đặt mục tiêu mới thấp hơn 3%.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải đảm bảo được vốn cho nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế của IMF cho rằng, lúc này cần hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được vốn, nếu không sẽ tác động đến sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Mức trần lãi suất huy động 14% đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát khá gay gắt và có hiệu lực thi hành tốt. Ngân hàng Nhà nước cũng cần tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng thương mại về thanh khoản để cung ứng vốn cho doanh nghiệp với giá hợp lý, kích thích sản xuất. Riêng thị trường vàng, vốn gây bất ổn không ít cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, thận trọng, để không mất tiền vì hoạt động mua bán, trục lợi của giới đầu cơ. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cho nhập khẩu vàng để ổn định thị trường trong nước.
Đối với các dòng vốn khác cho nền kinh tế, hiện việc cắt giảm đầu tư công đang được thực hiện, dồn vốn cho những công trình cấp bách, có hiệu quả sớm. Vì vậy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm nay ước chỉ khoảng 35%, thấp hơn nhiều mức trên 42% của năm ngoái. Đối với nguồn vốn FDI, ông Vũ Đức Đam cho biết, nhiệm vụ lúc này là phải rà soát xem tại sao dòng vốn này đang có xu hướng giảm, để có giải pháp khắc phục. Bởi chủ trương của Chính phủ là huy động đa dạng nguồn vốn đầu tư cho xã hội. Chính phủ sẽ cơ cấu lại ngay cả các dự án hạ tầng trước đây đang dùng ngân sách, để huy động thêm từ nguồn vốn khác. Chính phủ cũng đặt mục tiêu tiếp tục thu hút FDI và ODA, trước mắt giải quyết vướng mắc các dự án đã thu hút rồi.