10 năm Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long

Nhận diện sâu sắc, đầy đủ giá trị di sản

- Thứ Ba, 24/11/2020, 06:27 - Chia sẻ
Sau tròn một thập kỷ được UNESCO ghi danh Di sản thế giới (2010 - 2020), việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội vẫn đang đứng trước những thách thức nhằm bảo tồn di tích khảo cổ học nằm sâu dưới lòng đất cũng như phát huy giá trị đã được tích tụ, bồi đắp qua nghìn đời trong đời sống hiện đại.

Chưa hình dung hết diện mạo khu di sản

Nhân 10 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới (2010 - 2020), chiều 23.11, UBND TP Hà Nội phối hợp Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long”.

Phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long trong đời sống
Nguồn: ITN

Di sản mang những giá trị nổi bật toàn cầu, bởi liên tục trong hơn một thiên niên kỷ đây là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan độc đáo. Thời gian qua, việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu di sản được đặc biệt quan tâm và có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo PGS. TS. Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia: “Một bộ phận cấu thành quan trọng của Khu di sản hiện vẫn ẩn sâu trong lòng đất (dưới dạng các dấu tích khảo cổ học). Phần dấu tích đã được phát lộ qua các đợt khai quật và các hạng mục kiến trúc trên mặt đất mới giúp ta hình dung một phần diện mạo chung của cả khu di sản. Do đó, nhận diện đầy đủ các mặt giá trị của khu di sản theo yêu cầu của UNESCO là một quá trình nghiên cứu lâu dài”.

Với tính chất của một khu di tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ học, các dấu tích chủ yếu vẫn còn khuất lấp trong lòng đất, mới chỉ nghiên cứu, khai quật khảo cổ gần 50.000m2 trên tổng số 200.000m2 là quá hạn hẹp, chưa có khả năng hình dung hết diện mạo khu di sản. PGS. TS. Đặng Văn Bài cho rằng, thời gian tới rất cần triển khai đến tận cùng kế hoạch nghiên cứu, khai quật khảo cổ học đã được phê duyệt nhằm từng bước đánh giá và nhận diện sâu sắc, đầy đủ các mặt giá trị của khu di sản. Mặt khác, kết quả nghiên cứu, khai quật tiếp theo chắc chắn sẽ cung cấp cho chúng ta đầy đủ tư liệu/bằng chứng vật chất làm cơ sở khoa học cho việc thực hiện có kết quả dự án phục dựng Điện Kính Thiên - hạng mục kiến trúc hạt nhân trong quần thể kiến trúc kinh thành Thăng Long xưa...

Bên cạnh di sản văn hóa vật thể đã được chứng minh qua kết quả khai quật khảo cổ học, còn có một kho tàng văn hóa phi vật thể mà đến nay chưa khai thác đầy đủ. Theo PGS. TS. Đặng Văn Bài, khu di sản gắn với trung tâm quyền lực quốc gia liên tục trong một nghìn năm cũng tức là có liên quan tới mật thiết tới các hoạt động của Cung đình - Hoàng gia qua nhiều triều đại. Gắn với Cung đình và Hoàng gia/giới tinh hoa trong xã hội nên văn hóa phi vật thể đã tồn tại trong không gian văn hóa đó chắc chắn mang tính bác học và quy chuẩn (sinh hoạt Cung đình, triều nghị, thi cử, lựa chọn nhân tài, các quyết sách lớn ảnh hưởng tới sự tồn vong và phát triển quốc gia, các lễ hội lớn, thiết triều, lễ đăng quang, tế Nam giao, Xã tắc...). Đây là những nội dung nghiên cứu hấp dẫn.

Bảo tồn bền vững

Theo các chuyên gia, thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo tồn bền vững khu di sản cũng chính là thực hiện nghiêm túc cam kết nghĩa vụ quốc gia theo 8 khuyến nghị do UNESCO đặt ra. Chuyên gia về di sản văn hóa, Văn phòng UNESCO Hà Nội Hoàng Diệu Thúy nhận định: Trong xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững, đối với một khu di sản chứa đựng nhiều giá trị khảo cổ nổi bật toàn cầu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của một nền văn hóa Việt Nam xuyên suốt nhiều thế kỷ, Hoàng thành Thăng Long phải chọn định hướng phát triển khác với các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới khác ở Việt Nam, nơi mà du lịch bền vững - có trách nhiệm và các hình thức bảo tồn động là nền tảng của chiến lược phát triển bền vững.

Đối với Hoàng thành Thăng Long, phát triển bền vững đi liền với chiến lược xây dựng hình ảnh di sản trở thành một trung tâm giáo dục, nghiên cứu văn hóa di sản của cả nước. Do đó, các sản phẩm phục vụ công chúng, đặc biệt là công chúng Hà Nội, sẽ hướng tới giới trẻ, với các ý tưởng kết nối không gian văn hóa từ khu di sản tới các điểm văn hóa - du lịch vệ tinh như các làng nghề truyền thống, nơi mà từ nhiều thế kỷ trong lịch sử đã ghi nhận mối quan hệ bách nghệ kinh kỳ. Ở đó, Thăng Long đã tồn tại như một kinh đô và trung tâm kinh tế - văn hóa kết nối các yếu tố của nền kinh tế nông nghiệp và sản xuất thủ công.

Bà Hoàng Diệu Thúy cho rằng: “Trong tương lai, để Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long trở thành một điển hình của di sản phát triển bền vững, sự tham gia của các bên liên quan mà chủ đạo là Nhà nước và không thể thiếu là cộng đồng, các nhà chuyên môn, cần được đặc biệt nhấn mạnh”.

Mối quan hệ ràng buộc giữa văn hóa vật thể và phi vật thể bằng cách tiếp cận tổng thể bảo tồn di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long là một công việc cần thiết và phải được duy trì như một chiến lược của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội” - GS. TS. Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam góp ý. Bằng cách này, một mặt chúng ta giữ gìn, bảo quản tốt các di tích đang tồn tại ở đây, mặt khác phát huy được các giá trị nghìn đời phục vụ cuộc sống hôm nay. Nó vừa làm nhiệm vụ bảo vệ các di sản lịch sử, văn hóa của cha ông, vừa làm nhiệm vụ giáo dục lịch sử, văn hóa cho các thế hệ mới; đồng thời nếu có chiến lược khai thác tốt, sẽ góp phần phát triển kinh tế của Thủ đô trong bối cảnh Hà Nội là Thành phố vì hòa bình và Thành phố sáng tạo.

Ngọc Phương