Quốc hội và Cử tri

Nhận diện rõ khó khăn, thách thức trong tăng trưởng kinh tế

Trần Tâm 23/05/2025 16:25

Sáng 23/5, phát biểu tại Phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, ĐBQH Ngô Văn Tuấn (Hòa Bình) đã thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, thách thức cần được nhận diện và có giải pháp phù hợp để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.

Những thách thức chậm được cải thiện

Bày tỏ thống nhất cao với các đánh giá trong báo cáo của Chính phủ, ĐBQH Ngô Văn Tuấn cho biết, trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đặc biệt là quyết tâm rất cao trong Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với mục tiêu đưa đất nước ta có bước phát triển đột phá; phấn đấu tăng trưởng trên 8% trong năm nay và bắt đầu từ nhiệm kỳ mới tăng trưởng hai con số.

z6630280547882_209d7189061ad861dcb03ed538842c6a.jpg
ĐBQH Ngô Văn Tuấn (Hòa Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh

Tuy nhiên, ĐBQH Ngô Văn Tuấn cho rằng, mục tiêu trên là một thách thức vô cùng lớn; bởi từ năm 1990 đến nay, tăng trưởng bình quân của nước ta đạt 6,3% và chỉ có 2 năm đạt tăng trưởng trên 9%. Trong năm nay, chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8% và bắt đầu từ nhiệm kỳ tới phải là 10% trở lên; có như vậy chúng ta mới trở thành một nước hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045 theo mục tiêu Đại hội Đảng đề ra. Trong khi đó, những khó khăn, thách thức cho tăng trưởng, dù đã rất quyết tâm cải thiện song chuyển biến còn chậm.

Thách thức đầu tiên được ĐBQH Ngô Văn Tuấn đề cập là tình hình biến đổi khí hậu và thiên tai. “Chúng ta đã có giải pháp gì hữu hiệu để giảm thiểu thiệt hại và thích nghi với vấn đề này? Chúng ta không thể chống được mà chỉ có thể giảm thiểu và thích nghi. Tôi lấy ví dụ như về nước biển dâng, ngập mặn. Chúng ta có giải pháp phát triển nông nghiệp như thế nào để thích nghi với chuyện này, ngay từ công nghệ giống”, Tổng Kiểm toán nhà nước nêu dẫn chứng.

Thách thức thứ hai là già hóa dân số và gánh nặng chăm sóc y tế. Theo ĐBQH Ngô Văn Tuấn, nước ta là quốc gia có tốc độ già hóa dân số lớn nhất thế giới và đến năm 2036, chúng ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa đề cập đến chiến lược cụ thể về phát triển dân số. Bởi, dân số già không những thiếu người lao động mà còn đặt ra nhu cầu rất lớn về chăm sóc y tế, an sinh xã hội cho người già…

Khó khăn, thách thức thứ ba là động lực tăng trưởng. ĐBQH Ngô Văn Tuấn chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng ngày càng suy giảm, thể hiện ở chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) rất cao và năng suất lao động thấp.

“Tính toán chỉ số ICOR của nước ta trong cùng thời kỳ phải gấp 3 lần của Singapore. Tức là họ bỏ ra 3 đồng thì có 1 đồng tăng trưởng, trong khi chúng ta phải bỏ vào hơn 7 đồng để có một đồng tăng trưởng”, Tổng Kiểm toán nhà nước chia sẻ.

Cùng với đó, bài toán quan trọng nhất là làm chủ công nghệ nguồn, công nghệ lõi và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng chưa có nhiều chuyển biến. Sản xuất nông nghiệp còn rất khó khăn, được mùa mất giá, được giá mất mùa, thiếu chế biến sâu và rất phụ thuộc vào 1 - 2 thị trường; công nghiệp chủ yếu là gia công nên năng suất lao động rất thấp.

 Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Trọng Quỳnh

Chưa kể, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nước ta hiện nay lại tiếp tục phát sinh thêm những khó khăn mới, trong đó có việc ứng phó với chính sách áp thuế nhập khẩu của Mỹ. Bên cạnh đó, theo ĐBQH Ngô Văn Tuấn, Việt Nam là một thị trường mở, mọi biến động trên thị trường quốc tế chúng ta đều bị ảnh hưởng. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là gia công, việc mở rộng thị trường gặp nhiều khó khăn… “Đây là những khó khăn rất lớn, chúng ta phải lường trước trong điều kiện hiện nay” -Tổng Kiểm toán nhà nước nói.

Giải ngân chậm, ngân sách phân tán

Đề cập đến vấn đề quản lý, sử dụng ngân sách, ĐBQH Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, tốc độ giải ngân chậm, chi chuyển lớn, năm nào cũng chuyển nguồn khoảng trên 30%.

Lý giải vấn đề này, ĐBQH Ngô Văn Tuấn cho biết, chúng ta đã có những nghị quyết rất đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho những công trình dự án trọng điểm quốc gia, song tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, đặc biệt là thủ tục triển khai dự án còn rườm rà; việc triển khai các cơ chế đặc thù cũng rất chậm.

Bên cạnh đó, TĐBQH Ngô Văn Tuấn chỉ ra, hiện nay các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật đã rất lạc hậu nhưng chưa được sửa đổi kịp thời để đáp ứng yêu cầu phát triển; các quy định về đánh giá tác động môi trường của dự án; thủ tục chuyển đổi đất lúa, đất rừng phục vụ dự án… cũng là những điểm vướng cản trở tiến độ đầu tư công và giải ngân đầu tư công hiện nay cần sớm được đánh giá, tháo gỡ.

Liên quan đến việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách, ĐBQH Ngô Văn Tuấn thông tin, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, hiện nay ở Trung ương có 22 quỹ tài chính ngoài ngân sách; tổng số dư đến 31/12/2024 khoảng 1.400.000 tỷ đồng. Trong đó, ngoài 3 quỹ lớn nhất là Quỹ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ tích lũy trả nợ còn 19 quỹ còn lại chiếm khoảng độ 5%. Tuy nhiên, tất cả các quỹ đều có “bệnh” chung là hoạt động không hiệu quả. Quỹ lập ra để lấy tiền ngân sách gửi ngân hàng để nuôi bộ máy.

Tương tự, tại địa phương cũng có đến 25 - 30 quỹ. Điều này cho thấy nguồn lực của đất nước vừa thiếu, vừa yếu lại vừa phân tán.

Liên quan đến vấn đề bội chi ngân sách nhà nước, ĐBQH Ngô Văn Tuấn cho hay, chúng ta thấy rất an tâm về bội chi vì tỷ lệ rất thấp, chỉ hơn 3% so với GDP. Tuy nhiên, phải luôn thận trọng với vấn đề bội chi; nhất là trong giai đoạn tới, khi nhu cầu đầu tư của nước ta rất lớn. Từ những phân tích trên, ĐBQH Ngô Văn Tuấn cho rằng, cần nhận diện rõ những khó khăn, thách thức để từ đó, đề ra các giải pháp phù hợp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhận diện rõ khó khăn, thách thức trong tăng trưởng kinh tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO