Thực hiện Nghị quyết 68 của Quốc hội về bảo hiểm y tế

Nhận diện khó khăn để có giải pháp phù hợp

- Thứ Hai, 27/09/2021, 05:57 - Chia sẻ
Trong 2 năm 2019 - 2020, việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT), tiến tới BHYT toàn dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid - 19 cũng đã làm gia tăng những khó khăn trong việc thực hiện chính sách BHYT. Do đó, tại phiên họp của Thường trực Ủy ban Xã hội mới đây, các đại biểu lưu ý cần tập trung đánh giá, nhận diện rõ hơn những khó khăn này để có biện pháp phù hợp bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Vượt chỉ tiêu về số người tham gia BHYT

Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29.11.2013 của Quốc hội nêu rõ: "Bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT". Báo cáo tại phiên họp vừa qua của Thường trực Ủy ban Xã hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến ngày 31.12.2020, số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người, tăng 2,23 triệu người so với năm 2019, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 90,85% dân số, vượt 10,85% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 68/2013/QH13.

Trong năm 2020, nhóm đối tượng tham gia do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng và do ngân sách nhà nước đóng đã đạt tỷ lệ bao phủ 100% số người tham gia. Nhóm đối tượng do người sử dụng lao động và người lao động đóng đạt tỷ lệ bao phủ hơn 91% trên tổng số người thuộc diện tham gia. Nhóm đối tượng tham gia do ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng đạt tỷ lệ bao phủ là hơn 94% trên tổng số người thuộc diện tham gia, trong đó có đối tượng hộ gia đình cận nghèo và hộ gia đình nghèo đa chiều đã đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 100%. Nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình đạt tỷ lệ bao phủ 76,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận.

Đồng tình và đánh giá cao với những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, Thường trực Ủy ban Xã hội và các đại biểu tham dự Phiên họp đều cho rằng, BHYT đã có rất nhiều cải tiến cho người thụ hưởng. Những hoạt động liên quan tới đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như trạm xá, phương tiện, thiết bị, vật tư, máy móc mới... đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bảo hiểm y tế.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong, việc người tham gia BHYT và độ bao phủ đã đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là nỗ lực lớn, song thực tế đa phần đối tượng đóng BHYT hiện nay đều do Nhà nước hỗ trợ. Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động đóng theo quy định pháp luật mới chỉ ở khu vực chính thức, trong khi đó, còn vài chục triệu lao động nằm ở khu vực phi chính thức chưa được nhận diện để đưa vào đối tượng tham gia BHYT. 

Đại diện Bộ Y tế cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc hiện nay như: thiếu chế tài cụ thể đối với đối tượng tự đóng, hay đối tượng được hỗ trợ đóng BHYT nhưng không tham gia. Một bộ phận người dân chỉ khi có bệnh mới tham gia BHYT. Một số tỉnh, thành phố khó khăn trong bố trí ngân sách để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số nhóm tham gia BHYT.

Đáng chú ý, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên một số doanh nghiệp phải tạm dừng hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động dẫn đến người lao động không được tham gia BHYT. Một số doanh nghiệp phải dừng sản xuất, người lao động không có việc làm nên số nợ BHYT tăng cao so với năm 2019.

Chia sẻ với những khó khăn "bất khả kháng" nêu trên, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch mong muốn, Chính phủ cần làm rõ có bao nhiêu địa phương trong cả nước đang gặp khó khăn về bố trí ngân sách thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13? Bao nhiêu địa phương thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn? Bởi, khi xây dựng mục tiêu cho giai đoạn mới có liên quan đến một số chương trình mục tiêu quốc gia tổng thể của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cũng như BHYT toàn dân thì càng cần có thông tin chi tiết hơn. 

Trước tình trạng trốn hoặc chậm đóng BHYT ở một số địa phương, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc chưa có cơ chế, chính sách xử lý các trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nợ BHYT không có khả năng thu hồi. 

Để thúc đẩy việc thực hiện các chính sách, pháp luật về BHYT tiến tới BHYT toàn dân, nhiều ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền để người dân, đặc biệt là người lao động hiểu rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT cũng như quyền lợi của mình, tránh bị thiệt thòi khi doanh nghiệp hay những người sử dụng lao động lợi dụng và trốn đóng BHYT.

Thường trực Ủy ban Xã hội làm việc với Bộ Y tế về kết quả thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế ngày 24.9
Ảnh: Hồ Long

Triển khai khám chữa bệnh từ xa

BHYT toàn dân là một trong 6 nhiệm vụ Quốc hội giao cho Chính phủ tại Nghị quyết số 68/2013/QH13. Trong Nghị quyết, Quốc hội cũng nêu rõ, định kỳ 2 năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, 2 năm qua, việc thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó có những nhiệm vụ đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Đặc biệt, một trong những vấn đề nhức nhối giai đoạn trước như tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện tuyến cuối của TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến nay đã có xu hướng giảm rõ rệt. 

Để đáp ứng điều kiện thực tế trong tình hình đại dịch Covid-19, đồng thời khắc phục sự hạn chế tiếp cận của người dân với dịch vụ y tế chất lượng cao, ngày 22.6.2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025. Bộ Y tế cũng phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư lắp đặt trang thiết bị về công nghệ thông tin cho các bệnh viện để đáp ứng yêu cầu kết nối triển khai hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Sau một năm triển khai, 32 bệnh viện tuyến trên đã khai trương hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (chiếm 78%); kết nối với 1.500 bệnh viện tuyến dưới qua mạng Viettel và qua phần mềm Zoom.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện "xích lại gần nhau hơn, gần như không có khoảng cách giữa trong Nam, ngoài Bắc, giữa tuyến trên, tuyến dưới". Đồng thời đem lại cơ hội được cứu chữa cho rất nhiều ca bệnh nặng, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho các bệnh nhân tuyến dưới. Ngoài ra, trong tình hình dịch Covid-19, điều này cũng góp phần thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

Số liệu tổng hợp cho thấy, hơn 10.000 ca bệnh và 1.794 buổi hội chẩn đã được diễn ra, kết nối hơn 6.000 điểm cầu, 655 ca bệnh nguy kịch đã được cứu sống nhờ hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Đây là những con số rất tích cực, thể hiện hiệu quả Đề án Khám bệnh, chữa bệnh từ xa và việc triển khai công nghệ thông tin đối với lĩnh vực y tế, rút ngắn khoảng cách địa lý, kết nối các cơ sở y tế và mở ra cơ hội được điều trị có chất lượng cho rất nhiều bệnh nhân trên cả nước.

Như vậy, có thể thấy, kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 không chỉ thể hiện ở việc đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao, mà còn thể hiện ở sự thích ứng với diễn biến thực tế của tình hình. Tuy nhiên, so với yêu cầu và mong muốn thì cần tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp để có thể hoàn thành và bảo đảm chất lượng 6 nhiệm vụ Quốc hội giao cho Chính phủ trong Nghị quyết 68/2013/QH13, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân trong việc thụ hưởng chính sách BHYT - một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của nước ta.

Hồ Long